Văn hóa

Phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa

Thu Minh - Thụy Du 19/11/2023 - 06:15

Trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội, Hội nghị diễn đàn Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) khu vực Đông Nam Á đã được tổ chức ngày 18-11 tại Hà Nội.

Tại hội nghị, các chuyên gia, đại biểu đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay trong việc phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa của các Thành phố sáng tạo.

nghe-nhan-1.jpg
Các nghệ nhân thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức) biểu diễn múa rối cạn ở khu vực hồ Hoàn Kiếm để quảng bá nghệ thuật truyền thống của địa phương, tháng 10-2023. Ảnh: Quang Thái

Bước tiến định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh Thủ đô

Mạng lưới các Thành phố sáng tạo UNESCO (UCCN) được thành lập năm 2004 nhằm thúc đẩy hợp tác quốc tế giữa các thành phố được vinh danh quốc tế, với việc lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.

Đến nay, mạng lưới đã có sự tham gia của 350 thành phố thuộc hơn 100 quốc gia. Trong đó, năm 2019, Hà Nội chính thức trở thành thành viên của UCCN với danh hiệu Thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế. Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam gia nhập UCCN và cũng là thành phố đầu tiên ban hành Nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Khẳng định việc gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên mọi lĩnh vực sáng tạo văn hóa, gia nhập nhóm các thành phố toàn cầu đang phát triển theo hướng đổi mới, phù hợp với Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà nhấn mạnh: Sau gần 4 năm thực hiện các sáng kiến để thúc đẩy thiết kế trong các chương trình phát triển văn hóa - kinh tế - xã hội, Hà Nội đã thực hiện được đầy đủ các nội dung, sáng kiến và cam kết với UNESCO khi ứng cử gia nhập mạng lưới, với việc tổ chức được 8 hội thảo, tọa đàm quốc tế tham vấn xây dựng cơ chế chính sách phát triển Hà Nội - Thành phố sáng tạo.

Thành phố cũng hình thành mạng lưới các nhà thiết kế sáng tạo trẻ, củng cố mạng lưới các không gian sáng tạo trên địa bàn thành phố, đặc biệt hằng năm đều tổ chức các Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội. Việc tổ chức Hội nghị diễn đàn Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO khu vực Đông Nam Á đã tạo không gian giao lưu, học hỏi giữa các quốc gia thành viên ASEAN về nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa, đồng thời, góp phần thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giới thiệu về định hướng phát triển mới của thành phố Hà Nội, các tiềm năng, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo.

Nâng giá trị Thành phố sáng tạo

nghe-nhan-2.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà trao quà tặng đại biểu đại diện các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Ảnh: Mai Hoa

Đề cao việc Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết chuyên đề riêng về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, ưu tiên triển khai hiệu quả, thiết thực các chương trình đầu tư để bảo tồn, tu bổ tôn tạo và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn các dự án, công trình văn hóa trọng điểm, góp phần phát huy giá trị Thành phố sáng tạo, Trưởng ban Văn hóa, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội Phạm Thị Thanh Hường cho biết thêm: “Việc phát triển mạng lưới các Thành phố sáng tạo đòi hỏi phải dựa trên 3 trụ cột chính: Thiết kế, cộng đồng, sáng tạo, góp phần tạo điều kiện tối đa để các nhà sáng tạo trẻ dễ dàng phát huy tiềm năng, tạo nên nhiều không gian sống tốt cho người dân thành phố, qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân”.

Chia sẻ các câu chuyện, cách làm riêng của địa phương, đại biểu đại diện cho các Thành phố sáng tạo Kuching (Malaysia); Bangkok, Sukhothai, Phetchaburi (Thái Lan)… đều đề cao giá trị của sự kết nối, học hỏi, hợp tác giữa các thành phố, vận dụng sáng tạo vào từng nơi, tùy thuộc đặc điểm, nguồn lực của từng địa phương. Đơn cử như việc Quản lý cấp cao Trung tâm Thiết kế và Sáng tạo Kobe (Nhật Bản) Kenji Kondo chia sẻ kinh nghiệm về việc phát huy sức mạnh trong thiết kế của ngành công nghiệp chế tạo, tạo không gian tương tác, giao lưu giữa các doanh nghiệp và các nhà sáng tạo…

