Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội họa Việt Nam - Một diện mạo khác

Yên Nga| 10/11/2015 06:30

(HNM) - Triển lãm


Nhưng đó mới chỉ là một phần trong bộ sưu tập của ông. Mới đây, cuốn sách cùng tên với triển lãm được NXB Thế giới ra mắt, cho cái nhìn đầy đủ hơn về bộ tài liệu nghiên cứu quý giá của Nguyễn Minh về hội họa Việt Nam.



Nguyễn Minh khởi nguồn từ nghề sưu tầm cổ vật, thư họa và nghệ thuật. Sau này, khi làm bạn với những người con của ông Đức Minh - người có tiếng trong giới sưu tầm, Nguyễn Minh mua được một số tác phẩm và chính thức đến với con đường sưu tập tranh.

Hiện nay, bộ sưu tập hội họa Việt Nam hiện đại của Nguyễn Minh có khoảng 200 tác phẩm của các họa sĩ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và sau đó, kéo dài hầu hết thế kỷ XX. Danh sách các tác giả trong sưu tập gồm 37 người, trong đó có hầu hết những tác gia lớn của mỹ thuật Việt Nam hiện đại như Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Trọng Hợp, Lê Quốc Lộc, Mai Văn Hiến, Trọng Kiệm, Trần Duy, Nguyễn Dung, Đặng Xuân Hòa, Thành Chương… với nhiều tác phẩm rất quý, ít được biết đến. Gần đây, với mong muốn chân thành "để người dân Việt Nam được thưởng thức chúng", Nguyễn Minh quyết định tổ chức triển lãm và kết hợp cùng nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng thực hiện cuốn sách "Hội họa Việt Nam - Một diện mạo khác".

Cuốn sách mở đầu bằng nhận định xác đáng về nghệ thuật Việt Nam của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, rằng: "Hầu hết các nghệ sĩ đi qua cuộc đời mình, sáng tác được là may chứ không kiểm soát được tác phẩm của mình, cuối cùng sẽ đặt để ở đâu. Mỗi bộ sưu tập là một diện mạo, một chặng đường nghệ thuật, được xé lẻ từ con đường nghệ thuật lớn, nếu có dịp mà ghép tất cả lại có lẽ sẽ là một đại lộ thênh thang của hội họa Việt Nam". Đó là nhận xét xác đáng bởi thực tế đời sống nghệ thuật cho thấy số phận các tác phẩm rất long đong, chủ yếu do khả năng lưu trữ có hạn của tất cả các nhà sưu tầm nghệ thuật Việt Nam. Nguyễn Minh cũng từng sở hữu nhiều tác phẩm quý, nhưng vì có lúc không đủ khả năng đánh giá, hoặc không đủ khả năng kinh tế nên đã không giữ lại được. Với nhiều nhà sưu tập khác cũng thế. Nên, lúc này, việc giới thiệu các tác phẩm quý trong một cuốn sách tổng hợp là cơ hội tốt để công chúng yêu hội họa thưởng thức, cảm nhận vẻ đồ sộ của nghệ thuật Việt Nam. Đó cũng được coi là một dạng tài liệu quý cho giới nghiên cứu, tạo cơ sở để đánh giá vai trò của nghệ thuật đối với đời sống.

"Nhân vật chính" và quan trọng nhất trong cuốn sách là tranh, khoảng 200 tác phẩm, được người trong giới nhận xét là "rất đáng xem và trân trọng bởi sự nhạy cảm văn hóa và mức độ đầu tư đáng kể, nhất là nhiều tác phẩm được mua về từ các phiên đấu giá nghệ thuật quốc tế, còn nguyên tem của những hãng Christie's hay Sotheby's và vài nơi đấu giá khác". Cuốn sách dày 500 trang khổ 23x29,5cm, in màu, song ngữ Việt - Anh, giấy couche toàn bộ, hẳn là không dành cho những người có thói quen xem lướt, "nhìn nhanh". Chủ biên đã chia các tác phẩm vào những phần như "Hội họa hiện thực xã hội chủ nghĩa", "Hội họa hiện thực và xu hướng truyền thống", "Những xu hướng mới". Những người thực hiện cuốn sách cố gắng ghi lại rõ ràng, ở mức có thể, về tác giả, bối cảnh sáng tác, nhận định về tác phẩm, mối liên hệ giữa nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật của họ. Kỹ lưỡng là bởi, theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, "các nhà sưu tầm không muốn cuốn sách của mình chỉ ở dạng catalogue".

Nhà nghiên cứu Nguyên Quân nhận định: "Bộ sưu tập của Nguyễn Minh dường như gần đủ để tác giả Phan Cẩm Thượng dựng nên một diện mạo trong khuôn hình lịch sử mạch lạc. Các tác phẩm được bình chú kỹ, với cảm nhận và nhãn thức cá nhân đủ để ta thấy một diện mạo khác, những xung động khác của lịch sử hội họa thế kỷ qua ở Việt Nam". Điều quan trọng là bạn đọc có thể hình dung rõ hơn về "Hội họa Việt Nam - Một diện mạo khác" qua cuốn sách này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hội họa Việt Nam - Một diện mạo khác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.