(HNM) - Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV đã hoàn thành ngày thứ hai trong tổng số ba ngày theo kế hoạch. Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đã có những đánh giá đa chiều về chất lượng chất vấn.
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Đoàn Phú Yên):
Trách nhiệm của Bộ trưởng là rất lớn
Trong phần trả lời của mình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ không nhắc đến trách nhiệm cá nhân về quy định "sinh viên nếu hoạt động mại dâm đến lần thứ tư sẽ bị buộc thôi học". Về vấn đề đó mà khẳng định lỗi của "các cá nhân phụ trách việc này năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém, dẫn đến phản ứng của xã hội” thì chưa thỏa đáng.
Dù biết rằng, giáo dục là lĩnh vực vô cùng khó, còn nhiều hạn chế, không thể quy hết trách nhiệm cho Bộ trưởng trong nhiệm kỳ này, vì có những hạn chế kéo dài từ nhiều năm, nhiều khóa. Tuy nhiên, tôi cho rằng, quan điểm của người đứng đầu trong bộ máy quản lý giáo dục phải nhận thấy trách nhiệm của mình. Chỉ khi nào người đứng đầu ngành thay đổi thì mới có thể đổi mới ngành Giáo dục, chính vì vậy, trách nhiệm của Bộ trưởng là rất lớn.
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Đoàn Gia Lai):
Phần trả lời sát với vấn đề đại biểu nêu
Các bộ trưởng đã thẳng thắn nhìn nhận đúng trách nhiệm của bộ, ngành mình và trả lời sát với vấn đề các đại biểu chất vấn. Các bộ trưởng cũng đã đưa ra giải pháp để khắc phục những tồn tại cũng như để quản lý lĩnh vực, ngành mình hiệu quả hơn. Tôi thấy ấn tượng với Bộ trưởng Bộ Công Thương khi trả lời chất vấn về việc xử lý 12 dự án thua lỗ kéo dài. Bộ trưởng đã đưa ra số liệu cụ thể, đặc biệt là việc kiểm tra, thanh tra, đánh giá hiệu quả, thậm chí quy trách nhiệm những người đã gây ra tình trạng này. Điều này thể hiện sự quyết tâm của Bộ trưởng trong giải quyết những tồn tại, yếu kém.
Tuy nhiên, phần trả lời về nội dung giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện nay của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thực sự căn cơ và chưa phù hợp thực tế. Tôi cho rằng, việc cắt giảm hàng loạt giáo viên là cứng nhắc, máy móc. Việc cắt giảm này dẫn tới tình trạng nhiều giáo viên có năng lực, yêu nghề và đang còn sức khỏe sẽ gặp khó khăn do mất việc.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP Hồ Chí Minh):
Lắng nghe và hành động
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, đoàn TP HCM chất vấn |
Qua phiên chất vấn, tôi chia sẻ với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bởi đây là lĩnh vực rất khó, tác động đến mọi nhà, mọi người. Hiện cử tri vẫn băn khoăn về nội dung của sách giáo khoa và sự lãng phí trong in, phát hành sách giáo khoa. Nếu các đại biểu Quốc hội tập trung nêu giải pháp đồng hành với Bộ Giáo dục và Đào tạo, tin rằng kết quả sẽ tốt hơn.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, “tư lệnh” ngành vẫn đóng vai trò cốt lõi. Trong khi đó, rất nhiều chuyên gia, người có kinh nghiệm, tâm huyết muốn đóng góp xây dựng nền giáo dục. Vấn đề còn lại là “tư lệnh” ngành có lắng nghe hay không? Và khi lắng nghe rồi thì có hành động hay không?
Đại biểu Quách Thế Tản (Đoàn Hòa Bình):
Tạo điều kiện để đại biểu Quốc hội chất vấn đến cùng
Với việc hỏi nhanh, đáp gọn, mở rộng nội dung chất vấn đã khiến nhiều vấn đề cử tri quan tâm được đưa ra chất vấn và buộc tất cả các thành viên Chính phủ đều phải có mặt. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi động, có những thời điểm hội trường rất “nóng” khi nhiều đại biểu cùng giơ biển tranh luận. Việc mở rộng nội dung chất vấn và trả lời chất vấn cũng khiến số lượng đại biểu Quốc hội đăng ký rất nhiều, tạo sức ép rất lớn với công tác điều hành.
Tuy nhiên, sự điều hành nhịp nhàng, dứt khoát của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã giúp các bộ trưởng, trưởng ngành không trả lời dài dòng, tập trung làm rõ vấn đề được đưa ra và tạo điều kiện cho đại biểu truy vấn trách nhiệm đến cùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.