Bộ Y tế vừa có kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho khoảng hơn 4,2 triệu trẻ 1-5 tuổi vùng nguy cơ cao năm 2018-2019.
Tiêm đầy đủ 2 mũi vắc xin sởi - rubella là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN |
Theo đó, đợt 1 của chiến dịch sẽ tổ chức vào tháng 11-12/2018 tại 156 quận, huyện nguy cơ cao của 20 tỉnh, thành phố; đợt 2 vào tháng 1-2/2019 tại 262 quận, huyện nguy cơ cao của 37 tỉnh, thành phố.
Tất cả trẻ từ 1-5 tuổi tại vùng nguy cơ cao (trẻ sinh từ 1/1/2014 - 1/11/2017 đối với đợt 1, trẻ sinh từ 1/3/2014 - 1/1/2018 đối với đợt 2) sẽ được tiêm một mũi vắc xin sởi - rubella, trừ trẻ đã được tiêm vắc xin phòng bệnh sởi hoặc vắc xin phòng bệnh rubella trong thời gian dưới 1 tháng trước đợt tiêm bổ sung.
Theo Bộ Y tế, để chiến dịch tổ chức thành công, Bộ Y tế sẽ đảm bảo cung ứng vắc xin sởi - rubella, bơm kim tiêm, hộp an toàn để chuẩn bị cho chiến dịch. Việc tổ chức chiến dịch tiêm chủng bổ sung sẽ được triển khai đồng loạt tại các trường mẫu giáo, mầm non, nhà trẻ hoặc các cơ sở y tế… trong một hoặc nhiều đợt theo cụm huyện, xã tùy vào điều kiện của từng địa phương. Đồng thời, ngành y tế thực hiện tiêm vét cho những trẻ bị sót ngay cuối mỗi đợt hoặc trong tiêm chủng thường xuyên.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các tuyến quốc gia, khu vực, tỉnh, huyện chủ động cử các đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động trước, trong và sau khi triển khai kế hoạch. Cán bộ giám sát có trách nhiệm theo dõi giám sát và hỗ trợ cơ sở tiêm chủng thực hiện đúng các quy định của Bộ Y tế, đảm bảo chất lượng và an toàn tiêm chủng.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến nửa cuối tháng 9-2018, toàn quốc có 37 tỉnh, thành phố ghi nhận gần 1.000 trường hợp mắc sởi dương tính, 1 trường hợp tử vong tại Hưng Yên. Các tỉnh hiện có số ca bệnh sởi cao chủ yếu tập trung ở khu vực miền Bắc như: Hà Nội, Lào Cai, Thanh Hóa, Sơn La, Quảng Ninh, Điện Biên...
Mặc dù tỷ lệ tiêm vắc xin sởi và vắc xin sởi - rubella trên toàn quốc các năm gần đây đạt cao, tuy nhiên vẫn chưa đạt 95% và vẫn còn các vùng nguy cơ cao, có nơi mới chỉ đạt tỷ lệ tiêm dưới 90%. Số trẻ em chưa được tiêm chủng hoặc một số trẻ đã tiêm chủng nhưng không có miễn dịch phòng bệnh tích lũy qua các năm. Khi số lượng này đủ lớn, trong điều kiện vi rút sởi lưu hành có thể gây dịch. Việc duy trì tỷ lệ tiêm 2 mũi vắc xin sởi ở trẻ dưới 2 tuổi đạt 95% là yếu tố cơ bản để loại trừ bệnh sởi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.