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng, để phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa của các Thành phố sáng tạo đòi hỏi phải có cơ chế, chính sách thuận lợi, có sự hỗ trợ của chính quyền về mặt bằng, sản xuất, quảng bá sản phẩm sáng tạo, qua đó lan tỏa tinh thần, bản sắc của Thành phố sáng tạo trong tiến trình hội nhập, phát triển kinh tế - xã hội.

minh-tien.jpg

Chủ tịch Hội UNESCO Hà Nội Trương Minh Tiến:

“Học bạn” để phát huy nội lực bằng cơ chế chính sách, khích lệ sáng tạo

Việc chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy sáng kiến để xây dựng và phát huy hiệu quả giá trị trong Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO có ý nghĩa rất lớn, nhằm “học bạn” để phát huy nội lực bằng cơ chế chính sách, khích lệ sáng tạo.

Với Việt Nam, sau Hà Nội, hiện nay Hội An, Đà Lạt đã được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo. Đây là vinh dự, nhưng cũng đòi hỏi mỗi địa phương phải có chuyển biến rõ ràng về nhận thức về giá trị của việc tham gia mạng lưới chung, của sự liên kết và hợp tác giữa các Thành phố sáng tạo, hướng tới sự phát triển bền vững.

Có thể khẳng định việc tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo góp phần không nhỏ vào công cuộc phát triển công nghiệp văn hóa, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp văn hóa của Thủ đô. Đó là khả năng huy động được các nguồn lực ở các lĩnh vực khác nhau mà Hà Nội có thế mạnh, góp phần thúc đẩy công nghiệp văn hóa, tạo ra những sản phẩm vừa có giá trị về văn hóa vừa có giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

thi-vinh.jpg

Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và Làng nghề Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Hà Nội Hà Thị Vinh:

Cơ hội học hỏi từ kinh nghiệm các thành phố bạn

Những người làm nghề như chúng tôi đều mong muốn có được không gian công cộng làng nghề xứng tầm, kể được câu chuyện về đất trăm nghề Thăng Long - Hà Nội, hành trình theo dòng chảy sông Hồng đưa các sản vật từ các làng nghề ở ngoại thành, vùng ven đến đất Kinh kỳ, đến khi sản phẩm sáng tạo “bước ra” thế giới.

Tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, Hà Nội có cơ hội học hỏi rất lớn từ kinh nghiệm của các thành phố bạn. Có thể thấy để khai thác hiệu quả tiềm năng làng nghề, phải giúp các làng nghề thịnh vượng mới giữ được nghề, phát triển được nghề. Và điều đó phải dựa vào các trụ cột về thiết kế - cộng đồng - sáng tạo, với sự vào cuộc mạnh mẽ hơn của Nhà nước trong chính sách đào tạo nghề, trong công tác quản trị, hỗ trợ ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại, phát triển thị trường. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ phải thời trang, chạm vào cảm xúc của người mua...

singapore-1.jpg

Phó Giám đốc cấp cao tiếp thị, truyền thông và nội dung Trung tâm Thiết kế sáng tạo Singapore Yee Yeong Chong:

Phát huy sức mạnh của sự kết nối

Là thành viên có nhiều kinh nghiệm trong phát huy giá trị Thành phố sáng tạo, chúng tôi nghĩ sức mạnh của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO (UCCN) không đơn thuần là sự cộng hưởng đơn thuần từ con số 350 thành viên mà là sức mạnh của sự kết nối, giúp mỗi Thành phố sáng tạo có thể khai thác tối đa các cơ hội hợp tác chặt chẽ với các Thành phố sáng tạo trong mạng lưới, trao đổi văn hóa, chia sẻ kiến thức và các trải nghiệm đáng giá.

Đó là kinh nghiệm sáng tạo, sản xuất các sản phẩm độc bản dựa trên bản sắc, di sản của địa phương; là trải nghiệm phát huy, khích lệ sự sáng tạo; là việc vận dụng giá trị của thiết kế sáng tạo, tạo không gian tương tác, phát triển, kết nối giữa doanh nghiệp - cộng đồng - nhà sáng tạo. Hơn tất cả, mục tiêu cuối cùng là thông qua các không gian phát huy sáng tạo để góp phần tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp, hạnh phúc, chất lượng hơn cho mọi người dân, trong đó, đặc biệt quan tâm đến các đối tượng yếu thế trong xã hội.

Mai Hoa - Yên Nga ghi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy hiệu quả nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.