Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huyện Ứng Hòa: Đê Sông Đáy “kêu cứu”!

Ánh Dương| 14/04/2016 08:06

(HNM) - Huyện Ứng Hòa có hơn 36km đê tả Đáy (từ K43+700 đến K80+022), trong đó có 14,7km đê kết hợp giao thông. Tuy nhiên, tại nhiều đoạn đi qua khu dân cư đã phát sinh hàng loạt vụ lấn chiếm đê, xây công trình kiên cố...

Công trình xây dựng trên mái và hành lang bảo vệ đê ở Thôn Trung, xã Viên Nội.


Quản lý lỏng lẻo

Xã Sơn Công có 7,8km đê tả Đáy đi qua. Các vi phạm chủ yếu xảy ra tại các thôn Hoàng Dương, Vĩnh Thượng, Vĩnh Hạ với công trình chuồng trại chăn nuôi được xây dựng trên đất nông nghiệp lấn ra chân đê, hành lang bảo vệ đê (HLBVĐ). Trong tổng số 103 trường hợp vi phạm (THVP) tại xã, có 46 trường hợp xây công trình phụ, nhà cấp 4, nhà bê tông 2-4 tầng... trên đất ở lâu năm, đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) nhưng nằm trong HLBV; xây công trình lấn ra mái và chân đê.

Các THVP Luật Đê điều ở Sơn Công chủ yếu diễn ra từ trước năm 2014. Tại địa phận xã Viên Nội, 3,5km đê tả Đáy đi qua 4 thôn: Thượng, Trung, Giang, Tiền. Toàn xã có 96 THVP thì tới 14 trường hợp được giao đất trái thẩm quyền, 21 trường hợp lấn chiếm đất để xây nhà... Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn xã Đồng Tiến có 192 THVP xây nhà kiên cố, công trình phụ... trên mái, cơ đê. Cá biệt, trong năm 2015, huyện Ứng Hòa triển khai giải tỏa hàng trăm vụ vi phạm làm mái che, mái vẩy, nhà tạm… thì một số hộ ở xã Đồng Tiến ngang nhiên xây nhà bê tông 2-3 tầng trên đất thổ cư nhưng lấn ra mái đê, như hộ ông Nguyễn Văn Biển, Nguyễn Văn Đục (thôn Đoàn Xá)... Riêng thị trấn Vân Đình, có tới 808 THVP xây công trình nhà cấp 4, nhà kiên cố, chủ yếu ở khu vực mái đê, hành lang đê...

Tuy nhiên, nhức nhối nhất là các trường hợp xây dựng công trình trên đất nông nghiệp, đất lấn chiếm và giao đất trái thẩm quyền. Tại địa bàn xã Lưu Hoàng, trong số 278 THVP Luật Đê điều, thì có tới 198 trường hợp chiếm dụng đất để xây nhà cấp 4, nhà bê tông 1-3 tầng; 10 trường hợp có nguồn gốc đất giao trái thẩm quyền từ năm 1994 đến 2013,... Thôn Ngoại Độ, xã Đội Bình có 37 trường hợp xây nhà kiên cố trên mái đê...

Trong số 73 trường hợp vi phạm tại xã Viên An, có tới 34 công trình xây trên đất nông nghiệp, lấn vào mái đê, chân đê; 14 trường hợp lấn chiếm đất công để dựng nhà xưởng, chuồng trại và 8 trường hợp làm nhà cấp 4 trên đất giao trái thẩm quyền... Tại xã Vạn Thái có 267 THVP, thì 77 trường hợp xây trên đất lấn chiếm; 18 trường hợp được giao đất trái thẩm quyền... Điều này cho thấy, lãnh đạo các địa phương ở huyện Ứng Hòa còn quá lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai.

Khó xử lý

Thực hiện chỉ đạo tại Quyết định số 4862/QĐ-UBND ngày 25-9-2015 của UBND thành phố ban hành kế hoạch xử lý, giải tỏa vi phạm pháp luật về đê điều, công trình thủy lợi..., UBND huyện Ứng Hòa đã yêu cầu Phòng Kinh tế, Phòng Tài nguyên & Môi trường, Hạt quản lý đê Ứng Hòa - Mỹ Đức và Đội Thanh tra xây dựng huyện cử cán bộ phối hợp với UBND các xã, thị trấn, tiến hành kiểm tra, phân loại các THVP Luật Đê điều; xác minh, làm rõ nguồn gốc đất đai đối với những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, dù giải tỏa 824 THVP (hàng quán, mái che, mái vẩy, nhà tạm, nhà bán mái…) trên địa bàn 13/13 xã, nhưng số công trình kiên cố vi phạm còn tồn tại rất lớn.

Theo thống kê chưa đầy đủ, huyện Ứng Hòa còn khoảng 3.300 vụ xây công trình kiên cố vi phạm Luật Đê điều, chủ yếu ở khu vực mái, cơ và chân đê, trong đó hơn 30% công trình được xây dựng trên diện tích đất ở lâu năm, đất đã được cấp GCNQSDĐ. Đơn cử, xã Phù Lưu, ngoài khoảng 20/228 THVP xây công trình trên đất được giao trái thẩm quyền, lấn chiếm, đều là đất ở lâu năm, đất đã được cấp GCNQSDĐ.

Xã Hòa Phú có 141/339 trường hợp đất ở lâu năm, đã được cấp GCNQSDĐ. Hay thị trấn Vân Đình có 77/808 trường hợp là đất thổ cư, 252 trường hợp xây công trình trên đất thổ cư và mái đê... Theo đánh giá của Phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa, đối với vi phạm nằm trong hành lang bảo vệ đê, hành lang thoát lũ thuộc các khu dân cư lâu đời nhưng chưa tổ chức di dời, sẽ hoàn thiện hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đê điều, trật tự xây dựng và hoàn thiện thủ tục cấp giấy phép xây dựng tạm.

Nếu có chủ trương xây dựng đường gom chân đê để hạn chế vi phạm, thì kinh phí dành cho việc tổ chức di dời khoảng 1.000 trường hợp đất thổ cư, được cấp GCNQSDĐ nằm trong phạm vi bảo vệ đê rất lớn. Bên cạnh đó là khó khăn về quỹ đất tái định cư...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Huyện Ứng Hòa: Đê Sông Đáy “kêu cứu”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.