(HNMO) - Chiều 26-10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), diện tích cây ăn quả ở miền Bắc ước đạt 363.463ha, trong đó các loại cây có diện tích và sản lượng lớn là: Chuối 63.8700ha, vải 58.876ha, nhãn 39.570ha, bưởi 34.286ha… Một số địa phương khu vực trung du miền núi phía Bắc đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa, mang lại giá trị kinh tế cao, từng bước khẳng định thương hiệu sản phẩm.
Đặc biệt, năm 2017, các tỉnh, thành phố phía Bắc đã tăng thêm 22.000ha cây ăn quả so với năm 2016: Cam tăng 1.000ha; bưởi tăng 1.300ha... Nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng được thương hiệu cho các cây ăn quả chủ lực như: Tỉnh Yên Bái đã và đang tiến tới xây dựng nhãn hiệu tập thể cho cam Văn Chấn, bưởi Đại Minh và cam Lục Yên; tỉnh Tuyên Quang cũng có nhiều chính sách khuyến khích phát triển cây ăn quả tại những vùng sinh thái có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp như: Hàm Yên, Chiêm Hóa...
Tuy nhiên, bên cạnh hiệu quả kinh tế, nguy cơ rủi ro về thị trường và "khủng hoảng thừa" sản phẩm chính vụ đang đặt ra áp lực cho các địa phương.
Hà Nội định hướng phát triển các cây ăn quả đặc sản, trong đó có nhãn chín muộn. |
Để phát triển cây ăn quả bền vững, giảm tình trạng "cung vượt cầu", đại diện Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong định hướng phát triển cây ăn quả, Hà Nội sẽ không chạy theo diện tích, sản lượng mà hướng tới trồng cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao và trồng cây đặc sản theo hướng hữu cơ, VietGAP... Thành phố sẽ tập trung trồng các loại cây đặc sản như: Chuối tiêu hồng, nhãn chín muộn, cam Canh, bưởi Diễn.
Nhờ đẩy mạnh công tác xúc tiến thị trường, một số sản phẩm cây ăn quả của Hà Nội đã xuất khẩu tới nhiều nước, trong đó nhãn chín muộn đã xuất khẩu sang Mỹ... Hà Nội có 17.776ha cây ăn quả, trong đó, 3 loại cây ăn quả có diện tích lớn là chuối, bưởi và nhãn.
Đồng quan điểm, đại diện tỉnh Hưng Yên cho biết, tỉnh này đã định hướng cho nông dân giữ nguyên diện tích nhãn hiện nay và nâng cao chất lượng cho 2 loại nhãn đặc sản là Miền Thiết và Hương Chi theo hướng trồng bằng phương pháp hữu cơ để nâng cao sức cạnh tranh; đồng thời tăng đầu tư cho khâu bảo quản, tiêu thụ...
Tại hội thảo, đại diện Bộ NN&PTNT cho rằng, để hạn chế tình trạng sản xuất không theo quy hoạch và chạy theo phong trào, dẫn tới chất lượng kém, các địa phương cần đầu tư ứng dụng khoa học vào 2 khâu đột phá gồm: Giống chất lượng cao và bảo quản sau thu hoạch, trồng rải vụ để tránh áp lực thị trường...
Bộ NN&PTNT sẽ nâng cao công tác dự báo thị trường, đẩy mạnh giải pháp liên kết vùng và hình thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, qua đó, hướng tới xây dựng các vùng cây ăn quả chuyên canh, sản xuất an toàn, chất lượng tốt..., không chỉ đáp ứng tiêu dùng trong nước mà đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tới những thị trường "khó tính" nhằm nâng cao giá trị mặt hàng trái cây của Việt Nam, góp phần phát triển ổn định cây ăn quả...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.