Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

Nguyễn Thanh| 20/03/2023 18:27

(HNMO) - Ngày mai 21-3, dưới sự chủ trì của UBND thành phố Hà Nội, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Hội thảo nhằm nhận diện rõ và sâu sắc hơn nữa các giá trị, nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội, phục vụ xây dựng và phát triển Thủ đô, theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội được chú trọng khơi dậy, phát huy.

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội và một số chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành. Tham dự có hơn 300 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành Trung ương; UBND các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô; các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa trong nước và quốc tế.

Hội thảo đề cao tính dân chủ, khoa học và thực tiễn, diễn ra trong một ngày với hai phiên tham luận, tập trung vào 4 nội dung lớn, gồm: Văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội; Hà Nội - Thủ đô di sản, Thành phố sáng tạo, khát vọng phát triển; các điều kiện, nhiệm vụ, giải pháp huy động nguồn lực để phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Xen kẽ các phiên tham luận là hoạt động trao đổi, thảo luận, nhằm xác định rõ nội hàm, đặc tính và giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội; vấn đề khoa học và thực tiễn của các nội dung văn hiến, văn minh, hiện đại trong quá trình phát triển Thủ đô; nghiên cứu, tiếp tục làm rõ các luận cứ khoa học và thực tiễn trong huy động, sử dụng, phát huy nguồn lực văn hóa, đồng thời góp phần định hình về triết lý phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm.

Để chuẩn bị chu đáo cho hội thảo diễn ra thành công, đạt mục tiêu, chất lượng, kế hoạch đề ra, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội; Sở Văn hóa và Thể Thao Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan tích cực triển khai các nội dung, nhiệm vụ.

Thành phố cũng tổ chức 6 cuộc họp triển khai các phần việc, mời các giáo sư, tiến sĩ đầu ngành tham mưu, cố vấn; đồng thời mời các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý uy tín trong lĩnh vực văn hóa, lịch sử, quy hoạch… tham gia viết bài phục vụ hội thảo.

Tính đến ngày 14-3, Ban tổ chức đã nhận được 68 bài tham luận, theo các chủ đề: Tổng quan, nhận diện các nguồn lực văn hóa (8 bài); vốn văn hóa - xã hội (13 bài); không gian văn hóa (9 bài); di sản văn hóa (13 bài); công nghiệp văn hóa - thành phố sáng tạo - thương hiệu Thủ đô Hà Nội (13 bài) và đề xuất của các sở, ngành, quận, huyện (12 bài).

Sau khi tiếp nhận tham luận, Ban tổ chức thành lập Ban biên tập hội thảo để thẩm định, lựa chọn, biên tập và tiến hành in ấn. Cụ thể, kỷ yếu hội thảo gồm 650 trang với 68 bài tham luận chất lượng, giàu tính khoa học cùng cách tiếp cận và nhìn nhận đa chiều về văn hóa Thăng Long - Hà Nội, cho thấy tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Để đảm bảo chất lượng cao nhất, Ban tổ chức quyết định phát hành kỷ yếu nội bộ phục vụ sự kiện. Sau đó, sẽ tiếp tục tiếp thu các ý kiến đóng góp từ hội thảo, để hoàn thiện và tổ chức xuất bản kỷ yếu chính thức.

Hà Nội tập trung phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa cho phát triển bền vững Thủ đô.

Với cách nhìn nhận khoa học và thực tế, Ban tổ chức hội thảo mong muốn, từ chương trình trao đổi, thảo luận, sẽ nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc hơn, góp phần nhận diện, làm rõ thêm nội hàm của văn hiến - văn minh - hiện đại; cũng như các ý tưởng gợi mở để xây dựng và phát triển Thủ đô trong tương lai.

Hội thảo cũng là dịp tuyên truyền, tạo sự thống nhất cao ở tất cả cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân về vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa trong quá trình phát triển thành phố; góp phần khơi dậy niềm tự hào; ý thức, trách nhiệm chung tay xây dựng Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội thảo khoa học “Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.