Văn hóa

Ba Vì tập trung phát huy, bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số

Ánh Dương 28/10/2023 11:36

Thời gian qua, đời sống văn hóa, vật chất, tinh thần của người dân vùng núi ở huyện Ba Vì đã có nhiều khởi sắc. Thành phố đã đầu tư hơn 500 tỷ đồng để xây dựng 175 nhà văn hóa thôn. Từ khi có nhà văn hóa mới, khang trang, đời sống văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại 7 xã miền núi phát triển mạnh, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Đặc biệt, việc khôi phục, giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

bavi.jpg
Các nghệ nhân biểu diễn tại buổi tập huấn công tác bảo tồn văn hóa truyền thống cồng chiêng cho các đội chiêng ở 7 xã miền núi của huyện Ba Vì.

Giữ nét riêng văn hóa

Những năm qua, huyện Ba Vì đặc biệt quan tâm tới việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của đồng bào dân tộc thiểu số. Không chỉ chú trọng xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao, huyện còn hướng mạnh vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số qua việc tổ chức các lễ hội, sưu tầm và bảo quản hiện vật, tuyên truyền về nét đẹp trang phục, nhạc cụ truyền thống, các phong tục, tập quán tốt đẹp, làng nghề truyền thống; phục dựng lễ hội Tản Viên Sơn, nét đẹp sinh hoạt văn hóa cộng đồng thôn bản, củng cố hoạt động của các đội chiêng...

Nhiều nét văn hóa dân tộc thiểu số có nguy cơ bị mai một đang từng bước được khôi phục, lưu truyền như tiếng nói, trang phục, hát sắc bùa, múa Mường cổ, văn hóa chiêng của dân tộc Mường, lễ cấp sắc của người Dao. Điển hình, tại xã Vân Hòa - một trong số 7 xã miền núi của huyện, từ năm 2016 đã xây dựng Đội bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường với 18 thành viên, trong đó có 13 thành viên là đội trưởng đội chiêng của các thôn trong xã.

Bà Nguyễn Thị Duyên, Đội trưởng Đội bảo tồn văn hóa dân tộc Mường xã Vân Hòa cho biết: Đội chiêng của các thôn được thành lập từ 15 - 20 năm trước, mỗi đội có từ 12 - 15 thành viên, độ tuổi từ hơn 30 đến gần 70. Vào những ngày lễ tết, họ sẽ biểu diễn tại thôn và tham gia các chương trình biểu diễn của xã và huyện. Các thành viên đội chiêng của các thôn đều là những người yêu văn hóa dân tộc.

Dù phải thường xuyên tập luyện và chưa có chế độ đãi ngộ nhưng họ sẵn sàng thu xếp việc nhà để dành thời gian cho niềm đam mê, thậm chí tự bỏ tiền đầu tư trang phục biểu diễn, gồm vòng bạc đeo cổ, áo, váy, thắt lưng, khăn đội đầu..., khoảng hơn 2 triệu đồng/bộ; tham gia biểu diễn gây quỹ hoặc cùng nhau góp 20 - 30 triệu đồng để mua bộ chiêng cho cả đội sử dụng. “Vào chiều thứ năm hằng tuần, Đội bảo tồn văn hóa xã cùng nhau tập các bài chiêng, góp phần lưu giữ, quảng bá lời ca, điệu múa của dân tộc mình” - bà Nguyễn Thị Duyên cho biết thêm.

Là một địa phương có 94% dân số là người dân tộc Dao quần chẹt và 4% là người Mường, người Kinh, xã Ba Vì luôn dành sự quan tâm cho công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Xã có 3 thôn, từ hơn 10 năm trước, các thôn đã thành lập đội bảo tồn văn hóa múa chuông, múa rùa với tổng số 51 thành viên.

Ông Triệu Tài Vi ở thôn Hợp Nhất (xã Ba Vì) đã tham gia đội múa chuông của thôn được gần 20 năm, là người có kinh nghiệm giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa múa chuông của người Dao Ba Vì. Ông cùng đội múa chuông của thôn nhiều lần tham gia chương trình biểu diễn do xã, huyện và thành phố Hà Nội tổ chức.

