(HNM) - "Hội nghị Gặp mặt đại sứ các nước Trung Đông - châu Phi năm 2019 là cơ hội đánh thức tiềm năng to lớn về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với các quốc gia Trung Đông - châu Phi" - đây là khẳng định của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh tại hội nghị diễn ra trong hai ngày 9 và 10-9, tại Hà Nội.
Thời gian qua, cùng với việc mở rộng và đưa quan hệ chính trị - ngoại giao đi vào chiều sâu, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi đã có những bước phát triển đáng khích lệ. Năm 2018, tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi đạt 20,5 tỷ USD.
Tại phiên tọa đàm “Nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại Việt Nam - Trung Đông - châu Phi”, các đại sứ cùng đại diện cơ quan trung ương, địa phương và doanh nghiệp các bên đã thảo luận, chỉ ra những thuận lợi, khó khăn trong hợp tác kinh tế giữa Việt Nam với khu vực.
Các đại biểu cho rằng, Việt Nam và khu vực Trung Đông - châu Phi có lợi thế lớn để thúc đẩy hợp tác toàn diện, nhất là trong các lĩnh vực giàu tiềm năng như thương mại, đầu tư, năng lượng, môi trường, công nghệ thông tin...
Tuy vậy, hợp tác giữa Việt Nam với các nước khu vực này còn gặp không ít thách thức, trở ngại. Một số hạn chế đã được chỉ ra tại hội nghị như thiếu thông tin và sự hiểu biết sâu về thị trường, tập quán kinh doanh và hệ thống pháp luật của nhau, xa cách về địa lý.
Liên kết kinh tế giữa khu vực Trung Đông - châu Phi với khu vực Đông Nam Á nói chung và với Việt Nam nói riêng cũng còn hạn chế. Dù là một nền kinh tế mở với 16 hiệp định thương mại tự do, song đến nay Việt Nam chưa ký kết hiệp định thương mại tự do với bất kỳ nước nào trong khu vực này.
Ðại sứ Ai Cập tại Việt Nam Mahmoud Hassan Nayel cho rằng, hội nghị phản ánh kỳ vọng của Việt Nam và các nước khu vực Trung Ðông - châu Phi trong hợp tác phát triển. Việt Nam đã và đang đạt được nhiều lợi ích và lợi thế từ nguồn đầu tư khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp nước ngoài tới đầu tư. Quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước Trung Đông - châu Phi nói chung và Ai Cập nói riêng đang trên đà phát triển mạnh mẽ và có nhiều triển vọng để tiến xa hơn nữa.
Nhân hội nghị này, bên cạnh các phiên thảo luận sâu rộng về nâng cao hiệu quả hợp tác thương mại, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, hàng chục cuộc tiếp xúc song phương giữa các đại sứ, đại biện các nước Trung Đông - châu Phi với các bộ, ngành và địa phương của Việt Nam cũng được tổ chức nhằm trao đổi biện pháp tháo gỡ khó khăn cũng như thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới.
Ông Adib Kouteili, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc Công ty PEB Steel Buildings (Lebanon) khẳng định, Việt Nam là điểm đến lý tưởng với các nhà đầu tư nhờ môi trường thuận lợi, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng, cơ chế pháp lý, nguồn nhân lực…
Trước tiềm năng hợp tác to lớn giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi, hàng loạt sáng kiến, giải pháp thiết thực cũng đã được hội nghị đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương như: Tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, chia sẻ thông tin về thị trường, tháo gỡ vướng mắc cho các kênh thanh toán thương mại thông qua việc đẩy mạnh thiết lập quan hệ hợp tác liên ngân hàng, mở các ngân hàng đại lý tại nước đối tác...
Để hiện thực hóa điều này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho rằng, các bên cần đề ra biện pháp phát huy hiệu quả hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống, chú trọng hợp tác kinh tế, xác định kinh tế là đòn bẩy cho quan hệ chính trị. Đồng thời, đổi mới tư duy và phương thức hợp tác để thích ứng với sự phát triển và đòi hỏi của tình hình mới; huy động sự tham gia không chỉ của Nhà nước mà cả khu vực tư nhân, doanh nghiệp, người dân và đối tác phát triển ngoài khu vực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.