(HNM) - Những thông tin như kinh tế Hy Lạp bất ngờ tăng trưởng trong quý II-2015, Athens và bộ ba chủ nợ đã đạt thỏa thuận về gói cứu trợ 86 tỷ euro (94 tỷ USD)… dường như đang cứu vãn nguy cơ sụp đổ của nền kinh tế tại xứ sở Các vị thần, cũng như việc nước này tiếp tục ở lại Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).
Dẫu vậy, các vấn đề cốt tử của Hy Lạp không thể được cải thiện trong ngày một ngày hai và giới chuyên gia cho rằng: Thỏa thuận với các chủ nợ mà Hy Lạp vừa đạt được sẽ chồng thêm khó khăn đối với nền kinh tế ốm yếu.
Thị trường chứng khoán Hy Lạp mở cửa trở lại nhưng không có nhiều dấu hiệu khởi sắc. |
Chiều 14-8 (giờ địa phương) các bộ trưởng tài chính 19 nước Eurozone đã họp phiên bất thường nhằm đưa ra quyết định về gói cứu trợ trị giá 86 tỷ euro trong 3 năm dành cho Athens. Nếu được Eurozone chấp thuận, Hy Lạp nhiều khả năng sẽ nhận được khoản giải ngân đầu tiên (khoảng 10 tỷ euro) để kịp trả khoản nợ 3,2 tỷ euro đến hạn thanh toán cho Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) vào ngày 20-8. Theo các báo cáo của Hy Lạp, thỏa thuận mới sẽ bỏ dần việc về hưu sớm và tăng dần tuổi về hưu lên 67 vào năm 2022. Hệ thống phúc lợi xã hội của nước này cũng sẽ được xem xét lại theo hướng cắt giảm chi phí; và thị trường khí đốt sẽ được thả lỏng vào năm 2018. Trước khi đạt được thỏa thuận về gói cứu trợ, Athens và các chủ nợ quốc tế đã nhất trí về mục tiêu ngân sách mà xứ sở Thần thoại phải thực hiện trong 3 năm tới. Theo đó, Hy Lạp cam kết sẽ đạt thâm hụt ngân sách đầu tiên ở mức 0,25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm nay trước khi đạt thặng dư ngân sách vào năm 2016. Sau khi đạt thặng dư ngân sách đầu tiên vào năm 2016, con số này tiếp tục tăng lên mức 1,75% GDP trong năm 2017 và 3,5% GDP trong năm 2018.
Tuy nhiên, có thể thấy, gói cứu trợ được thông qua không có nghĩa cuộc khủng hoảng tài chính của Hy Lạp được giải quyết. Sau khi nhận được cứu trợ, nội các của Thủ tướng đương nhiệm Alexis Tsipras phải thực hiện các biện pháp cải cách khắc khổ mới theo đúng cam kết với các chủ nợ quốc tế. Nền kinh tế và cả người dân Hy Lạp đã kiệt quệ sau 5 năm "thắt lưng buộc bụng" để đổi lấy hai gói cứu trợ trị giá 240 tỷ euro hồi năm 2010. Và lần này, những yêu cầu thắt chặt chi tiêu còn khắc nghiệt hơn. Ngay cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng nhận định: Với những nguy cơ đang phải đối mặt, chắc chắn gói cứu trợ thứ ba này chưa đủ để đưa Hy Lạp ra khỏi cơn khủng hoảng tài chính. Một vấn đề cam go, theo các nhà phân tích là việc làm sao để giảm núi nợ của Hy Lạp.
Theo dự báo của IMF, nếu không có những biện pháp hữu hiệu, núi nợ này sẽ phình lên tới 200% GDP trong 2 năm nữa. Nếu không giảm được nợ, nữ thần thịnh vượng sẽ khó có thể quay lại xứ sở Các vị thần, và tương lai của Hy Lạp trong Eurozone không thể được bảo đảm.
Đến thời điểm này, Hy Lạp vẫn thể hiện là quốc gia không thực sự mặn mà với các biện pháp điều chỉnh lương nội bộ và những cải cách do chủ nợ áp đặt. Thỏa thuận mới của Athens được dự đoán sẽ vấp phải không ít sự phản đối tại Quốc hội Hy Lạp, đặc biệt là khối thiên tả của đảng cầm quyền Syriza. Để đổi lấy những khoản tài chính mới, Chính phủ của Thủ tướng A.Tsipras đã đi ngược lại với tuyên bố ban đầu khi tiếp tục áp đặt hàng loạt biện pháp "thắt lưng buộc bụng". Sự chia rẽ trong đảng cầm quyền và sự phản đối của một bộ phận không nhỏ người dân đối với chính sách khắc khổ đang khiến Thủ tướng A.Tsipras đau đầu. Nhưng, trong bối cảnh mức độ tín nhiệm của Thủ tướng A.Tsipras vẫn khá cao, nhà lãnh đạo này đã đưa ra cảnh báo với những người bất đồng về một cuộc bầu cử sớm vào mùa thu 2015 nếu họ tiếp tục phản đối việc làm của Chính phủ.
Những gì đang diễn ra tại xứ sở Thần thoại được cho là bước ngoặt để Athens thực hiện cam kết tích cực cải cách kinh tế và tài khóa. Nếu không, việc Hy Lạp ra khỏi Eurozone - với nguyên vẹn những xung đột kinh tế và xã hội ập xuống cùng lúc - dường như là không thể tránh khỏi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.