(HNMO) - Sáng nay, 25-12, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2018. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại 64 điểm cầu.
Tại điểm cầu Trung ương, Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long dự. Tại điểm cầu Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn; Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà dự.
Tại điểm cầu Hà Nội. |
Năm 2017, trong bối cảnh khối lượng công việc lĩnh vực tư pháp tăng, nhiều việc phát sinh ngoài kế hoạch, điều kiện về nhân lực, kinh phí, cơ sở vật chất còn hạn chế, nhưng với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ và cấp ủy, chính quyền các cấp, toàn ngành đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ, nhất là 09 nhóm nhiệm vụ trọng tâm và 10 nhóm nhiệm vụ chủ yếu theo Chương trình hành động của ngành Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2017 và các chương trình, kế hoạch công tác khác.
Kết quả nổi bật là, tại các địa phương, cơ quan tư pháp, pháp chế đã tham mưu ban hành 4.111 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) cấp tỉnh (tăng 75 văn bản so với năm 2016); 3.682 VBQPPL cấp huyện (giảm 38,3% so với năm 2016); 18.434 VBQPPL cấp xã (giảm khoảng 55% so với năm 2016). Kết quả này cho thấy việc thực hiện nghiêm túc các quy định về giảm số lượng văn bản ở cấp huyện, cấp xã trong Luật ban hành VBQPPL năm 2015.
Tuy nhiên, đối với công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) dù đã đổi mới nhưng vẫn chưa sát với đặc thù của từng địa bàn, lĩnh vực, nhóm đối tượng; chưa thu hút được nhiều nguồn lực tham gia PBGDPL; nội dung PBGDPL vẫn còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Năng lực, trình độ, nhất là kiến thức pháp luật, nghiệp vụ của hòa giải viên còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của công tác hòa giải ở cơ sở, nhất là khi áp dụng quy định về công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án; nguồn kinh phí dành cho công tác hòa giải ở cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu nhiệm vụ; tỷ lệ hoà giải thành ở một số địa phương còn đạt thấp (như: Phú Yên - 61,1%, Lạng Sơn - 67,7%, Trà Vinh - 69,37%). Việc xây dựng, trình phê duyệt Dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính còn chậm. Công tác theo dõi thi hành pháp luật còn lúng túng, hiệu quả chưa cao, chưa phản ánh đúng những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật tại địa phương; chưa có nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật.
Hội nghị là dịp để toàn ngành nghiêm túc đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ, làm rõ những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để từ đó xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của công tác tư pháp năm 2018.
Các nội dung được tập trung thảo luận tại hội nghị là: Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong một số lĩnh vực tư pháp năm 2017; xử lý văn bản trái pháp luật và một số khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Đấu giá tài sản. Bên cạnh đó, các bộ, ngành đã đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả công tác theo dõi thi hành pháp luật…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đề nghị, để Luật Thủ đô tiếp tục đi vào cuộc sống, giúp Hà Nội phát triển toàn diện, Bộ Tư pháp phối hợp cùng thành phố Hà Nội tham mưu với Chính phủ triển khai đánh giá 5 năm thi hành Luật Thủ đô; tiếp tục xây dựng những cơ chế, chính sách hoàn thiện những quy định chi tiết triển khai thi hành Luật Thủ đô theo kết luận của Bộ Chính trị, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận, biểu dương nỗ lực, cố gắng và những kết quả, thành tích mà toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Tư pháp đã đạt được trong năm 2017. Nhấn mạnh bối cảnh đất nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng với những thời cơ, thuận lợi rất cơ bản, nhưng cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức đan xen, Chủ tịch nước cho rằng, nhiệm vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của ngành Tư pháp năm 2018 đặt ra rất nặng nề.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang yêu cầu, thời gian tới, Bộ Tư pháp bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, cải cách hành chính; làm tốt công tác tham mưu với Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương trong việc thực hiện các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp.
Cùng với đó, bộ tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành.
Trong lĩnh vực thi hành án dân sự, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị, ngành Tư pháp tăng cường đối thoại trực tiếp với công dân, không để phát sinh những vụ khiếu nại, tố cáo vượt cấp, phức tạp, kéo dài; xây dựng và thực hiện các giải pháp giảm số lượng án tồn đọng, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt trong các vụ án kinh tế, tham nhũng. Cùng với đó, ngành Tư pháp cần chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất, đạo đức tốt, tinh thần trách nhiệm cao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.