Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hội chứng “sợ trách nhiệm”!

Nữ Quỳnh| 07/04/2010 06:30

(HNM) - Hôm qua, trên một tờ báo, một vị lãnh đạo của Tập đoàn Than Việt Nam (TKV) đã trả lời về vụ "cướp than" xảy ra vào dịp Tết vừa qua ở Quảng Ninh. Tuy nhiên, ở đây xin không bàn về vụ "cướp" chẳng giống ai này, mà điều đáng nói chính là hai chữ "trách nhiệm" của người quản lý.

Trong bài trả lời phỏng vấn, vị lãnh đạo của TKV nói đại ý rằng các cấp dưới của ông "có lẽ sợ trách nhiệm gì đó nên báo cáo không chuẩn".

Là người sinh ra và lớn lên ở nơi đã xảy ra "vụ cướp hy hữu" ấy nên từ ngày báo chí lên tiếng phanh phui chân tướng vụ việc, người viết bài này (chắc rằng nhiều người khác cũng vậy) rất mong chờ một tiếng nói "có trách nhiệm" từ cơ quan quản lý. Lời nói của vị lãnh đạo nọ biểu hiện sự "thiếu trách nhiệm" mang tính hệ thống? Đó là chưa kể việc chính vị lãnh đạo này khẳng định "trước thời điểm Tết Nguyên đán đã có nhiều thông tin cho thấy khả năng có diễn biến xấu...". Vậy mà sự việc vẫn xảy ra. Biết mà không làm gì được để ngăn chặn thì không những chỉ "thiếu trách nhiệm" mà phải nói đúng hơn là "vô trách nhiệm".

Một cô bé học lớp 10 khi viết bài văn về hai chữ "trách nhiệm", viết rằng: Sống có trách nhiệm là làm tròn nghĩa vụ, bổn phận với xã hội, trường lớp, gia đình và bản thân... dám làm, dám chịu trách nhiệm về những hành động của bản thân". Vậy mà giờ đang có một số cán bộ, công chức, nhà quản lý... - những người có trách nhiệm - lại đang cố tìm cách thoái bỏ trách nhiệm! Ở một số các lĩnh vực, các cơ quan, địa phương hiện nay vẫn đang tồn tại hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, thậm chí thiếu trách nhiệm, gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, thiệt hại cho đất nước. Có những vụ việc (hoặc công việc) mà chỉ do sự thiếu trách nhiệm của người quản lý, thừa hành, khiến cho người dân thiệt hại, xã hội bức xúc. Trước một vụ việc chấn động dư luận, thiệt hại rất lớn về kinh tế như sự việc kể trên, mà người lãnh đạo vẫn nhấn mạnh đến thái độ sợ trách nhiệm như vậy khiến không ít người phải đặt câu hỏi: Trách nhiệm quản lý của lãnh đạo ở đâu? Nếu lãnh đạo ngành nào, cấp nào, địa phương nào cũng như vậy thì hậu quả sẽ ra sao? Có nghĩa là đang diễn ra hội chứng "sợ trách nhiệm" ở các cơ quan, đơn vị.

Trách nhiệm là làm đúng việc dù việc ấy lớn hay nhỏ. Bác Hồ từng dạy người cán bộ cách mạng: Khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy là không có tinh thần trách nhiệm...

Chúng ta có đủ chế tài điều chỉnh hành vi né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm. Chúng ta đã có Luật Cán bộ, công chức. Thậm chí Bộ luật Hình sự cũng có chế tài nhằm điều chỉnh hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ, công chức hoặc người quản lý. Nếu tình trạng thiếu trách nhiệm, né tránh trách nhiệm không được khắc phục triệt để thì sẽ làm giảm lòng tin của nhân dân và hiệu lực quản lý của Nhà nước. Rõ ràng đã đến lúc phải xem xét một cách nghiêm túc ý thức trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm công vụ của cán bộ quản lý, lãnh đạo các cơ quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội chứng “sợ trách nhiệm”!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.