(HNM) - "Thắt chặt hơn nữa mối quan hệ kinh tế chiến lược, cùng nhau đối phó với những thách thức lớn" là nội dung trọng tâm của Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 17 giữa Liên minh châu Âu (EU) và Canada, vừa diễn ra tại thành phố Montreal thuộc tỉnh Quebec của Canada.
Xuất phát từ tâm lý lo ngại về cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc, cũng như những chính sách bảo hộ của chính quyền Tổng thống Donald Trump, mục tiêu của các quốc gia tham gia hội nghị lần này là lên tiếng kêu gọi bảo vệ hệ thống thương mại đa phương dựa trên trật tự quốc tế, với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là nòng cốt. EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Canada và cũng là một đồng minh tin cậy của quốc gia Bắc Mỹ này trong nhiều chính sách đối ngoại và an ninh quốc tế. Canada cũng cần sự ủng hộ của EU đối với sáng kiến do nước này dẫn dắt nhằm cải cách WTO.
Đáng chú ý, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết, sau 2 ngày làm việc tại Montreal, cả Ottawa và Brussels đã tiến gần hơn tới một giải pháp tạm thời nhằm đối phó với việc Washington ngăn cản quá trình bổ nhiệm thẩm phán mới cho cơ quan phúc thẩm của WTO, với lý do hệ thống phán xử hiện nay của tổ chức này chậm chạp, thất thường và không công bằng.
Mặc dù chương trình nghị sự của cuộc họp thượng đỉnh giữa Canada và khối 28 quốc gia châu Âu bao trùm nhiều vấn đề như chống biến đổi khí hậu, bảo vệ các đại dương, thúc đẩy bình đẳng giới, bảo vệ trật tự quốc tế và cải cách WTO, song Hiệp định Thương mại và Kinh tế toàn diện EU - Canada (CETA) được đánh giá là chủ đề nóng nhất tại hội nghị.
Đây là một trong những điểm sáng của quan hệ đa phương, được kỳ vọng trở thành cầu nối giữa hai bờ Đại Tây Dương. Cả EU lẫn Canada đều bỏ ra rất nhiều công sức và thời gian cho văn kiện này. Nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng leo thang ở cả châu Âu và Bắc Mỹ, CETA càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy trật tự đa phương, mở cửa với tất cả các nước nhằm mưu cầu lợi ích chung. Ngoài ra, văn kiện này cũng đem đến cho Thủ tướng J.Trudeau cơ hội ghi điểm với cử tri Canada, khi nước này sẽ bước vào cuộc tổng tuyển cử trong tháng 10 tới.
Thủ tướng J.Trudeau khẳng định, Canada và EU là đối tác, đồng minh và bạn bè gần gũi của nhau. Quan hệ đối tác giữa hai bên đã mạnh mẽ hơn nhờ CETA - hiệp định đang kiến tạo việc làm và mang đến những cơ hội mới cho người dân hai bên. Được áp dụng tạm thời từ tháng 9-2017, đến nay đã có 13 trong tổng số 28 nước thành viên EU phê chuẩn, hiệp định này giúp các doanh nghiệp Canada rộng đường tiếp cận với thị trường lớn thứ hai thế giới với nửa tỷ người tiêu dùng châu Âu.
Tại hội nghị thượng đỉnh lần này, Thủ tướng J.Trudeau và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đều nhấn mạnh tầm quan trọng của CETA khi chỉ trong năm đầu tiên có hiệu lực tạm thời, giá trị trao đổi thương mại hai chiều giữa Canada và EU đã tăng gần 8%. Song, để văn kiện này có hiệu lực thực thi đầy đủ, cần có sự phê chuẩn của quốc hội tất cả các nước thành viên EU. Do đó, người đứng đầu Chính phủ Canada muốn có được một cam kết rằng việc phê chuẩn CETA là một ưu tiên của Lục địa già.
Mối quan hệ giữa Canada với EU được Ottawa ca ngợi là chưa bao giờ phát triển hơn thế, trong bối cảnh hai bên đang chung tay đối mặt với những thách thức lớn nhất hiện nay. Còn Chủ tịch Hội đồng châu Âu D.Tusk khẳng định, giữa lúc tình hình thế giới có nhiều biến động, mối quan hệ hữu nghị này vẫn được duy trì ổn định hơn bao giờ hết. Canada là một đồng minh mạnh mẽ, chia sẻ tầm nhìn và các mục tiêu cốt lõi để trở thành đối tác gần gũi nhất của EU ở bên kia Đại Tây Dương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.