Thậm chí, đội múa chuông người Dao Ba Vì còn được đại diện cho thành phố Hà Nội tham gia Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất - năm 2017 tại tỉnh Tuyên Quang. Cán bộ văn hóa - xã hội phụ trách công tác dân tộc xã Ba Vì Dương Thị Quỳnh cho biết: Người dân tộc Dao múa chuông trong các nghi lễ cấp sắc, tết nhảy, chủ yếu là nam giới tham gia; họ tổ chức múa rùa - tái hiện quá trình lao động sản xuất, săn bắt của người dân tộc Dao - trong các dịp cúng lễ. Để giữ gìn, phát huy văn hóa múa chuông, múa rùa, xã Ba Vì đã đề nghị và được UBND huyện Ba Vì trích ngân sách, hỗ trợ 100 bộ chuông, 14 bộ trang phục người Dao quần chẹt...

Bảo tồn, lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc

Bên cạnh việc quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số, huyện Ba Vì tích cực tổ chức các hoạt động tập huấn, truyền dạy về tiếng nói, chữ viết cho đồng bào, mua sắm trang phục và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; đề cao phong trào tự học, tự truyền dạy cho nhau trong cộng đồng. Ngoài ra, huyện cũng từng bước xây dựng làng văn hóa các dân tộc thiểu số gắn với nghề thủ công truyền thống; tổ chức các hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa và du lịch cộng đồng; chú trọng công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế, du lịch, dịch vụ và có cơ chế ưu tiên cho hoạt động bảo tồn, khôi phục và phát triển văn hóa truyền thống.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hòa Nguyễn Thị Ngọc Hà, nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của các đội chiêng, đội bảo tồn, người dân trên địa bàn xã ngày càng quan tâm hơn đến việc giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc thiểu số. Đội bảo tồn của xã và đội chiêng của các thôn tích cực truyền dạy những làn điệu chiêng, lời ca, điệu múa Mường cho thế hệ trẻ.

Việc bảo tồn, gìn giữ, lan tỏa nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Mường, người Dao và phát huy giá trị văn hóa trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đang được huyện Ba Vì tích cực thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh cho biết: Tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số huyện Ba Vì giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, huyện đã tập trung bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa vật thể, phi vật thể của người Mường, người Dao và đạt được kết quả tích cực: 7 xã miền núi đều đã thành lập Đội bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số, có đội chiêng ở các thôn. Các địa phương thường xuyên tổ chức tập luyện, sưu tầm những bài diễn tấu chiêng Mường, các làn điệu dân ca Mường; nghi thức múa rùa, múa chuông tại lễ cấp sắc dân tộc Dao; mua sắm trang bị thêm chiêng chuông, trang phục cho các thôn; tổ chức hội thi ẩm thực văn hóa dân tộc thiểu số...

Tính đến nay, huyện Ba Vì đã mua sắm, trao tặng 29 bộ chiêng Mường, 3 bộ chuông chiêng Dao; cấp hơn 300 bộ trang phục dân tộc Mường cho người uy tín, Đội bảo tồn văn hóa các xã miền núi; phối hợp với các đơn vị, cá nhân tổ chức hội thi cồng chiêng dân tộc Mường, biểu diễn chuông chiêng dân tộc Dao với sự tham gia của 7 đội thuộc 7 xã miền núi. Đặc biệt, huyện đã thực hiện chương trình “Trưng bày, biểu diễn văn hóa cồng chiêng dân tộc Mường” chào mừng 55 năm thành lập huyện (26/7/1968 - 26/7/2023), ngày huyện đón nhận danh hiệu Nông thôn mới và Huân chương Lao động hạng Ba; phối hợp với các đơn vị chức năng, UBND các xã tổ chức tập huấn, tổ chức các hoạt động bảo tồn văn hóa... Trưởng phòng Dân tộc huyện Ba Vì Bùi Huy Giáp thông tin thêm: Trong tháng 10-2023, huyện Ba Vì trích ngân sách gần 100 triệu đồng, mua 3 bộ chiêng để trao tặng các Đội bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số ở các xã Ba Trại, Tản Lĩnh, Vân Hòa.

“Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân” - Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đức Anh khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba Vì tập trung phát huy, bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.