Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng đi tất yếu

Thế Văn| 27/04/2022 06:06

(HNM) - Năng lực cơ giới hóa phản ánh tư duy, trình độ phát triển nông nghiệp của mỗi địa phương, mỗi quốc gia. Nói cách khác, cơ giới hóa gắn liền với nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại. Do vậy hoàn toàn có thể khẳng định, cơ giới hóa trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp vừa là mục tiêu, vừa là giải pháp hướng tới một nền nông nghiệp tiên tiến, bền vững.

Đương nhiên, đây không phải là câu chuyện “ngày một ngày hai” và nếu không có giải pháp mang tính đột phá thì những địa phương có diện tích đất canh tác nhỏ lẻ, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ… sẽ không thể vượt thoát khỏi “vùng trũng” cơ giới hóa nông nghiệp.

Những năm vừa qua, cùng với chương trình cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, Hà Nội đã tập trung dồn điền đổi thửa; nâng cấp hạ tầng giao thông, thủy lợi nội đồng; hỗ trợ nông dân mua sắm trang thiết bị, máy móc… Nhờ đó, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nhanh chóng được nâng cao, góp phần bảo đảm lịch thời vụ, nâng cao hiệu quả canh tác… Mặt khác, việc đưa máy móc vào đồng ruộng không chỉ giải phóng sức lao động mà còn góp phần thay đổi nhận thức của người nông dân về việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, hướng tới chuyên nghiệp hóa quy trình, lĩnh vực sản xuất…

Tuy nhiên, có thể thẳng thắn nhìn nhận: Việc thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất còn nhiều hạn chế, mới chỉ tập trung vào khâu làm đất và thu hoạch. Trong khi đó, lĩnh vực cơ khí nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn một khoảng cách khá xa so với nhu cầu phát triển. Mặt khác, các cơ chế chính sách của nhiều địa phương chưa tạo được động lực cho người nông dân đầu tư hoặc liên kết đầu tư, chủ động mua sắm máy móc, trang thiết bị cơ khí, ứng dụng các công nghệ hiện đại trong sản xuất, bảo quản, chế biến sản phẩm...

Triển khai các giải pháp cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, chuyển dịch kinh tế nông thôn, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp với mục tiêu: Đến năm 2025, các vùng nông nghiệp hàng hóa tập trung cơ bản được cơ giới hóa và cơ giới hóa đồng bộ; mức độ cơ giới hóa các khâu sản xuất đối với các loại cây trồng chủ lực có thể lên tới 98%... Cùng với khoản đầu tư ước tính gần 1.800 tỷ đồng là hàng loạt giải pháp hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi cho các tổ chức, hộ nông dân đầu tư vào máy móc, trang thiết bị cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây có thể xem là một giải pháp mang tính đòn bẩy của Hà Nội.

Một chiến lược phát triển rõ ràng cùng với nguồn lực đầu tư tương ứng với mục tiêu đề ra là yếu tố nền tảng mang đến thành công. Do vậy, thời gian tới, các ngân hàng và tổ chức tín dụng cần tạo cơ chế ưu đãi về nguồn vốn cho hoạt động thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp.

Và để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, cùng với nâng cao năng lực tiếp thu, ứng dụng công nghệ mới thì việc hỗ trợ cơ giới hóa, đầu tư phát triển công nghiệp chế tạo máy và thiết bị phụ trợ cho ngành Nông nghiệp theo hướng chuyên sâu là đòi hỏi tất yếu, cần tập trung nguồn lực để tạo đột phá. Bên cạnh đó ngành Nông nghiệp và các địa phương cần chú trọng giải pháp cơ giới hóa đồng bộ, hiện đại ở các ngành hàng chủ lực, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và giảm tổn thất trong sản xuất.

Những cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tiếp cận trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, chế biến nông sản… sẽ là giải pháp để Hà Nội và các địa phương tạo đột phá trong cơ giới hóa nông nghiệp, xây dựng nền tảng vững chắc hướng đến nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đi tất yếu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.