(HNM) - Hôm nay (ngày 21-3), thành phố Hà Nội chủ trì, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học "Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại"", nhằm làm rõ các giá trị, nguồn lực văn hóa; gợi mở, định hướng các sáng kiến, giải pháp phát triển Thủ đô trên tinh thần Nghị quyết 15/NQ-TƯ của Bộ Chính trị.
Trước đó, công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ tổ chức hội thảo đã được triển khai với tinh thần, trách nhiệm cao nhất, nhằm bảo đảm hội thảo thành công tốt đẹp, đạt mục tiêu, chất lượng đề ra. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội Lê Ngọc Anh xung quanh nội dung này.
3 mục đích và 4 nội dung lớn
- Xin ông cho biết vai trò, ý nghĩa và quy mô của hội thảo khoa học "Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại"" được tổ chức hôm nay?
- Qua nhiều nhiệm kỳ, Đảng ta luôn kiên trì mục tiêu xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa thực sự là nền tảng, sức mạnh nội sinh và động lực quan trọng cho phát triển bền vững đất nước.
Lịch sử đã trao cho thành phố Hà Nội vị thế có một không hai, không chỉ là trung tâm chính trị, hành chính của cả nước, mà còn là trung tâm gắn kết, thống nhất văn hóa vùng Đồng bằng Bắc Bộ, vùng Thủ đô. Thành phố Hà Nội luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc bảo tồn, phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô. Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch về phát triển văn hóa, về nếp sống văn hóa, về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Hội thảo khoa học hôm nay là diễn đàn để các cơ quan, đơn vị, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn thảo luận đưa ra các luận cứ khoa học, các giải pháp phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội, nhằm xây dựng, phát triển Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, cụ thể hóa Nghị quyết 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, những chỉ đạo quan trọng của Trung ương và thành phố về phát triển Thủ đô Hà Nội.
Với vai trò và ý nghĩa quan trọng của hội thảo, chủ trì hội thảo là các đồng chí lãnh đạo thành phố, các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành. Cùng với đó là sự tham dự của trên 300 đại biểu đại diện các ban, ngành trung ương; UBND các tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô; các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa trong nước và quốc tế.
- Với vai trò, ý nghĩa và quy mô nêu trên, xin ông cho biết rõ hơn mục đích và nội dung hội thảo?
- Hội thảo được tổ chức với tinh thần dân chủ, tính khoa học thực thụ, bám sát 3 mục đích lớn. Thứ nhất, xác định rõ nội hàm, đặc tính và giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội; vấn đề khoa học và thực tiễn về các nội dung văn hiến, văn minh, hiện đại trong quá trình phát triển; đề xuất các giải pháp phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại. Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, làm rõ thêm các luận cứ khoa học và thực tiễn trong huy động, sử dụng, phát huy nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Thứ ba, qua hội thảo, tuyên truyền, tạo sự thống nhất ở các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên, nhân dân Thủ đô về vị trí, vai trò đặc biệt của văn hóa - nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển Hà Nội.
Hội thảo diễn ra trong 1 ngày, bao gồm hai phiên, tập trung vào 4 nội dung, gồm: Văn hóa Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại; nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội; Hà Nội - Thủ đô di sản, thành phố sáng tạo, khát vọng phát triển; các điều kiện, nhiệm vụ, giải pháp huy động nguồn lực để phát triển Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại. Trong mỗi phiên đều có các tham luận, trao đổi và thảo luận, bảo đảm tính khoa học, tính dân chủ và thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả nhận diện, làm rõ thêm nội hàm văn hiến - văn minh - hiện đại; cũng như các ý tưởng gợi mở để xây dựng và phát triển Thủ đô trong tương lai.
Sẵn sàng mọi điều kiện để hội thảo đạt mục đích, chất lượng
- Để bảo đảm các yêu cầu đặt ra, xin ông cho biết công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ tổ chức hội thảo đã diễn ra như thế nào?
- Để chuẩn bị cho hội thảo quan trọng này, trong thời gian ngắn, thành phố đã chỉ đạo Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tích cực triển khai các nội dung, nhiệm vụ bảo đảm yêu cầu, tiến độ đề ra. Thành phố đã tổ chức 6 cuộc họp triển khai các công việc liên quan, mời các chuyên gia làm cố vấn tổ chức hội thảo; mời các chuyên gia, nhà khoa học, các nhà quản lý, các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô tham gia viết bài hội thảo.
Sau khi tiếp nhận tham luận, Ban Tổ chức đã biên tập và in ấn (Tài liệu nội bộ sử dụng tại hội thảo) với hơn 600 trang, 70 bài tham luận với các cách tiếp cận và nhìn nhận nhiều chiều về văn hóa Thăng Long - Hà Nội; nhiều bài viết thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học, chuyên gia với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. Sau buổi hội thảo hôm nay, Ban Tổ chức sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu, các nhà khoa học, các chuyên gia để hoàn thiện, xuất bản chính thức kỷ yếu.
- Cùng với việc chuẩn bị các nội dung, công tác thông tin, tuyên truyền về hội thảo được thực hiện thế nào thời gian qua, thưa ông?
- Ban Tổ chức đã tổ chức họp báo, thông tin về công tác tổ chức hội thảo khoa học "Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại"", với gần 50 cơ quan báo chí tham dự, đưa tin; phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội, các đơn vị báo chí của thành phố và trung ương xây dựng các nội dung tuyên truyền hết sức cụ thể.
Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ban hành Kế hoạch tuyên truyền về hội thảo khoa học trước, trong và sau thời gian diễn ra, nhằm tạo sự thống nhất ở tất cả các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong xây dựng, phát triển Thủ đô. Các cơ quan báo chí, truyền thông đã vào cuộc khẩn trương, hiệu quả, tuyên truyền sâu rộng, có trọng tâm, trọng điểm về hội thảo và các nội dung liên quan.
Nhằm phát huy các giá trị nguồn lực văn hóa Thăng Long - Hà Nội, trong thời gian diễn ra hội thảo, còn có các hoạt động trưng bày, giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội. Đó là các không gian văn hóa làng nghề với các sản phẩm tinh xảo (gỗ mỹ nghệ, khảm trai, tranh Hàng Trống, gốm sứ Bát Tràng…), ấn phẩm văn hóa Thủ đô, không gian trưng bày và trình diễn bộ sản phẩm mô phỏng Nỏ thần An Dương Vương…
Với tinh thần khẩn trương và trách nhiệm, Ban Tổ chức tin tưởng hội thảo khoa học "Phát huy các giá trị và nguồn lực văn hóa xây dựng Thủ đô "văn hiến - văn minh - hiện đại"" sẽ thành công tốt đẹp, bảo đảm đúng định hướng, mục tiêu, chất lượng đề ra. Thay mặt Ban Tổ chức, tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, sự tham gia của các đại biểu đại diện các ban, bộ, ngành trung ương, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, các chuyên gia, các nhà khoa học. Cảm ơn các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và thành phố đã tích cực tuyên truyền cho hội thảo hôm nay.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.