Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng tới cung cấp thực phẩm sạch cho Thủ đô

Quỳnh Dung| 01/08/2014 06:36

(HNM) - Sở NN&PTNT Hà Nội vừa làm việc và tham quan các mô hình nông nghiệp hàng hóa của Hải Dương và Hải Phòng. Mặc dù trong quá trình hợp tác giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố còn gặp nhiều khó khăn, song trong thời gian tới,


Thông tin thị trường hạn chế

Đến nay, tỉnh Hải Dương đã có 437 mô hình lúa hàng hóa với diện tích 6.428ha, năng suất cao hơn từ 10-15% so với trồng lúa thường. Diện tích rau các loại của tỉnh là 30.000ha, năng suất đạt 220 tạ/ha, sản lượng khoảng 660.000 tấn. Tỉnh Hải Dương cũng đã quy hoạch vùng sản xuất rau màu tập trung như hành tỏi ở huyện Nam Sách, Kinh Môn; cà rốt ở huyện Cẩm Giàng, Nam Sách… đạt 150-300 triệu đồng/ha, cá biệt có vùng đạt 400 triệu đồng/ha. Diện tích cây ăn quả là 22.000ha, trong đó diện tích cây vải chiếm gần 60%, tập trung ở Thanh Hà và Chí Linh. Sản phẩm rau các loại, vải thiều sản xuất theo hướng VietGap của Hải Dương chủ yếu được các thương lái thu mua và cung cấp cho thị trường Hà Nội. Ngoài ra, Hải Dương còn cung cấp khoảng 15 tấn thịt lợn hơi các loại/ngày cho thị trường Hà Nội.

Đoàn Sở NN&PTNT Hà Nội thăm một mô hình nông nghiệp ở Hải Phòng.



Đối với Hải Phòng, trong năm 2013, thành phố đã xây dựng được 15 mô hình cánh đồng mẫu lớn, với diện tích 410ha. Hải Phòng là thành phố có lợi thế trong nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh và bán thâm canh. Thành phố hiện có 54 vùng sản xuất thủy sản tập trung, diện tích 2.052ha và nhiều mô hình cho hiệu quả cao như mô hình nuôi tôm he chân trắng ở huyện Cát Hải, năng suất 15-17 tấn/ha, cao gấp 1,5 lần so với nuôi thâm canh truyền thống; mô hình nuôi cá rô phi ở huyện Kiến Thụy, lợi nhuận 65 triệu đồng/vụ, cao gấp 2,5 lần so với nuôi truyền thống. Không những thế, Hải Phòng còn có 780 trang trại sản xuất nông nghiệp, trong đó có 10 trang trại chăn nuôi được chứng nhận GAHIP, 10 vùng sản xuất trồng trọt đạt tiêu chuẩn VietGap…

Ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương cho rằng, sự hợp tác phát triển nông nghiệp giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm. Công tác kiểm soát sản phẩm động vật, thực vật cũng được hai bên trao đổi, nhằm hạn chế các loại sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và ngược lại. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin về sản xuất, tiêu thụ giữa hai thị trường Hà Nội và Hải Dương còn hạn chế. Việc tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh chủ yếu thông qua thương lái, chưa có hợp đồng bao sản xuất - tiêu thụ giữa doanh nghiệp với hợp tác xã, tổ hợp ổn định lâu dài, khiến giá cả bấp bênh. Các doanh nghiệp trên địa bàn cũng chưa hợp tác được với doanh nghiệp ở Hà Nội để quảng bá và giới thiệu sản phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô.

Kiểm soát nông phẩm theo chuỗi

Hiện tại, TP Hà Nội mới chủ động được 60% rau, quả, thịt còn lại phải nhập 40% từ các tỉnh, thành phố khác, nên việc kiểm soát đóng vai trò quan trọng. Do đó, Hà Nội cũng như Hải Dương, Hải Phòng cần công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở sản xuất có uy tín và những cơ sở không đạt chất lượng để người tiêu dùng biết và không mua sản phẩm kém chất lượng. Hiện sản phẩm phần lớn tiêu thụ thông qua thương lái, muốn ký kết được hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp, phải liên kết chặt chẽ, không nên ấn định giá ngay từ đầu mà linh hoạt theo cơ chế thị trường, bảo đảm lợi ích giữa các bên. Để việc hợp tác phát triển nông nghiệp giữa Hà Nội với Hải Dương và Hải Phòng có kết quả, thời gian tới cần hợp tác tư vấn, trao đổi kinh nghiệm giữa các bên về xây dựng đề án, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp như sản xuất và tiêu thụ rau an toàn, nuôi trồng thủy sản, xây dựng nông thôn mới, sản xuất vùng lúa hàng hóa chất lượng cao, chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm. Ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hải Dương đề nghị Hà Nội hỗ trợ Hải Dương giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông nghiệp an toàn, thương hiệu thông qua sàn giao dịch nông sản của Hà Nội; giới thiệu cho Hải Dương một số doanh nghiệp tiêu thụ các sản phẩm nông sản như cá lồng, vải Thanh Hà, gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn… Còn Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hải Phòng Đinh Công Toản kiến nghị, tăng cường công tác xúc tiến thương mại giữa Hà Nội với Hải Phòng để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, cung cấp thông tin thị trường nông, lâm, thủy sản của Hải Phòng cho Hà Nội và ngược lại…

Theo Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Phan Minh Nguyệt, để việc hợp tác giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố đạt kết quả cao, các bên cần thực hiện sản xuất và kiểm soát theo chuỗi từ nông trại đến bàn ăn, tạo mối liên kết chặt chẽ, ổn định lâu dài giữa người sản xuất và nơi tiêu thụ, đồng thời bao tiêu sản phẩm vệ sinh, an toàn thực phẩm của Hải Dương và Hải Phòng cho Hà Nội, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Hải Dương, Hải Phòng và Hà Nội có cơ hội giao thương, tham gia các hội chợ được tổ chức tại các địa phương để tiêu thụ sản phẩm; phối hợp định kỳ lấy mẫu phân tích chất lượng nông sản của Hải Dương, Hải Phòng đưa về Hà Nội và ngược lại; thông tin hai chiều với nhau để phối hợp quản lý, chỉ đạo ở đầu mối sản xuất…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới cung cấp thực phẩm sạch cho Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.