Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu

Thụy Du| 19/08/2020 13:23

(HNMO) - Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên, lây lan nhanh và đang có diễn biến phức tạp. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, cũng có thể ở người lớn.

Trước diễn biến mới của bệnh này trong thời gian gần đây, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3593/QĐ-BYT ngày 18-8-2020 "Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu".

Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để phòng, chống bệnh bạch hầu.

Tiêm vắc xin - biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất, đặc biệt là thực hiện tốt việc tiêm vắc xin bạch hầu trong Chương trình tiêm chủng mở rộng.

Đối với trẻ em dưới 1 tuổi bắt đầu được tiêm chủng, cần tiêm 3 mũi cơ bản và 3 mũi nhắc lại đến năm 15 tuổi.

Đối với trẻ em trên 1 tuổi và người lớn chưa được tiêm chủng trước đây hoặc không nhớ tiền sử tiêm chủng thì tiêm 3 mũi vắc xin cơ bản và 2 mũi vắc xin nhắc lại.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng lưu ý các biện pháp phòng bệnh bạch hầu. Cụ thể, người dân cần chủ động tiêm vắc xin bạch hầu đầy đủ, đúng lịch theo quy định; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hằng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc, nghi ngờ mắc bệnh; thực hiện tốt vệ sinh nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; bảo đảm vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống sôi, bát đũa sạch sẽ.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, người dân phải thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời. Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc kháng sinh dự phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch sớm

Bộ Y tế yêu cầu tiến hành các biện pháp chống dịch càng sớm càng tốt, trong vòng 24 giờ kể từ khi phát hiện ca nghi ngờ đầu tiên. Tất cả trường hợp nghi ngờ hoặc có thể mắc bệnh phải được đeo khẩu trang và cách ly ngay tại cơ sở y tế; được điều trị đặc hiệu ngay kể cả khi chưa có kết quả xét nghiệm. Ca bệnh nghi ngờ cần phải cách ly riêng biệt với ca bệnh xác định.

Nếu dịch xảy ra trong trường học thì tất cả học sinh có biểu hiện sốt, đau họng hoặc có các triệu chứng khác nghi ngờ mắc bệnh đều phải nghỉ học và đưa tới cơ sở y tế để quản lý, điều trị và lấy mẫu xét nghiệm. 

Các địa phương cần lập danh sách người tiếp xúc gần với ca bệnh, tổ chức cách ly tại nhà và theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối với ca bệnh, hướng dẫn người tiếp xúc gần tự theo dõi sức khỏe, khi có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cán bộ y tế; tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm người tiếp xúc gần để xét nghiệm.

Bên cạnh đó, tại khu vực có ổ dịch như nhà bệnh nhân và các hộ liền kề xung quanh; nhà trẻ, lớp học, cơ quan, đơn vị cần được khử trùng và xử lý môi trường. Đồ dùng của bệnh nhân hoặc gia đình có ổ dịch cần được sấy, luộc hoặc phơi dưới ánh nắng mặt trời. Các hộ gia đình thực hiện thông khí. Hạn chế các sự kiện tập trung đông người trong khu vực ổ dịch.

Bộ Y tế cũng hướng dẫn dùng kháng sinh dự phòng cho tất cả người tiếp xúc gần và những người có liên quan dịch tễ trong ổ dịch càng sớm càng tốt. Các địa phương tổ chức tiêm vắc xin chống dịch trong ổ dịch và các khu vực lân cận càng sớm càng tốt; tùy theo kết quả điều tra dịch tễ và đặc điểm từng ổ dịch để quyết định phạm vi, đối tượng, lứa tuổi, loại vắc xin phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.