Nếu tháng trước người dân Hy Lạp đi bỏ phiếu trong giận dữ thì cuối tuần này họ quay trở lại phòng phiếu với tâm trạng lo sợ để quyết định số phận của Hy Lạp.
Ngày 17-6, 10 triệu cử tri sẽ lựa chọn chấp nhận tiếp tục thắt lưng buộc bụng hoặc ra khỏi khu vực đồng euro.
Chuẩn bị thùng phiếu tại một điểm bầu cử ở Athens ngày 15-6. Ảnh: Reuters |
Theo CNN, cuộc bầu cử lại là cơ hội thứ hai để người dân Hy Lạp chọn ra một chính phủ mới nhằm đưa nước này khỏi bờ vực khủng hoảng, nhưng cũng được coi là cuộc trưng cầu ý dân cho số phận của nước này. Hy Lạp đã không có một chính phủ hoàn chỉnh kể từ đợt bỏ phiếu lần đầu ngày 6-5 do ba đảng chính không thể thành lập nổi một chính phủ liên minh.
Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong thời điểm Hy Lạp cần phải đưa ra các khoản cắt giảm ngân sách vào cuối tháng này theo điều kiện của gói giải cứu từ châu Âu và đối mặt với 3,9 tỉ euro (khoảng 5 tỉ USD) trái phiếu đáo hạn vào tháng 8-2012. Nếu thất bại, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ cắt nguồn tài chính cho các ngân hàng đang thoi thóp của Athens. Nhưng trước hết, Hy Lạp cần một chính phủ mới để đưa ra các quyết định.
Các ngân hàng trung ương châu Âu cho biết sẵn sàng đối phó với cơn bão tài chính có thể bùng nổ sau cuộc bầu cử của Hy Lạp cuối tuần này. Tại Anh, chủ tịch Ngân hàng Anh Mervyn King mới đây công bố gói tài chính khẩn cấp 80 tỉ bảng (khoảng 124 tỉ USD) nhằm giúp thị trường cho vay và doanh nghiệp tư nhân đối phó với “cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai”.
Bộ trưởng tài chính các nước sử dụng đồng euro dự kiến sẽ họp ngày 17-6 để thảo luận các bước hành động tiếp sau kết quả bầu cử của Hy Lạp. Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch đánh giá sự ra đi của Hy Lạp sẽ khiến khối đồng euro mất 350-400 tỉ euro, gây chấn động cho thị trường tài chính quốc tế. Công ty Goldman Sachs mới đây dự đoán nếu Hy Lạp thất bại, giá trị nền kinh tế của toàn khu vực này có thể sẽ giảm 2%.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.