(HNM) - Mấy hôm nghe dự báo thời tiết có lạnh tăng cường, các thành viên trong đoàn công tác của chúng tôi ai nấy cứ thấp thỏm. Hơn 300 chiếc chăn được Công ty Quảng cáo Ngọc Hà mua tặng học sinh Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tà Xi Láng (huyện Trạm Tấu, Yên Bái)
Chênh vênh Tà Xi Láng
Từ Hà Nội, chúng tôi đến với thầy trò Trường Tà Xi Láng lúc 6h sáng khi sương lạnh còn bủa vây giăng những con phố nhỏ. Đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai mới khánh thành giúp chúng tôi đến Yên Bái nhanh hơn. 8h30, có mặt tại TP Yên Bái, những đồng nghiệp ở Báo Yên Bái đã chờ sẵn. Sau cái bắt tay thật chặt, Phó Tổng Biên tập Báo Yên Bái Phí Văn Nam hạ lệnh: "Xuất phát!".
Đại diện Quỹ Trái tim nhân ái - Báo Hànộimới với học sinh Trường THCS Suối Thầu tại buổi tặng quà. |
Con đường lên Tà Xi Láng quả thật gian nan. Xe một cầu của chúng tôi phải để lại ngoài trung tâm huyện Trạm Tấu vì quá yếu, không đủ sức leo dốc núi Tà. Chiếc xe Pajero hai cầu chuyên dụng cho đường miền núi của Báo Yên Bái chở chúng tôi leo dốc, lặc nè rú ga bò qua từng khúc cua tay áo. Những dải đá hộc, đá cuội to như mũ cối lăn lóc giữa đường khiến chiếc xe lúc dựng lên, khi chúi xuống. Nhìn một bên là vách núi đá, một bên là vực sâu hun hút, cô bạn đồng nghiệp đi cùng thi thoảng lại lấy tay bịt mắt. Phó Tổng Biên tập Báo Yên Bái Phí Văn Nam bảo: "Mấy năm nay mới có đường xe ô tô mới bò lên Tà Xi Láng đấy. Nhưng nếu gặp trời mưa, cánh lái xe cứng cũng chẳng dám bò lên đâu!". Rồi ông Phí Văn Nam kể cho chúng tôi về lịch sử con đường vốn được coi là "siêu phẩm" của tuổi trẻ Yên Bái đã tạo ra cách đây 10 năm về trước. Ấy là năm 2004. Ngày đó, muốn lên Tà Xi Láng phải cơm đùm nước lọ cuốc bộ, trèo đá xuyên rừng cả ngày mới đến được trung tâm xã. Nói là đường đi nhưng chỉ đủ người lách, ngựa len, dò dẫm từng bước, chỉ sơ sảy một chút có thể rơi xuống vực mất mạng. Thương dân bản, nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh Yên Bái, lãnh đạo huyện Trạm Tấu muốn làm đường lên Tà Xi Láng lắm, nhưng Yên Bái vốn là tỉnh nghèo, lấy đâu kinh phí. Lãnh đạo tỉnh tổ chức rất nhiều cuộc họp, bàn mãi, cuối cùng đến năm 2004 mới quyết định khởi công bằng việc: Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đặc biệt là đoàn viên thanh niên. Theo lời hiệu triệu của thủ lĩnh Đoàn tỉnh, gần Tết 2004, hơn 6.500 đoàn viên thanh niên của TP Yên Bái, các huyện thị trong tỉnh và Quân khu 2 mang xà beng, cuốc xẻng lên núi trong cái lạnh 30C. Ở nhiều đoạn đường phải lấy dây thừng một đầu thắt quanh lưng, đầu còn lại buộc vào gốc cây để không bị rơi xuống vực. Rồi có đoạn, phải treo người lơ lửng trên cao để cuốc vách hoặc đu người ra vực tìm lỗ khoan đặt mìn phá đá. Hơn 100 thanh niên khỏe mạnh nhất được đưa vào đội hình tiếp phẩm, hằng ngày cõng từng can nước, rau, gạo leo hàng chục cây số phục vụ cho "tiền tuyến". Sức trẻ và quyết tâm đã được đền đáp xứng đáng khi con đường vắt vẻo trên sườn núi, uốn lượn theo núi Tà ra đời như một công trình… không tưởng. Ngay tại công trường năm ấy đã có tới hơn 1.500 bạn trẻ được kết nạp Đoàn và 117 bạn được kết nạp Đảng, nhưng cũng có người vĩnh viễn gửi lại tuổi thanh xuân nơi đây…
Thấm thoắt đã 10 năm, con đường "siêu phẩm" ở vùng núi hiểm trở nhất tỉnh Yên Bái đủ cho xe tải nhỏ chạy lên Tà Xi Láng được hình thành. Ước mơ của hơn 1.700 người Mông sinh sống trên non cao rồi cũng thành hiện thực. Có đường cho ô tô đi rồi, thế nhưng những con dốc, những khúc cua vẫn là thách thức đối với những người muốn lên núi Tà. Thi thoảng, Phó Tổng Biên tập Báo Yên Bái lại nắc nỏm nhắc bác "cán bộ đường lối" tìm điểm bằng phẳng đi chậm để chờ xe của Công ty Ngọc Hà đi phía sau, đề phòng bất trắc.
