Góc nhìn

Khơi nguồn lực văn hóa, con người Thủ đô

Quỳnh Anh 30/03/2024 - 06:08

Văn hóa và con người có vai trò vô cùng quan trọng, là nguồn lực “gốc” để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Nhờ sức mạnh văn hóa, con người, Hà Nội cùng với cả nước đã vượt qua bao gian nan, thử thách, “sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa”, lập nên những chiến công hiển hách, mãi khắc ghi trong lịch sử hào hùng của dân tộc.

Với bề dày truyền thống nghìn năm văn hiến, anh hùng, trong 40 năm Đổi mới, trải qua 8 kỳ Đại hội (từ Đại hội X đến Đại hội XVII), Hà Nội luôn xác định phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, là sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô. Hà Nội đã quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và vận dụng linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với điều kiện Thủ đô, tạo bước đột phá, điểm nhấn trọng tâm khơi thông dòng mạch cho nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh...

Cùng với việc tập trung thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình của Trung ương, liên tục trong các nhiệm kỳ, Thành ủy Hà Nội đều ban hành chương trình riêng về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Đó là, Chương trình số 04-CTr/TU (ngày 26-4-2016) của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2016-2020”; Chương trình số 06-CTr/TU (ngày 17-3-2021) của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.

Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã ban hành các nghị quyết chuyên đề để phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội như: Nghị quyết số 09-NQ/TU (ngày 22-2-2022) về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”, qua đó đã đạt được những kết quả to lớn.

Nhắc đến thành tựu phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội, tại Hội nghị tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua trên địa bàn Thủ đô diễn ra ngày 28-3 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã khẳng định: “Trên lĩnh vực phát triển văn hóa và xây dựng con người, Hà Nội đã đạt được những thành tựu to lớn, khá toàn diện, sâu sắc và nổi bật”.

Quả thật, nhìn lại 40 năm đổi mới có thể thấy, Hà Nội đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu trên lĩnh vực văn hóa, con người. Công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa được quan tâm, đầu tư. Đời sống văn hóa các dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt. Các hủ tục dần được xóa bỏ, nhiều thôn, bản đã có hương ước và được công nhận “Làng văn hóa”. Văn hóa, con người Hà Nội thật sự trở thành hồn cốt của tất cả các hoạt động... Những thành tựu này không chỉ góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại mà còn hình thành những chuẩn mực văn hóa, cốt cách tâm hồn người Hà Nội thanh lịch, văn minh, mãi xứng đáng là “Trái tim của cả nước”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”...

Cùng với cả nước, Hà Nội đang bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở rộng cánh cửa chào đón bạn bè quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, khó khăn, thách thức là không nhỏ. Hơn bao giờ hết, để Thủ đô phát triển bền vững, việc tiếp tục khơi thông nguồn lực nội sinh - phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, khơi dậy khát vọng xây dựng vị thế Thủ đô xứng tầm nghìn năm văn hiến là hết sức quan trọng.

Để phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, mới đây nhất, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU (ngày 19-2-2024) về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Theo đó, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng yếu, thường xuyên; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô trong việc phát huy những phẩm chất của người Hà Nội thanh lịch, văn minh, làm cho những giá trị đó thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đến từng gia đình và người dân. Thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, cần đặc biệt chú trọng xây dựng, bồi đắp giá trị gia đình, lấy gia đình làm nền tảng để khôi phục, kế thừa, phát huy những giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội; đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, góp phần hình thành nhân cách thế hệ trẻ Thủ đô thanh lịch, văn minh...

Khơi thông nguồn lực phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện với những giá trị nhân văn và tinh thần yêu nước sâu sắc, ý thức tôn trọng pháp luật, giàu lòng tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng phát triển... Đây sẽ là sức mạnh nội sinh, động lực to lớn cho Thủ đô bứt phá và “dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi nguồn lực văn hóa, con người Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.