(HNM) - Đích đến là nâng cao hiểu biết cho người dân để tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Là điểm nhấn trong chuỗi các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2017, qua hơn 6 tháng triển khai, cuộc thi viết: Tìm hiểu Bộ luật Dân sự năm 2015 đã nhận được gần 566 nghìn bài dự thi. Qua chấm thi cho thấy, nhiều bài được đầu tư công phu, trình bày sinh động, sáng tạo, thể hiện sự am hiểu sâu về điểm mới, sửa đổi, bổ sung trong bộ luật. Do đó, Ban Tổ chức cuộc thi đã thống nhất đề nghị UBND thành phố tăng thêm cơ cấu giải đối với cá nhân và tập thể so với kế hoạch ban đầu. Theo kế hoạch, UBND TP Hà Nội tổ chức công bố, trao thưởng và tổng kết cuộc thi vào sáng nay (9-11).
Ngoài cuộc thi trên, nhiều cuộc thi khác được tổ chức như thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng cháy, chữa cháy”; thi viết về “Người tốt, việc tốt trong thực hiện kỷ cương hành chính"; thi trực tuyến tìm hiểu kiến thức pháp luật dành cho học sinh THPT trên địa bàn Hà Nội... Mỗi cuộc thi có những cách thức tổ chức khác nhau, để vừa tạo nên sự phong phú đa dạng vừa thu hút được đông nhất người tham gia. Chẳng hạn, cùng là thi viết nhưng nếu cuộc thi “Tìm hiểu Bộ luật Dân sự năm 2015”, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân sẽ tham gia theo mẫu bài thi do Ban Tổ chức quy định thì cuộc thi viết về “Người tốt, việc tốt trong thực hiện kỷ cương hành chính” lại là thi viết về những tấm gương trong cuộc sống hằng ngày. Cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về phòng cháy, chữa cháy” tổ chức dưới hình thức sân khấu hóa để người dân dễ hình dung, dễ hiểu, dễ nhớ các kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cần thiết...
Theo Phó Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật TP Hà Nội Hồ Xuân Hương: Với việc tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật - Hà Nội có thêm kênh thông tin hữu hiệu để tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô.
Đáng lưu ý, trong năm 2017, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật thành phố đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương từng bước đổi mới phương pháp, hình thức tuyên truyền. Tại quận Hoàn Kiếm đã ra quân xử lý vi phạm trật tự đô thị - vệ sinh môi trường, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. Thông qua hoạt động này quận đã lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật của người dân. Những vướng mắc trong công tác thực thi pháp luật của các đơn vị, phòng, ban chuyên môn của quận cũng được nhiều đơn vị đưa vào nội dung trao đổi, thảo luận trong thực hiện Ngày Pháp luật. Theo Phó Trưởng phòng Tư pháp quận Hoàn Kiếm Nguyễn Hoàng Quân, một số đơn vị của quận duy trì và thực hiện tốt Ngày Pháp luật như: Phòng Tư pháp quận thực hiện “Ngày Pháp luật” vào thứ sáu tuần cuối tháng; Ban Chỉ huy quân sự quận và Công an quận duy trì thực hiện “Ngày Pháp luật” vào thứ năm tuần cuối tháng...
Các quận Long Biên, Cầu Giấy, Đống Đa… đều xác định hưởng ứng Ngày Pháp luật gắn với việc làm hằng ngày, thường xuyên của mỗi cán bộ, công chức, viên chức bắt đầu từ việc rà soát, đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính; các chính sách tư vấn, hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh...
Đặc biệt, tại quận Nam Từ Liêm, cứ đến dịp 9-11, Đảng bộ, chính quyền quận lại triển khai đồng loạt các hoạt động thiết thực nhằm hưởng ứng Ngày Pháp luật. Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long cho hay, dịp này, những băn khoăn hay điều chưa biết của người dân được cán bộ làm công tác tuyên truyền pháp luật giải đáp thấu đáo. Từ đó, Ngày Pháp luật đi vào đời sống nhân dân một cách gần gũi và thiết thực…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.