Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng đi tất yếu của làng nghề

Thanh Hiền| 03/07/2018 07:15

(HNM) - Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất tại các làng nghề là hướng đi tất yếu, là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh của sản phẩm.

Đổi mới công nghệ là giải pháp tăng hiệu quả sản xuất làng nghề.


Xã Vân Hà (huyện Ðông Anh) có hơn 80% số hộ dân làm nghề gỗ. Trước đây, hầu hết các hộ đều sử dụng máy điêu khắc bán tự động thế hệ cũ, hiệu suất lao động thấp, cần nhiều nhân lực, nhưng nay Vân Hà đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ trong sản xuất. Cũng như nhiều hộ trong xã, xưởng gỗ của anh Nguyễn Văn Trụ được Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp Hà Nội hỗ trợ đầu tư máy công nghệ cao điêu khắc tượng gỗ tự động. Với máy mới, chỉ cần bấm nút, máy sẽ tự động đục tất cả chi tiết của sản phẩm, vừa giúp giảm nhân lực vừa tăng năng suất, tăng tính đồng bộ của sản phẩm, hạ giá thành...

Ông Phạm Khắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc chia sẻ: Vạn Phúc có 200 hộ làm nghề dệt lụa, trước kia các hộ sản xuất thủ công, nhưng đến nay hầu hết đã cải tiến công nghệ sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường cả về chất lượng, mẫu mã và số lượng sản phẩm. Một số hộ đã đầu tư hàng tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, máy móc cho sản xuất. Nhờ thế đến nay, làng Vạn Phúc có khoảng 245 máy dệt, sản xuất được tất cả sản phẩm lụa.

Theo Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội), với sự khuyến khích, hỗ trợ của thành phố, cùng các bộ, ngành, nhiều làng nghề trên địa bàn đã tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị. Điển hình như làng nghề tăm Quảng Nguyên (huyện Ứng Hòa) sử dụng công nghệ mới trong sấy nguyên liệu. Làng nghề dệt len Ỷ La, La Dương, La Nội, La Phù (huyện Hoài Đức) đầu tư nhiều máy dệt len với công nghệ lập trình vi tính, dây chuyền sản xuất tự động...

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Đàm Tiến Thắng cho biết, hiện nay nhiều hộ sản xuất tại các làng nghề truyền thống đã ứng dụng kỹ thuật sản xuất tiến bộ vào gần trọn quy trình, hoặc một số công đoạn sản xuất. Tuy nhiên, khó khăn nhất hiện nay của các làng nghề là nguồn vốn đầu tư. Đơn cử, để chuyển từ lò nung truyền thống sang lò ga, các hộ sản xuất gốm ở Bát Tràng cần đầu tư khoảng 800 triệu đồng/lò. Ðây là chi phí mà không phải hộ nào cũng đáp ứng được, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ. Theo số liệu của Sở Công Thương Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề; trong đó 70% làng nghề vẫn sử dụng công nghệ thiết bị thủ công truyền thống hoặc mới cải tiến một phần.

Để các làng nghề có thể ứng dụng khoa học kỹ thuật hiệu quả, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho rằng, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan cần có chính sách ưu đãi hỗ trợ vay vốn, tiếp cận công nghệ cho các hộ sản xuất; trở thành trung gian, cầu nối trong việc đặt hàng, chuyển giao những ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất.

Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, tỷ trọng sản xuất làng nghề sẽ chiếm khoảng 8,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; xử lý ô nhiễm môi trường cho 50 làng nghề đang có mức ô nhiễm nghiêm trọng; nâng cấp cơ sở hạ tầng cho 50 làng nghề; tạo việc làm ổn định từ 800 nghìn đến một triệu lao động nông thôn với thu nhập bình quân đạt từ 35 triệu đến 40 triệu đồng/năm…

Ðể thực hiện được mục tiêu này, thành phố sẽ triển khai nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề, trong đó chú trọng khuyến khích áp dụng công nghệ mới và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh liên kết với các viện nghiên cứu, các trường đại học để đặt hàng nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao các công nghệ mới; hỗ trợ vốn đầu tư, đào tạo lao động, mở rộng mặt bằng... để các hộ sản xuất, doanh nghiệp làng nghề có điều kiện hoạt động tốt nhất, đóng góp vào sự phát triển kinh tế Thủ đô và bảo đảm an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hướng đi tất yếu của làng nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.