Văn hóa

Mở ra hướng tiếp cận mới trong hội họa

Triệu Sơn 24/06/2024 - 12:40

Với mong muốn tạo ra hướng đi mới trong hội họa, họa sĩ Phạm Trung Hưng đã mạnh dạn áp dụng công nghệ 3D mapping và các công nghệ trình chiếu đa phương tiện, kết hợp âm thanh, ánh sáng hiện đại trong các triển lãm: “Bùi Xuân Phái với Hà Nội”, “Dấu xưa văn hiến 2” với chủ đề “Soi bóng Thăng Long”.

Tại các triển lãm này, thay vì ngắm các tác phẩm nghệ thuật theo cách truyền thống, công chúng đã được “nhúng” mình vào từng tác phẩm, được trải nghiệm cảm giác như chính mình là nhân vật trong đó.

5(1).jpg
Họa sĩ Phạm Trung Hưng.

Triển lãm tranh đa phương tiện đầu tiên

Năm 2019, triển lãm “Bùi Xuân Phái với Hà Nội” được tổ chức tại Bảo tàng Hà Nội, được coi là triển lãm đa phương tiện đầu tiên về tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái tại Việt Nam, mở ra cách tiếp cận, cảm nhận mới với các tác phẩm đã quen thuộc. Gần 200 bức tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái được số hóa và trình chiếu nhờ công nghệ 3D mapping, tập trung vào 3 mảng tranh: “Phố Phái”, “Chèo Phái”, “Phái với bạn bè”. Toàn bộ tác phẩm này đều từ nguồn tư liệu của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, hoặc từ các nhà sưu tầm, gia đình, bạn của họa sĩ cung cấp.

Là người đề xuất ý tưởng, họa sĩ Phạm Trung Hưng chia sẻ, anh muốn thay đổi cách tiếp cận với nghệ thuật. Theo truyền thống, ngắm tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái là phải vào phòng trưng bày tĩnh lặng, ngắm tranh từ xa. Tuy nhiên, anh muốn có một hướng tiếp cận nghệ thuật thân thiện, cởi mở hơn, tạo cho người xem những cảm giác mới, đặc biệt là với những bức tranh rất nhỏ, có bức chỉ bằng bao diêm của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Khi áp dụng công nghệ, những ngôi nhà "trên bao diêm" có thể phóng to bằng nhà thật mà mọi người vẫn thấy bút pháp của họa sĩ Bùi Xuân Pháp rất tinh tế, tài hoa... Để tăng tính hấp dẫn, họa sĩ Phạm Trung Hưng đã thiết kế lối vào triển lãm thành những con ngõ nhỏ, thậm chí có những con ngõ tối hệt những lối đi trong khu phố cổ. “Vào tới gian chính trưng bày thì không gian được mở rộng ra, công nghệ 3D mapping, không gian ảo giúp du khách có cảm giác hòa mình vào tác phẩm. Khách tham quan cũng sẽ được xem một số tác phẩm, bút tích của họa sĩ Bùi Xuân Phái trước khi bước ra khỏi không gian triển lãm để có sự so sánh và cảm nhận rõ ràng hơn” - họa sĩ Nguyễn Trung Hưng cho biết thêm.

6(1).jpg
Họa sĩ Phạm Trung Hưng và triển lãm “Bùi Xuân Phái với Hà Nội”.

Là người tham gia triển lãm, kỹ sư Lê Huy Thanh Hoàng cho biết, xã hội phát triển, phong cách thưởng thức của giới trẻ thay đổi, vì thế nhóm triển lãm đã quyết định sử dụng công nghệ, tạo nét đột phá, cảm nhận ban đầu tốt hơn, dễ gần hơn cho người trải nghiệm. Đặc biệt, triển lãm còn dành không gian trải nghiệm, ứng dụng công nghệ “AI deep learning” trong nhận diện hình ảnh, giúp khách tham quan tương tác với tác phẩm. Hình ảnh của mỗi khách tham quan sẽ được công nghệ “AI deep learning” học theo nét vẽ và phong cách tranh của họa sĩ, tạo ra các hình ảnh phái sinh theo đường nét và phong cách đó...

