Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hy Lạp “bước vào vùng sáng”

Minh Hiếu| 22/08/2018 06:15

(HNM) - Sau gần một thập kỷ thực hiện chính sách “thắt lưng buộc bụng”, Hy Lạp đã chính thức thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ công từng khiến nước này có nguy cơ phá sản cũng như đe dọa vị trí thành viên tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Hy Lạp đã chính thức bước ra khỏi cuộc khủng hoảng nợ công lớn nhất trong lịch sử.


Nhờ những nỗ lực phi thường của người dân cùng sự hợp tác hiệu quả giữa Chính phủ và các đối tác châu Âu, Hy Lạp đã hoàn thành gói cứu trợ thứ ba, cũng là gói cứu trợ quốc tế cuối cùng hôm 20-8 vừa qua. Gói này nằm trong chương trình cứu trợ lớn nhất lịch sử tài chính toàn cầu, có giá trị lên tới 289 tỷ euro của 4 tổ chức đại diện cho nhóm chủ nợ, gồm Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Ủy ban châu Âu (EC) và Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM). Trong 3 năm qua, ESM đã giải ngân 61,9 tỷ euro trong gói hỗ trợ cuối cùng để đất nước đang bị nợ nần bủa vây này cải thiện kinh tế vĩ mô và tái cấp vốn các ngân hàng.

Theo chương trình, Athens có thể được cấp thêm 24,1 tỷ euro, song các chuyên gia kinh tế đánh giá số tiền này hiện không còn cần thiết nữa. Như vậy, lần đầu tiên sau 8 năm bên bờ vực phá sản, kinh tế Hy Lạp đã có thể tự đứng vững và không cần thêm bất kỳ chương trình cứu trợ bổ sung nào. Đây được xem là một thành công đối với Eurozone khi vượt qua cơn bão khủng hoảng nợ gây ảnh hưởng tới hầu hết các thành viên cách đây gần một thập kỷ. Hy Lạp chính là nền kinh tế cuối cùng vượt qua giám sát tài chính trong cuộc khủng hoảng nợ sau Ireland, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Cộng hòa Síp.

Dù được ghi nhận là cột mốc quan trọng "bước vào vùng sáng", các chuyên gia cảnh báo việc kết thúc chương trình cứu trợ không đồng nghĩa với việc xứ sở Thần thoại có thể chấm dứt các biện pháp thắt chặt chi tiêu và cải cách mạnh mẽ khi tình hình thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Trong 8 năm qua, để đổi lấy các gói cứu trợ, Chính phủ Hy Lạp đã phải cam kết thực thi các chính sách “khắc khổ” về chi tiêu công, lao động, hưu trí và an sinh xã hội. Ước tính những cải cách mà Athens phải đáp ứng cho các chủ nợ đã khiến nền kinh tế nước này bị thu hẹp tới 25% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và tỷ lệ thất nghiệp tăng 27% so với thời điểm kể từ khi khủng hoảng bắt đầu. Ngoài ra, Hy Lạp không được phép tham gia các thị trường trái phiếu và phải chịu sự can thiệp, giám sát chặt chẽ từ các chủ nợ đối với hàng loạt chính sách kinh tế vĩ mô.

Hiện tại, xứ sở Thần thoại vẫn phải thực thi các chính sách tài khóa nghiêm ngặt khi trở thành thành viên Eurozone đầu tiên chịu sự giám sát tăng cường kể từ ngày 21-8. Nước này cam kết bảo đảm thặng dư ngân sách sơ cấp ở mức 3,5% GDP từ nay đến năm 2022 và ở mức 2% GDP đến năm 2060 để đổi lấy thỏa thuận giãn nợ được ký kết với các chủ nợ hồi tháng 6-2018. Nhiều chính trị gia lo ngại, mục tiêu này sẽ giới hạn Athens trong việc cắt giảm thuế hoặc thực hiện các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng khác. Song giới tài chính cho rằng đây chỉ là những ảnh hưởng trong ngắn hạn.

Các chuyên gia lạc quan trong vòng 15 năm tới, bức tranh kinh tế Hy Lạp sẽ được thay thế bằng những mảng màu tươi sáng hơn. Nền kinh tế nước này đã tăng trưởng quý thứ 5 liên tiếp nhờ tín hiệu khởi sắc trong lĩnh vực xuất khẩu. Theo dự báo của EC, Hy Lạp sẽ tiếp tục ghi nhận mức tăng trưởng 1,9% trong năm nay. Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng trung ương Hy Lạp Yannis Stournaras thừa nhận, nước này còn một chặng đường dài phải vượt qua nếu không muốn những nỗ lực trong thời gian qua trở nên vô nghĩa. Hiệu quả rõ rệt của quá trình phục hồi cần có thời gian để kiểm chứng, nhưng điều cần thiết hiện nay là nắm bắt những cơ hội phát triển quý giá mà đất nước của những vị thần đã để lỡ trong gần một thập kỷ qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hy Lạp “bước vào vùng sáng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.