(HNM) - Đặt mục tiêu 30% số học sinh tốt nghiệp THCS theo học trung cấp chuyên nghiệp và học nghề vào năm 2020 theo Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020, ngành Giáo dục đã triển khai nhiều giải pháp để tăng hiệu quả công tác hướng nghiệp.
Hướng học vẫn là chủ yếu
Kết quả khảo sát của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho hay, trong những năm gần đây, chỉ có khoảng 8% số học sinh tốt nghiệp THPT dự định thi vào trung cấp chuyên nghiệp hoặc học nghề, 85% số học sinh muốn vào đại học, 85% số học sinh trượt đại học cho biết sẵn sàng chờ thi lại. Đáng chú ý, có hơn 70% số học sinh tốt nghiệp THPT chưa có ý thức sẵn sàng lao động nghề nghiệp.
Tư vấn cho học sinh tại Trường Đại học Công nghệ giao thông. Ảnh: Thái Hiền |
Ở cấp THCS, công tác phân luồng, hướng nghiệp cũng chưa đạt hiệu quả mong muốn. Cách đây ít năm, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có chính sách khuyến khích học sinh THCS theo học trường nghề được giảm 50% học phí, khi tốt nghiệp được cấp hai bằng gồm THCS và bằng nghề, song việc chọn trường nghề của học sinh lớp 9 vẫn không có nhiều chuyển biến. Ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề hằng năm chỉ chiếm khoảng 10%.
Điều này lý giải một thực tế là nhiều học sinh chọn ngành, trường học thường theo “tâm lý đám đông”, hoặc những ngành, trường được cho là đang được ưa thích như tài chính, ngân hàng, điện tử, công nghệ thông tin, du lịch...; số học sinh quan tâm đến năng lực, sở thích, nhu cầu của thị trường lao động khi chọn ngành, trường không nhiều. Kết quả là có đến 60% số sinh viên ra trường làm trái ngành.
TS Phạm Mạnh Hà (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam), một chuyên gia gỡ rối trong hướng nghiệp, chọn nghề cho học sinh nhận định: Hướng nghiệp trong trường phổ thông hiện nay chủ yếu vẫn là hướng học. Nguyên nhân cơ bản là do các trường đều đặt chỉ tiêu về tỷ lệ học sinh khá và giỏi, tỷ lệ đỗ đại học, nên thầy, trò đều cố công dạy, học để có điểm số tốt. Công tác hướng nghiệp cũng bám theo kết quả học tập để phân luồng.
Bà Hoàng Mai Anh (phụ huynh học sinh Trường THPT Cao Bá Quát, huyện Gia Lâm) cho rằng, học sinh lúng túng trong việc lựa chọn hướng đi sau tốt nghiệp THPT còn do thời lượng dành cho giáo dục hướng nghiệp quá ít. Với 4 tiết/tháng, lại chịu nhiều áp lực học các môn văn hóa để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, ít học sinh nào có thể “ngấm” những điều thầy, cô giảng.
Hướng nghiệp sẽ là nội dung bắt buộc
Báo cáo tổng kết năm học 2016-2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo xác nhận, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành chưa chú trọng đến công tác định hướng nghề nghiệp và phân luồng; một số nhà trường thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp mang tính hình thức, kém hiệu quả. Công tác hướng nghiệp hiện nay phụ thuộc vào mức độ quan tâm của từng địa phương.
Đại diện Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới, dự kiến triển khai từ năm học 2019-2020 đã nhấn mạnh tới nội dung giáo dục hướng nghiệp. Khác với Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, nội dung giáo dục hướng nghiệp trong Chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai thường xuyên và liên tục, tập trung vào các năm học cuối của giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và toàn bộ thời gian của giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12).
Đáng chú ý, hoạt động giáo dục hướng nghiệp được quy định là nội dung giáo dục bắt buộc đối với học sinh từ lớp 6 đến lớp 12, với thời lượng 105 tiết/năm học. Ngoài ra, giáo dục hướng nghiệp còn được thực hiện thông qua tất cả các môn học, tập trung ở các môn công nghệ, giáo dục công dân, tin học, khoa học tự nhiên, các hoạt động trải nghiệm…
Tuy nhiên, theo TS Lê Đông Phương, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, để tạo chuyển biến rõ nét, tạo nền tảng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nội dung giáo dục hướng nghiệp trong Chương trình giáo dục phổ thông mới cần trang bị cho học sinh những kiến thức, kỹ năng để các em có định hướng đi theo các nhánh khác nhau ngay từ cấp THCS, ví dụ như học tiếp THPT, học nghề hay tham gia ngay vào thị trường lao động. Nếu không làm rõ được nội dung này, học sinh sẽ vẫn chỉ lao theo một hướng, việc giáo dục hướng nghiệp sẽ vẫn mang nặng tính hình thức.
Năm học 2016-2017, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT vào đại học chiếm 41%, tỷ lệ học sinh học cao đẳng, trung cấp chiếm 23%, học nghề tại trung tâm đào tạo nghề là 13%. Đáng chú ý, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2017, tỷ lệ học sinh không đăng ký xét tuyển đại học chiếm 26%, giảm 6% so với năm 2016. Theo nhận định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, công tác phân luồng và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông đã phần nào có hiệu quả, nhiều học sinh THPT có chuyển biến trong việc lựa chọn hướng đi phù hợp với năng lực, song sự chuyển biến chưa bền vững. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.