(HNMO) - Ngày 11-3 (tối 11-3 theo giờ Việt Nam), Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19) do chủng mới của vi rút corona (SARS-CoV-2) gây ra là đại dịch toàn cầu.
WHO tuyên bố đại dịch đầu tiên do vi rút corona gây ra
Theo TTXVN, truyền thông quốc tế dẫn phát biểu trong buổi họp báo tại Geneva của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nêu rõ, WHO đã chính thức coi sự bùng phát của dịch Covid-19 hiện nay là "đại dịch toàn cầu".
WHO định nghĩa đại dịch toàn cầu là một căn bệnh bùng phát và lây lan trên phạm vi toàn thế giới.
Tại cuộc họp báo, Tổng Giám đốc WHO nêu rõ: "Đây là đại dịch đầu tiên do vi rút corona gây ra. Việc coi sự bùng phát hiện nay của dịch Covid-19 là đại dịch không làm thay đổi đánh giá của WHO đối với mối đe dọa của vi rút SARS-CoV-2, không làm thay đổi những gì WHO đang làm và điều các quốc gia cần phải hành động".
Ông Ghebreyesus nói: "Trong vòng 2 tuần qua, số ca nhiễm Covid-19 bên ngoài Trung Quốc đã tăng gấp 13 lần và số quốc gia bị ảnh hưởng tăng gấp 3 lần. Trong những ngày tới và những tuần tới, chúng tôi dự đoán số ca mắc bệnh mới, số người tử vong và số quốc gia bị ảnh hưởng thậm chí sẽ tăng cao hơn nữa... Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước mức độ lây lan cũng như tình trạng thiếu hành động một cách đáng báo động. Chúng tôi đã rung hồi chuông cảnh tỉnh".
Tổng Giám đốc WHO đánh giá, "một số quốc gia đang chật vật (đối phó với dịch bệnh) vì thiếu khả năng. Một số nước đang khó khăn vì thiếu nguồn lực và một số nước thì chật vật do thiếu quyết tâm". Ông khuyến cáo các nước cần đưa ra những biện pháp giảm nhẹ và ngăn ngừa dịch bệnh, song ngăn ngừa cần phải là việc làm chính.
Trước đó, người đứng đầu WHO hôm 9-3 cho rằng, vi rút SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở quá nhiều nước và mối đe dọa dịch bệnh đã trở nên "rất hiển hiện", song ông bày tỏ tin tưởng, "đây sẽ là dịch bệnh đầu tiên trong lịch sử có thể kiểm soát được".
WHO cuối cùng đã tuyên bố dịch Covid-19 là đại dịch toàn cầu sau khi dịch bệnh lây lan nhanh tại nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Thế giới ghi nhận 126.036 ca nhiễm Covid-19
Tới sáng 12-3, thế giới đã ghi nhận 126.036 ca nhiễm Covid-19, 4.615 người tử vong, 67.056 người hồi phục.
Châu Á
* Trung Quốc đã kiểm soát tốt dịch bệnh, khi số ca mắc mới trong ngày chỉ là 12 trường hợp. Quốc gia đông dân nhất thế giới hiện ghi nhận 80.790 ca nhiễm, 3.158 người thiệt mạng, nhưng đã có 61.616 trường hợp được chữa khỏi hoàn toàn.
* Ấn Độ sẽ đình chỉ tất cả các loại thị thực du lịch từ 12h GMT ngày 13-3 tính theo địa điểm khởi hành và kéo dài đến ngày 15-4. Những đối tượng được miễn trừ là những người mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ, tổ chức quốc tế và những người có thị thực làm việc hoặc dự án. Ngoài ra, Ấn Độ còn nêu rõ sẽ cách ly tối thiểu 14 ngày đối với các du khách tới từ hoặc từng thăm 7 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 gồm: Trung Quốc, Italia, Iran, Hàn Quốc, Pháp, Tây Ban Nha và Đức sau ngày 15-2.