Phải mất đến gần 2 giờ đồng hồ, chúng tôi mới vượt qua 18km đường núi Tà bằng chiếc xe hai cầu. Vừa thấy chúng tôi, thầy trò Trường Tà Xi Láng đã ùa ra sân trường: "Cháu chào các cô, các chú!". Còn Hiệu trưởng Hoàng Thúy Vân vồn vã: "Em quên không dặn mọi người đừng ăn gì trước khi đi kẻo lại phí dọc đường!". Dù mệt với những con dốc để lên được độ cao hơn 2.000m so với mặt nước biển, nhưng nhìn những gương mặt thơ ngây, lem luốc ánh lên niềm vui đón khách, cái mệt đường xa trong chúng tôi như đã vợi. 162 tấm chăn ấm của Công ty Quảng cáo Ngọc Hà, rồi bột giặt, dầu gội đầu (do Công ty Unilever hỗ trợ), lạc, đường, cá khô (được cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Hànộimới quyên góp cho Quỹ Sen hồng) nhanh chóng chuyển đến thầy trò nhà trường. Đưa chúng tôi đi một vòng thăm trường, Hiệu trưởng Hoàng Thúy Vân cho biết, trường có 265 học sinh thì 112 em có hoàn cảnh khó khăn. Mà không chỉ có học trò, kể cả nhà trường cũng thuộc diện… khó khăn khi không đủ cơ sở vật chất, phải tổ chức cho học sinh cấp I và cấp II học ghép với nhau. Chỗ ngủ không có, các thầy nghĩ ra sáng kiến: Một nửa lớp kê bàn cho các em học, nửa còn lại thì kê giường cho các em ngủ ngay tại lớp. Thế là lớp học của các em trở thành phòng ngủ của các em. Lúc chúng tôi đến thăm lớp, Sùng A Tống, học sinh lớp 9 đang vuốt ve chiếc chăn mới trên giường tầng. Tống cho biết nhà cách trường 7 cây số. Cứ hai tuần một lần, Tống lại đi bộ về thăm nhà và giúp bố mẹ làm nương rẫy. Là con thứ 3 trong số 7 anh chị em, có chị và các em cũng đang đi học và cũng do nhà nghèo nên việc đi học của Tống nhọc nhằn lắm và hoàn toàn nhờ vào chính sách hỗ trợ, từ suất ăn, sách vở đến chỗ ngủ. Nhưng Tống nói, em sẽ cố gắng để mang con chữ về bản, để sau này trở thành thầy giáo.
Đại diện Công ty Quảng cáo Ngọc Hà và Báo Lào Cai tặng quà thầy trò Trường THCS Suối Thầu. |
Chia tay thầy trò Trường Tà Xi Láng, tôi thầm mong cho ước mơ của Tống sẽ thành hiện thực để giúp đồng bào Mông nơi đây vơi bớt khó khăn. Thế rồi bất chợt tôi lại nhớ đến lời của Chủ tịch xã Tà Xi Láng Giàng A Chang: "Ui, không riêng nhà Tống đâu. Tà Xi Láng có 72% hộ nghèo đấy. Được như thế này cũng là Đảng chăm lo nhiều lắm rồi, chứ vài năm trước thì chả mấy nhà có con đi học. Đường lên núi tốt hơn thì có cái chợ chứ giờ vẫn chỉ có đàn ông ở Tà Xi Láng phóng xe máy mỗi tuần một lần xuống núi đi chợ thôi, còn đàn bà không đủ sức đi...".
Xa lắm Suối Thầu
Rời đỉnh núi Tà chênh vênh hiểm trở, chúng tôi tiếp tục hành trình "Chăn ấm cho học sinh vùng cao" đến với thầy trò Trường THCS - Tiểu học - Mầm non Suối Thầu (huyện Sa Pa, Lào Cai). Lên đến Sa Pa đã hơn 11h đêm, cái giá buốt của không khí lạnh tăng cường như ngấm vào từng đồ vật trong căn phòng chúng tôi ngủ lại, tê cóng bàn tay. Đó cũng như để chứng minh lời cô Hoàng Thúy Vân nói với chúng tôi ở bên Tà Xi Láng rằng, nhiệt độ vùng cao chênh lệch ghê gớm lắm. Ban ngày có thể có nắng ấm, nhưng đêm về có thể xuống đến 2-30C.
