Ngày 9-11-1946, bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra đời, thể hiện tinh thần, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Với ý nghĩa trọng đại đó, ngày 9-11 đã được lựa chọn là "Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", được quy định trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, tạo lập thói quen tự giác thực hiện, ứng xử theo pháp luật; qua đó xây dựng văn hóa pháp lý trong toàn xã hội, "sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật”.
Đa dạng hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật
Thời gian qua xảy ra không ít các vụ buôn lậu ma túy, mua bán trẻ em, phụ nữ qua biên giới, tình trạng tảo hôn, vi phạm trật tự an toàn giao thông… mà nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật, đặc biệt tại khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, nơi trình độ dân trí còn hạn chế. Do đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đóng vai trò rất quan trọng, giúp người dân tiếp cận thông tin pháp luật một cách đầy đủ, từ đó tuân thủ, chấp hành pháp luật; đồng thời áp dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Sau 10 năm thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, có thể khẳng định, công tác này đã được các địa phương chú trọng và ngày càng được triển khai đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ, nhân dân được nâng cao, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu tình hình vi phạm pháp luật ở địa phương.
Đặc biệt, qua hơn 2 năm phòng, chống đại dịch Covid-19, việc tuyên truyền, phổ biến về cơ chế, chính sách phòng, chống dịch được triển khai kịp thời, rộng khắp, thiết thực, hiệu quả bằng nhiều hình thức khác nhau. Qua đó, đã nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của cán bộ, nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội việc phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cũng bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, cần khắc phục.
Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Ngô Quỳnh Hoa chỉ rõ: Có lúc, có nơi, việc triển khai các nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật chỉ xuất phát từ ý chí chủ quan của chủ thể thực hiện mà chưa thực sự bắt nguồn từ đời sống, từ nhu cầu của người dân. Bên cạnh đó, mức độ tiếp cận và đáp ứng trong sử dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vẫn còn chậm.
Từ thực tế này, bà Ngô Quỳnh Hoa cho rằng, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cần phải có cách tiếp cận mới, tư duy mới, cách làm mới để phù hợp với yêu cầu của bối cảnh hiện nay. Một trong những thay đổi đầu tiên đó chính là thể chế, cần phải có sự rà soát tổng thể từ Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật đến các nghị định, thông tư và các văn bản có liên quan. Tiếp đến là nguồn nhân lực, phải tạo điều kiện thuận lợi cho những người thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật để họ thực hiện nhiệm vụ của mình. Các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm, nhận thức sâu sắc hơn trong vấn đề củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt, phải có sự đa dạng hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật; tiếp tục tăng cường trao đổi để thực sự nắm bắt được người dân đang cần gì, có khó khăn, vướng mắc ở đâu để giải quyết trúng những vấn đề đó. Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Đầu tư cho xây dựng và hoàn thiện thể chế
Để người dân tin tưởng, chấp hành nghiêm quy định của pháp luật, bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thì cần quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống pháp luật rõ ràng, minh bạch, thống nhất. Bởi, sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật sẽ khiến các quy định khó áp dụng trong thực tế, hiệu lực và hiệu quả điều chỉnh thấp... Các xung đột, chồng chéo này cũng cản trở việc thực hiện pháp luật, làm giảm niềm tin vào pháp luật, tạo cơ hội phát sinh các hiện tượng nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng.
Trên thực tế, còn có sự “cắt khúc” trong xây dựng pháp luật, từ đề xuất xây dựng mới đến đề nghị sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật. Chính từ việc chưa xác định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước đã dẫn đến sự chồng chéo, mâu thuẫn trong nội dung các văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng pháp luật vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp; năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ về xây dựng chính sách và soạn thảo văn bản pháp luật của một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức còn yếu. Trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, của người đứng đầu, của các bộ phận tham mưu, trách nhiệm giải trình, tuy đã được quy định nhưng còn chung chung. Đặc biệt là còn thiếu các chế tài xử lý vi phạm trong xây dựng pháp luật, chế tài đối với việc ban hành các văn bản pháp luật trái quy định.
Một hạn chế nữa là chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và thiếu tính ổn định của hệ thống pháp luật. Tần suất sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ văn bản pháp luật còn cao. Nhiều văn bản pháp luật tuổi thọ rất ngắn, thậm chí mới ban hành đã phải tạm hoãn thực hiện hoặc phải sửa đổi, bổ sung. Pháp luật thường xuyên bị thay đổi, gây nhiều khó khăn trong thực hiện pháp luật, đồng thời cũng gây khó khăn cho chính hoạt động quản lý của bộ máy nhà nước.
Phát biểu tại Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam tối 6-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các cấp, các ngành cần tập trung đầu tư cho công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, một trong ba đột phá chiến lược. Đầu tư cho xây dựng và hoàn thiện thể chế là đầu tư cho phát triển. Gắn kết chặt chẽ xây dựng pháp luật với tổ chức thi hành pháp luật, đây là hai mặt của một quá trình thống nhất. Pháp luật phải phù hợp với thực tiễn cuộc sống và từ thực tiễn để tiếp tục hoàn thiện pháp luật. Muốn "đưa pháp luật vào cuộc sống" thì ngay từ khi xây dựng phải có các quy định cụ thể, rõ ràng, khả thi, phù hợp với cuộc sống, phải "đưa hơi thở cuộc sống vào trong pháp luật". Quan tâm, đầu tư nguồn lực, các điều kiện cần thiết tương xứng, tăng cường đội ngũ làm công tác pháp chế, tư pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
Trong bối cảnh đất nước ta đang đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì vấn đề hoàn thiện chính sách, pháp luật càng có ý nghĩa quan trọng để thực hiện thắng lợi những mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.