Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huyện Gia Lâm phải đoàn kết, đồng lòng phấn đấu trở thành quận vào năm 2023

Hà Vũ - Ảnh: Viết Thành| 12/10/2022 11:34

(HNMO) - Sáng 12-10, tại trụ sở HĐND - UBND xã Đa Tốn, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cùng các đại biểu Quốc hội thuộc Đơn vị bầu cử số 4 tiếp xúc cử tri huyện Gia Lâm trước kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV.

Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội và các đại biểu dự buổi tiếp xúc cử tri.

Tham gia tiếp xúc cử tri có: Đại biểu Quốc hội - Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội; đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường, Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội.

Dự hội nghị có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai; lãnh đạo một số sở, ban, ngành, huyện Gia Lâm và hơn 200 đại diện cử tri trên địa bàn.

Kiến nghị về tiến độ công trình hạ tầng, nhà ở xã hội

Mở đầu, đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường đã báo cáo về dự kiến nội dung kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV và tổng hợp trả lời của các bộ, ngành và thành phố Hà Nội về ý kiến, kiến nghị của cử tri huyện Gia Lâm trong kỳ tiếp xúc trước.

Đánh giá cao nội dung, chương trình kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, cử tri huyện Gia Lâm đã nêu ý kiến, kiến nghị với đại biểu Quốc hội về nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý đất đai, triển khai các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn huyện.

Cử tri huyện Gia Lâm phát biểu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri.

Cử tri Nguyễn Văn Thắng (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm) đề nghị thành phố quan tâm, hỗ trợ nhà thầu thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ một số dự án trên địa bàn, nhất là các dự án giao thông, vì nhiều nhà thầu gặp khó khăn do chênh lệch giá ở thời điểm ký hợp đồng so với thực tế do tác động của dịch Covid-19 và chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng.

Cử tri Nguyễn Thị Thanh Thu (thị trấn Trâu Quỳ) phản ánh, theo quy định, các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhưng thực tế có nhiều bất cập; trong khi quy hoạch về mật độ xây dựng và chỉ tiêu dân số thấp, dẫn đến khai thác quỹ đất không hiệu quả, khó thu hút nhà đầu tư. Hơn nữa, việc bố trí ở mỗi khu đô thị 20% để xây dựng nhà ở xã hội sẽ dẫn đến tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, không đồng bộ… Cử tri kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, điều chỉnh quy định liên quan, bố trí xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung nhằm tạo điều kiện thu hút đầu tư, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các khu nhà ở xã hội tập trung trên địa bàn huyện.

Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội và các đại biểu dự buổi tiếp xúc cử tri.

Cử tri Bùi Thế Hiền (xã Đặng Xá) cho biết, hiện nay, UBND xã đang quản lý quỹ đất công ích, nhưng thời gian cho thuê ngắn (5 năm) nên khó thu hút doanh nghiệp đầu tư công nghệ vào sản xuất. Cử tri kiến nghị Quốc hội nghiên cứu, cho phép UBND xã ký hợp đồng cho thuê đất công ích từ 10 năm trở lên.

Cử tri Phương Hữu Ngũ (xã Kim Sơn) phản ánh, tiến độ dự án nâng cấp mở rộng tuyến đường từ quốc lộ 5 vào Khu công nghiệp Hapro (đường 181) rất chậm, ảnh hưởng đến đời sống người dân trên địa bàn. Cử tri kiến nghị thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ dự án; đồng thời, có giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm tại sông Bắc Hưng Hải…

Phấn đấu hoàn thành Đề án xây dựng huyện thành quận vào năm sau

Sau khi nghe Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông trao đổi, giải đáp các vấn đề cử tri nêu, thay mặt các đại biểu Quốc hội phát biểu, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri để tổng hợp báo cáo Quốc hội và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Đồng chí khẳng định, các ý kiến cử tri nêu đều rất xác đáng, là vấn đề lãnh đạo thành phố quan tâm, trăn trở, đã triển khai các giải pháp giải quyết. Trong đó, đối với kiến nghị về đầu tư dự án nhà ở xã hội, thay vì đầu tư trên phần đất 20% trong các khu đô thị, thành phố đã kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện các dự án tập trung, đồng bộ, toàn diện. Thành phố còn chủ trương đầu tư bằng nguồn ngân sách cho phần hạ tầng xã hội tại các khu nhà ở xã hội để giảm giá thành cho người dân. Đối với các kiến nghị khác, thành phố sẽ giao các cơ quan thành phố xem xét cụ thể, trả lời cử tri.

"Trên cương vị là lãnh đạo thành phố, chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cấp, các ngành giải quyết các vấn đề cử tri quan tâm", đồng chí Đinh Tiến Dũng nêu rõ.

Theo Bí thư Thành ủy, thành phố đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; đồng thời, tập trung triển khai các đề án, dự án rất quan trọng, có tính quyết định, tính đột phá cho sự phát triển bền vững của Thủ đô như: Đầu tư đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; tổng kết, đánh giá đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô…

Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đồng thời, dành nguồn lực để tập trung đầu tư 3 lĩnh vực: Y tế (tập trung cho y tế cơ sở, y tế dự phòng), giáo dục - đào tạo (quan tâm hoàn thiện hệ thống trường chuẩn quốc gia, trường liên cấp...) và văn hóa (đầu tư phát huy giá trị các di tích lịch sử, cách mạng trên địa bàn…) giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo với tổng dự toán trên 49.000 tỷ đồng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri.

Đặc biệt, thành phố đã tạo bước đột phá, phân cấp, ủy quyền đối với 634 thủ tục hành chính, đạt 35,5% thủ tục hành chính cấp thành phố và cấp huyện, đạt 41,65% thủ tục hành chính cấp thành phố... “Đây mới chỉ là bước đầu, sắp tới, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, phân cấp, ủy quyền mạnh hơn nữa cho các quận, huyện, thị xã”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nói.

Năm 2022, cùng với việc đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đổi mới công tác đánh giá cán bộ, siết chặt kỷ cương, kỷ luật, thành phố đã đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. 9 tháng qua, các chỉ số kinh tế đều đạt mức cao, trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9,69% (cả nước tăng 8,83%), thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 78,3% so với dự toán, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Bí thư Thành ủy Hà Nội nhìn nhận, kết quả thành phố đạt được có đóng góp quan trọng của các địa phương, trong đó có Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Lâm. Kinh tế chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do huyện quản lý tăng 10,38% so với cùng kỳ.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đề nghị, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng thực hiện tốt 6 nhóm nội dung trọng tâm. Trong đó, đồng chí nhấn mạnh, Gia Lâm là một trong hai huyện được thành phố ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng thành quận trong giai đoạn từ nay đến năm 2025. Bí thư Thành ủy chỉ đạo, cấp ủy, chính quyền huyện tập trung chỉ đạo, huy động mọi nguồn lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; phân công, đôn đốc sâu sát, quyết liệt việc thực hiện các nhiệm vụ cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị, đồng thời, tích cực, chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện Đề án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm thành quận; phấn đấu đáp ứng đủ điều kiện trở thành quận vào năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Gia Lâm phải đoàn kết, đồng lòng phấn đấu trở thành quận vào năm 2023

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.