Khi sương sớm còn phủ mờ thị trấn Sa Pa, các đồng nghiệp Báo Lào Cai đã có mặt đưa chúng tôi lên với Suối Thầu. Con đường dẫn lên Suối Thầu đã dễ đi hơn nhưng cũng chỉ dốc với dốc. Phó Tổng Biên tập Báo Lào Cai Nguyễn Viết Xuyên cho biết, con đường mới được hoàn thành chừng hơn một năm nay. Trước đây, tiếng là chỉ cách thị trấn Sa Pa hơn 50km nhưng phải mất cả ngày mới lên được đến nơi. Đường đi khó khăn, cuộc sống của người dân nơi đây cũng khó khăn. Ngay kể cả nhà trường cũng không có trường lớp riêng mà phải học nhờ Trường Tiểu học xã Suối Thầu mới được đầu tư xây dựng từ tháng 8-2014. Thế nên mỗi lớp học đều treo một tấm biển thuộc loại "có một không hai" như: Lớp 1+6, Lớp 3+8A, Lớp 4+9, Lớp 5+8B… Thầy Hiệu trưởng Phạm Ngọc Quý, năm nay mới 27 tuổi cho biết, anh lên với trường được 6 năm thì có tới 4 năm làm hiệu trưởng. Còn thầy Hiệu phó Đào Văn Công, quê ở Hà Nam là người thứ hai có mặt tại trường, gắn bó với trường ngót 10 năm cũng đã có tới 6 năm làm hiệu phó.
Cũng bởi không mấy thầy, cô giáo lên tận xứ rừng xanh núi thẳm để mang chữ đến cho đồng bào. Mà cũng vì sự xa xôi ấy, chỉ 2 năm gần đây thôi, nhà trường mới chính thức có giáo viên nữ. Cô Lương Thị Huệ cho biết được về trường cuối năm 2012 và cũng là giáo viên nữ thứ 2 của trường. Đến nay, trường cũng đã có 6 giáo viên nữ, nhưng hầu hết mới về được vài tháng nay, khi con đường lên Suối Thầu hoàn thành việc cải tạo.
Kể về những khó khăn của thầy, trò nhà trường, thầy Phạm Ngọc Quý cho biết, năm học mới này, trường có 6 lớp với 175 học sinh, trong đó có 115 em ở bán trú. Từ ngày 15-8-2014, trường có quyết định chuyển sang mô hình Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS, nhưng hiện nay điều kiện dạy học của trường không có gì thay đổi so với năm học trước. Theo quy định, đối với Trường Phổ thông Dân tộc bán trú, các em được học 2 buổi/ngày. Tuy nhiên, vì phải học nhờ trường tiểu học, nên các hoạt động của nhà trường đều tập trung hết vào buổi sáng, chưa kể phòng ở bán trú cho học sinh vẫn còn thiếu nên hai em phải ngủ chung một giường. Cũng như bên Tà Xi Láng, các thầy xếp cho học sinh nữ ngủ tại lớp học, còn học sinh nam chuyển xuống ở cùng với các thầy ở dãy nhà gỗ lúp xúp phía thung lũng, cách trường khoảng 200m. Thầy Phạm Ngọc Quý cho biết, tiếng là nhà bán trú nhưng đã làm lâu rồi, lại nằm chênh vênh bên ta luy suối nên rất nguy hiểm. Có đận mưa to, thầy trò lại dắt díu nhau lên trường trú tạm, chờ mưa tạnh, nước suối rút mới dám về. Cơ sở học tập thiếu thốn, cơ sở ăn ở không đủ cùng biết bao khó khăn vẫn đang đè nặng trên vai thầy trò Trường Suối Thầu. Chúng tôi chỉ biết hy vọng những chiếc chăn gửi đến từ phương xa sẽ tiếp thêm chút hơi ấm giữa mùa đông lạnh giá, giúp thầy trò Trường Suối Thầu vượt qua thách thức trong sự nghiệp dạy và học khi những cánh đào sớm đã khoe sắc trên vùng đất Tây Bắc này.
*
* *
Dự án Chăn ấm cho học sinh vùng cao do Quỹ Trái tim nhân ái - Báo Hànộimới cùng Công ty Quảng cáo Ngọc Hà thực hiện ở Yên Bái và Lào Cai đã để lại nhiều ấn tượng tốt. Trước ngày chăn ấm về với vùng cao, các thành viên của Quỹ Trái tim nhân ái thật tất bật. Phóng viên Tuấn Lương đặc trách theo dõi giao thông đã đôn đáo liên hệ với Tổng cục Đường sắt và Ga Hà Nội để xin miễn phí chuyên chở 300 chiếc chăn. Phóng viên Vũ Dung, cùng các bạn khối văn phòng: Tuyết Mai, Lê Thị Tâm, Kim Huệ đã đôn đáo đi mua thêm thực phẩm: Cá khô, moi biển, lạc, đường, bánh kẹo. Số tiền này trích từ Quỹ Sen hồng kết nối yêu thương - Quỹ của riêng các thành viên Hànộimới với mong muốn các em có thêm chút ít trong mỗi khẩu phần ăn. Tất cả số hàng trên đã được Giám đốc Trung tâm Phát hành Ngọc Bình và phóng viên Hoàng Cường đóng gói ngay ngắn. Thành công này không thể không nhắc tới sự kết nối đầy tinh thần trách nhiệm của các đồng nghiệp ở báo Đảng Yên Bái và Lào Cai. Các bạn đã giúp chúng tôi khảo sát địa bàn, rồi vận chuyển từ ga Yên Bái và Lào Cai đến các điểm trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.