Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng làm giàu cho người dân miền núi

Bài, ảnh: Hoàng Văn| 14/08/2015 07:15

(HNM) - Sau gần 3 năm triển khai dự án sản xuất, chế biến chè an toàn, ngành chè Hà Nội đã có sự phát triển rõ rệt.


Đến nay, các vùng chè của thành phố đã chuyển đổi được hơn 340ha sang chè giống mới cho năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao hơn 35-40% so với giống chè cũ. Thành công này đã mở ra cơ hội phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững cho nhân dân các xã miền núi của Hà Nội.

Giá trị kinh tế vượt trội

Với mong muốn giúp nông dân các xã miền núi vươn lên làm giàu từ cây chè, Sở NN&PTNT Hà Nội đang tập trung đầu tư cho sản xuất và tiêu thụ chè an toàn nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Theo bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, năm 2012, Hà Nội bắt đầu xây dựng các mô hình sản xuất, chế biến chè an toàn và thâm canh theo hướng VietGap, thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, chọn giống chè có năng suất, chất lượng cao để xây dựng thương hiệu chè sạch Hà Nội.

Cụ thể, Trung tâm đã xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ chè an toàn tại các xã Ba Trại, Thuần Mỹ, Cẩm Lĩnh, Yên Bài (Ba Vì), Hòa Thạch (Quốc Oai), Bắc Sơn (Sóc Sơn) với quy mô 340ha, gồm mô hình trồng mới, thâm canh chè an toàn theo hướng VietGap và mô hình cơ giới hóa. Qua theo dõi cho thấy, các giống chè mới như: LDP1, LDP2, PH8, Kim Tuyền, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu ở các xã vùng đồi gò, lại được chăm sóc đúng kỹ thuật nên phát triển nhanh, tỷ lệ chè bị chết thấp, cây tạo tán sớm, búp to... Thực tế thí điểm mô hình tại xã Bắc Sơn (Sóc Sơn) và xã Ba Trại (Ba Vì) cho thấy, thâm canh theo quy trình này cho hiệu quả kinh tế cao hơn 35-40% so với thâm canh chè truyền thống.

Khảo sát mô hình sản xuất chè an toàn theo hướng VietGap tại Ba Vì.


Ông Nguyễn Huy Hùng - Phó Trưởng ban Chỉ đạo phát triển chè xã Ba Trại so sánh, đối chiếu giữa 2 mô hình chè cho thấy thâm canh chè theo quy trình VietGap thu hoạch được 1.730kg chè búp khô/ha/năm, giá bán sản phẩm là 180 nghìn đồng/kg, doanh thu được gần 320 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, tiền lãi là 225 triệu đồng/ha/năm.

Trong khi đó, mô hình thâm canh chè truyền thống năng suất thấp, chất lượng, giá thành giảm hơn nên thu nhập chỉ được 130 triệu đồng/ha/năm. Từ những kết quả đạt được, đến nay nhiều hộ dân xã Ba Trại đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích chè trung du lá nhỏ của gia đình sang các mô hình chè giống mới áp dụng quy trình sản xuất VietGap, cơ giới hóa... Hiện đã có 505 hộ dân xã Ba Trại đăng ký tham gia các mô hình với diện tích chuyển đổi được gần 120ha. Theo bà Nguyễn Thị Son, Chủ tịch UBND xã Ba Trại, trong giai đoạn 2016-2020, cả 10 thôn trong xã sẽ chuyển đổi toàn bộ 327ha chè giống cũ và trồng mới thêm 50ha, bảo đảm 100% diện tích chè của Ba Trại sản xuất theo quy trình VietGap, ứng dụng công nghệ cao.

Đưa công nghệ cao vào sản xuất chè

Theo bà Hoàng Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Phát triển cây trồng Hà Nội, kế thừa những thành công của dự án sản xuất, chế biến chè an toàn và thâm canh chè VietGap, tháng 7-2015, TP Hà Nội tiếp tục giao Trung tâm xây dựng kế hoạch phát triển dự án sản xuất cây chè ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016-2020, tập trung vào 4 vùng chè là Ba Vì, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Quốc Oai với tổng diện tích áp dụng khoảng 1.000ha. Khi tham gia vào dự án, người dân sẽ nhận được hỗ trợ của thành phố.

Cụ thể, hỗ trợ xây dựng đường giao thông, kênh mương trục chính cấp, tiêu nước; chi phí khoan giếng cấp nước tưới, xử lý môi trường; hỗ trợ 80% giá giống cây trồng; chi phí phòng trừ sâu bệnh hại; được đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, thâm canh chè... Ngoài ra, Trung tâm sẽ hỗ trợ xây dựng 3 mô hình thực nghiệm, 9 mô hình trình diễn sản xuất, chế biến chè ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao tại các huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Chương Mỹ và Quốc Oai để tạo động lực, khuyến khích các hộ dân, doanh nghiệp tham gia vào dự án đạt kết quả cao.

Trong đợt kiểm tra, khảo sát hiện trạng phát triển cây chè tại huyện Ba Vì ngày 4-8-2015, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng, ứng dụng công nghệ cao trong phát triển sản xuất chè không phải làm ồ ạt ra đại trà để chạy theo thành tích. Các địa phương phải chọn lọc kỹ tới từng hộ dân, từng mô hình để tuyên truyền, vận động họ tham gia. Lưu ý không để nhân dân ỷ lại vào chương trình hỗ trợ của Nhà nước, mà mục tiêu quan trọng nhất khi triển khai dự án là tập trung tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của nhân dân về việc đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và thu nhập từ cây chè.

Muốn thế, nhận thức của đội ngũ cán bộ từ xã, huyện đến các sở, ngành của thành phố khi triển khai các chính sách hỗ trợ cũng phải thay đổi, phải lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu chính. Thực hiện thành công chủ trương này sẽ mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho nhân dân các xã miền núi xa trung tâm. Đây mới là mục tiêu quan trọng ngành nông nghiệp Thủ đô hướng tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng làm giàu cho người dân miền núi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.