Thổi luồng gió mới cho di tích

Tiếp nối sự thành công của triển lãm “Bùi Xuân Phái với Hà Nội”, mới đây, nhóm của họa sĩ Phạm Trung Hưng lại tiếp tục cho ra mắt triển lãm “Dấu xưa văn hiến” lần thứ 2 với chủ đề “Soi bóng Thăng Long” tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Triển lãm giới thiệu các tác phẩm sắp đặt về những hình thái của nước gắn với kinh thành Thăng Long xưa. Các tác phẩm trưng bày tại triển lãm đa dạng về phong cách thể hiện, dẫn dắt người xem đến với những câu chuyện về trị thủy, về những người đầu tiên khai phá mở cõi, những trận đánh trong lịch sử dựng nước và giữ nước gắn với các anh hùng dân tộc... Trong đó, tác phẩm 3D mapping của họa sĩ Phạm Trung Hưng về cảnh khai hoang, trồng trọt, cấy hái mang đến ấn tượng thú vị cho công chúng. Người xem như được “vào vai” người nông dân trong các bức tranh để cùng trồng trọt, cấy hái tạo ra những vụ mùa bội thu.

Không chỉ mang lại sự hứng khởi cho công chúng, việc ứng dụng công nghệ 3D mapping còn mang đến cho các bảo tàng, di tích - nơi tổ chức triển lãm - một luồng gió mới. Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám khẳng định, việc ứng dụng công nghệ 3D mapping góp phần đưa Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở thành không gian sáng tạo. “Trong triển lãm “Dấu xưa văn hiến”, công nghệ 3D mapping mang đến cho công chúng những cảm nhận thật đặc biệt. Nếu như trước đây công chúng ngắm nhìn tác phẩm thì giờ đây họ được hòa vào trong tác phẩm, thậm chí là một nhân vật trong tác phẩm. Điều đó làm người xem cảm thấy di sản không còn khô khan mà luôn sinh động, hấp dẫn. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị, nhóm họa sĩ tổ chức nhiều triển

lãm sử dụng công nghệ 3D mapping, để du khách mỗi lần đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám sẽ nhận được những điều mới mẻ, được truyền năng lượng tích cực” - Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu nhấn mạnh.

Sử dụng công nghệ một cách hợp lý

Cũng theo Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu, trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh chuyển đổi số mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực, ngành nghề để bắt kịp với sự phát triển của thế giới, việc ứng dụng công nghệ vào công tác bảo tồn, phát triển và quảng bá những di sản văn hóa quý giá là thức thời và thực sự cần thiết. Việc áp dụng công nghệ 3D mapping tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong thời gian qua, trong đó có những sáng tạo của họa sĩ Phạm Trung Hưng đã đến với Văn Miếu - Quốc Tử Giám với sự tò mò, hào hứng và những cảm xúc mới mẻ. Vì lẽ đó, tôi tin rằng việc ứng dụng công nghệ mới là bước chuyển để nâng tầm giá trị nền văn hóa nước nhà” - Tiến sĩ Lê Xuân Kiêu khẳng định.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cho biết, sự sáng tạo trong hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Ngoài việc tạo ra các trải nghiệm mới, hấp dẫn giúp người tham quan hiểu rõ hơn về lịch sử, văn hóa, di tích thì việc áp dụng kỹ thuật mới trong việc bảo quản hiện vật giúp bảo vệ di sản văn hóa tốt hơn. “Trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, văn hóa càng cần được chú trọng phát triển nhiều hơn để không bị “đi sau” những lĩnh vực khác. Việc áp dụng công nghệ 3D mapping như họa sĩ Phạm Trung Hưng thực hiện vừa qua đã mang lại sức hút cho các bảo tàng, khu di tích, từ đó khuyến khích sự đổi mới trong lĩnh vực văn hóa” - PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận xét.

Là người hoạt động lâu năm trong giới hội họa, họa sĩ Bùi Trọng Dư khẳng định, hồn cốt, dấu ấn phố của Thủ đô trong các tác phẩm của họa sĩ Bùi Xuân Phái đã được khẳng định nhưng chúng ta phải gìn giữ, phát triển theo cách của thời đại mới. “Tôi thấy trong triển lãm “Bùi Xuân Phái với Hà Nội”, họa sĩ Phạm Trung Hưng đã mở ra một con đường mới với các họa sĩ. Ngay cả những người hiểu Bùi Xuân Phái cũng phải ngạc nhiên về một góc tiếp cận khác đối với tranh của ông. Tuy nhiên, công nghệ dù có tốt, có mới, hiện đại đi chăng nữa, chúng ta vẫn phải sử dụng một cách hợp lý, tránh lạm dụng để giữ được vẻ đẹp vốn có của tác phẩm. Mục đích cuối cùng của triển lãm là thu hút đông đảo khán giả, thúc đẩy cảm xúc và hy vọng từ cảm xúc đó, người xem sẽ có đam mê tìm hiểu sâu hơn về di sản văn hóa Việt Nam” - họa sĩ Bùi Trọng Dư bộc bạch.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mở ra hướng tiếp cận mới trong hội họa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.