Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hy Lạp: Giữa ngã ba đường

Quỳnh Chi| 13/05/2012 05:54

(HNM) - Hy Lạp đang tiến sát đến khả năng phải tổ chức tổng tuyển cử lại sau khi tất cả các đảng phái dẫn đầu cuộc bầu cử vừa qua đều tuyên bố thất bại sau các cuộc đàm phán để thành lập liên minh cầm quyền trong một nội các mới.

Nỗ lực của đảng Xã hội (PASOK) trong ngày cuối tuần (12-5) đã không cho kết quả sau khi Liên minh Các mặt trận cực tả (Syriza) và đảng Dân chủ mới đều từ chối tham gia nội các chung. Mọi hy vọng nay phụ thuộc vào Tổng thống Karolos Papoulias - người sẽ triệu tập tất cả 7 đảng phái có ghế trong Quốc hội để yêu cầu thành lập chính phủ liên minh lần cuối cùng. Nếu đến ngày 17-5, các đảng phái vẫn chưa tìm được tiếng nói chung để thành lập nội các, Hy Lạp sẽ phải bước vào cuộc bầu cử Quốc hội mới.

Dư luận dự đoán Hy Lạp sẽ sớm rời Eurozone.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử mới cũng khó có khả năng giúp Hy Lạp thoát khỏi tình trạng khủng hoảng chính trị. Các cuộc thăm dò dư luận mới nhất do Marc-Alpha TV cho thấy, nếu cuộc bầu cử mới được tổ chức, Syriza sẽ vượt lên dẫn đầu với gần 24% phiếu ủng hộ, tiếp theo là Dân chủ mới với 17,4% phiếu và PASOK có thể chỉ đạt được tỷ lệ dưới 11%. Như vậy, vẫn không có đảng phái nào giành được trên 50% phiếu bầu để tự thành lập nội các. Liên minh cầm quyền cũng phải tập hợp ít nhất 3 đảng mới có thể hội đủ số phiếu cần thiết. Quyền đứng ra đàm phán thành lập nội các sẽ lại lần lượt trao cho 3 đảng có số phiếu cao nhất. Vòng luẩn quẩn lặp lại và không biết đến bao giờ Hy Lạp mới có nội các mới khi vòng vây của cuộc khủng hoảng nợ đang khép chặt từng ngày.

Bất đồng lớn nhất bao trùm chính trường đất nước Nam Âu hiện nay là quan điểm trái ngược về chính sách "thắt lưng, buộc bụng" vô cùng nghiệt ngã - điều kiện để nhận được các khoản cứu trợ của Liên minh Châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) suốt 2 năm qua. Dù đây là "liệu pháp" mà ND và PASOK buộc phải chấp nhận để giúp Hy Lạp thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ, song, cái giá phải trả cho cuộc cải tổ kinh tế sâu rộng là không hề nhỏ. Đời sống người dân sa sút, tỷ lệ thất nghiệp không ngừng tăng đã và đang dẫn đến những bất ổn xã hội là những yếu tố khiến ND và PASOK - hai chính đảng thống trị Hy Lạp suốt 38 năm qua - bị hạ bệ. Như một hệ quả tất yếu, tỷ lệ ủng hộ đã hướng đến các đảng phái phản đối chính sách khắc khổ.

Chia rẽ sâu sắc trong xã hội đang đẩy đất nước bên bờ Địa Trung Hải đến trước "ngã ba đường". Ở lại Eurozone là phải tiếp tục "tấn bi kịch" thắt lưng buộc bụng. Nếu sử dụng trở lại đồng tiền quốc gia drachme, Hy Lạp sẽ không nhận được bất cứ nguồn tài trợ nào từ Eurozone cũng như IMF. Để cân đối cán cân thương mại, Athens phải phá giá 55% đơn vị tiền tệ. Hậu quả có thể nhìn thấy là lạm phát phi mã, thất nghiệp tiếp tục tăng cao và nền kinh tế càng lún sâu vào suy thoái. Theo đánh giá của Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy, hậu quả của việc rời bỏ đồng euro có thể khiến Hy Lạp đau đớn hơn trong toàn bộ các kế hoạch khắc khổ được thi hành từ trước đến nay ở nước này, trong khi tình hình nợ công sẽ trở nên tồi tệ hơn. Trong trường hợp này, không loại trừ khả năng Hy Lạp bị vỡ nợ hoàn toàn và thiệt hại với các ngân hàng chủ nợ được dự đoán sẽ lên tới 300 tỷ euro.

Những gì đang diễn ra ở Hy Lạp tuần qua phát đi một tín hiệu cực kỳ đáng lo ngại với Lục địa già. Dù đã chuẩn bị tâm lý cho khả năng Hy Lạp rời khỏi Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone), song không ai có thể lường hết những hệ lụy mà Athens có thể gây ra. Đối với Eurozone và EU, nếu Hy Lạp từ bỏ đồng euro sẽ đẩy các thị trường vào tình trạng hoảng loạn. Trong khi đó, khủng hoảng lòng tin sẽ làm dậy sóng một cuộc thoái vốn lớn và gần như chắc chắn sẽ buộc một nền kinh tế lớn hơn như Tây Ban Nha phải tìm kiếm cứu trợ. Công ty xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đã lên tiếng cảnh báo, nếu Hy Lạp bị đình chỉ tư cách thành viên Eurozone do khủng hoảng chính trị hay không thực hiện các cam kết trước các chủ nợ thì có thể sẽ xem xét hạ tín nhiệm của tất cả 16 nước thành viên còn lại sử dụng đồng tiền chung này. Nếu thành hiện thực, đây sẽ là một cơn địa chấn tín nhiệm tài chính lớn nhất trong lịch sử Eurozone.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hy Lạp: Giữa ngã ba đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.