* Hàn Quốc hiện có 7.755 ca nhiễm, tăng thêm 242 ca. Nước này cũng mới phát hiện ổ dịch lớn tại thủ đô Seoul trong ngày 11-3, là một trung tâm chăm sóc khách hàng với ít nhất 90 người liên quan. Hiện có gần 1.000 người bị cách ly liên quan tới ổ dịch này.
* Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến Singapore tạm thời chưa thể tổ chức tổng tuyển cử. Phó Thủ tướng nước này Vương Thụy Kiệt cho biết vẫn đang trao đổi với Thủ tướng Lý Hiển Long và thời điểm tổ chức tổng tuyển cử phụ thuộc vào việc khi nào Singapore kiểm soát được dịch bệnh lan rộng và hạn chế tác động đối với nền kinh tế. Hiện quốc đảo này đã có 178 ca nhiễm Covid-19.
* Hãng thông tấn Fars của Iran xác nhận, Phó Tổng thống thứ nhất Eshaq Jahangiri đã nhiễm SARS-CoV-2. Fars cũng công bố bản danh sách gồm một loạt quan chức Iran mắc bệnh hoặc đã tử vong do vi rút này. Theo danh sách trên, Bộ trưởng Du lịch Ali Asghar Mounesan và thành viên Hội đồng phân xử khẩn cấp, Mohammad Ali Iravani cũng đã nhiễm SARS-CoV-2. Ông Iravani đồng thời là thành viên của Văn phòng lãnh tụ tối cao, Đại giáo chủ Ali Khamenei.
Theo người phát ngôn Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Ramezan Sharif, đã có 5 thành viên thuộc IRGC tử vong do dịch Covid-19. Iran hiện ghi nhận 9.000 ca nhiễm Covid-19, tăng thêm 958 ca nhiễm mới; 354 người thiệt mạng, tăng 63 trường hợp.
Châu Âu:
* Ủy ban châu Âu (EC) có trụ sở tại thủ đô Brussels, Bỉ xác nhận đã có 4 nhân viên dương tính với SARS-CoV-2. Cơ quan này yêu cầu tất cả nhân viên trở về từ Italia phải thực hiện cách ly trong hai tuần. Các khóa đào tạo nội bộ cũng bị đình chỉ ít nhất đến ngày 3-4.
* Italia tiếp tục là tâm dịch tại lục địa già khi có thêm tới 2.313 ca nhiễm mới trong ngày qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 12.462 trường hợp. Số người chết cũng tăng kỷ lục với 196 trường hợp, đưa số người tử vong lên 827 trường hợp.
* Theo thông báo của Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran, hiện nước này có 2.281 ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2, tăng 497 người trong vòng 24 giờ qua. Hiện, Pháp vẫn ở giai đoạn 2 của dịch Covid-19 vì chưa lây lan ra cả nước.
* Người phát ngôn đảng Dân chủ Tự do (FDP) trong Quốc hội Đức xác nhận một nghị sĩ Quốc hội liên bang của đảng này đã mắc Covid-19. Bộ Tài chính Đức cũng đã thông báo giải ngân thêm 650 triệu euro cho Bộ Y tế để mua các công cụ, quần áo và đồ bảo hộ y tế trang bị cho lực lượng triển khai phòng, chống dịch. Tới sáng 12-3, Đức có 1.908 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 343 ca mới.
Châu Mỹ:
Tại Mỹ, số ca nhiễm mới cũng tăng nhanh, thêm 289 người, đưa tổng số ca nhiễm lên 1.283. Trong phiên điều trần tại Quốc hội Mỹ, Giám đốc Viện Bệnh truyền nhiễm và dị ứng Mỹ Anthony Fauci cho biết, dịch Covid-19 có thể nguy hiểm gấp 10 lần so với bệnh cúm mùa. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố sẽ sớm có bài phát biểu về tình hình dịch và đang cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sau khi 23 bang đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.