(HNM) - Hà Nội trong những đêm mùa đông rét mướt vẫn còn đâu đó những phận đời, phận người kém may mắn phải lấy đường phố làm nhà. Dù họ chỉ là số ít với những hoàn cảnh rất cá biệt nhưng vẫn luôn nhận được sự quan tâm, sẻ chia, lắng nghe để thấu hiểu và sự hỗ trợ phù hợp từ những trái tim nhân ái trong cộng đồng.
Những nghĩa cử ấm áp
Mùa đông năm nay đến muộn và khá khắc nghiệt khi ngay đầu tháng 12 đã có những đợt rét buốt, nhiệt độ hạ thấp. Dành mối quan tâm đặc biệt với những người lang thang cơ nhỡ, vốn đã khó khăn lại càng thêm khốn khó trong giá rét như thế, Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm đã kêu gọi sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trên tinh thần tất cả cùng chung tay hỗ trợ, giúp người lang thang cơ nhỡ có những ngày đông ấm áp. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm Nguyễn Thị Thanh Yến cho biết, từ nguồn lực hỗ trợ quý báu, hội viên, tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm thận trọng khảo sát các trường hợp cần trợ giúp tại một số địa bàn công cộng, lập danh sách và phát phiếu nhận hàng khá bài bản. Và trong đêm đầu đông giá rét, hàng trăm suất quà gồm quần áo giữ ấm, lương thực, thực phẩm thiết yếu, thuận tiện khi sử dụng đã được Hội Chữ thập đỏ huyện trao tặng cho những người còn khó khăn tại một số địa điểm ở Hà Nội bằng tinh thần sẻ chia, ấm áp.
Bên cạnh nghĩa cử ấm áp của Hội Chữ thập đỏ huyện Gia Lâm, nhiều đơn vị, tổ chức khác cũng đã hỗ trợ kịp thời những người có hoàn cảnh khó khăn trong đợt thời tiết khắc nghiệt này. Nhóm thiện nguyện “Ấm” ra đời năm 2013 từ sự khởi xướng của nữ sinh Nguyễn Hoàng Thảo và các bạn thân. Ban đầu, nhóm tự quyên góp quần áo, đồ ăn rồi mang đến các vỉa hè, gầm cầu tặng cho những người khốn khó. Gặp những cảnh đời bất hạnh, Thảo sử dụng trang Facebook kêu gọi ủng hộ quần áo, thực phẩm rộng rãi hơn để làm thiện nguyện. Sau này, do đi du học, Thảo thực hiện quản lý từ xa, trao việc điều hành nhóm với hơn 30 thành viên cho Vũ Trung Anh (sinh năm 1992, quận Tây Hồ). Trên trang mạng xã hội của nhóm, Trung Anh tiếp tục đứng ra kêu gọi, tiếp nhận quyên góp nhu yếu phẩm, hạn chế nhận tiền.
Và đã thành thông lệ suốt 9 năm qua, vào mỗi đêm thứ bảy hằng tuần, nhóm thiện nguyện “Ấm” đều đặn tổ chức lịch trình phát quà trên cung đường các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và Long Biên trong khung giờ từ 21h30 đến 23h30 với sự tham gia của 8-10 tình nguyện viên. “Số người lang thang cơ nhỡ trong mùa đông năm nay giảm rất nhiều do phần lớn đã được thành phố quan tâm, động viên vào ở những trung tâm bảo trợ xã hội sau những đợt dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong năm 2021. Những người còn lại không hẳn là không có nhà nhưng vì nhiều lý do, hoàn cảnh đặc biệt nên đêm đến, họ vẫn chọn mỗi góc vỉa hè, ghế đá làm nơi tá túc”, Trung Anh kể.
Cụ Đ. ở quận Đống Đa có con gái mắc bệnh nặng, còn người con trai vào tù ra tội. Một người đàn ông ngoại tỉnh sống bằng việc nhặt rác ở quận Cầu Giấy, mỗi tháng ngoài gửi tiền về cho gia đình, số còn lại không đủ thuê phòng trọ giá 1,2 triệu đồng/tháng. Một người phụ nữ vốn ở chung cư bị chồng đuổi ra khỏi nhà, sống ở chiếu nghỉ tòa nhà hay một vài người phụ nữ lớn tuổi khác sống ở gầm cầu… đều được nhóm tìm hiểu kỹ và có những hỗ trợ đều đặn.
Cũng trong 9 năm qua, đồng hành bền bỉ cùng người có hoàn cảnh khó khăn trên đường phố Hà Nội còn có “Hội từ thiện đêm” với hàng nghìn thành viên, tình nguyện viên do chàng trai sinh năm 1992 Trần Minh Quân (quận Đống Đa) sáng lập. Mỗi đêm thứ ba hằng tuần, nhóm của Quân tuyển chọn từ 20 đến 30 bạn trẻ cùng đi tặng chăn, quần áo ấm hay những nhu yếu phẩm cho người lang thang cơ nhỡ tại 4 quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng. Nguyên tắc hoạt động của nhóm là tuyệt đối không tặng tiền. Gặp người có hoàn cảnh đặc biệt, nhóm sẽ có phương án giúp đỡ như hỗ trợ khám sức khỏe, giúp sửa hay tặng phương tiện đi lại... thay vì đưa tiền mặt.
“Dù những đêm hè nóng bức hay đêm đông mưa phùn gió rét, các thành viên của Hội vẫn cần mẫn lui tới, quan tâm chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn và người già neo đơn. Nhiều người có tuổi tâm sự hằng ngày đi ngủ sớm, nhưng đến thứ ba là thành thói quen, chờ các cháu qua nói chuyện. Cũng có người dù giá rét vẫn khoác thêm áo, đi cùng nhóm trong hành trình tặng quà cho người khác. Phần quà nhận được đôi khi họ vẫn san sẻ cho nhau. Dần dần chúng mình không chỉ là một nhóm từ thiện nữa mà thân thiết với họ như con cháu trong gia đình”, Quân xúc động kể.
Và từ những chuyến đi như thế, các bạn trẻ như Minh Quân, Trung Anh đều không chỉ dừng lại ở những món quà mà còn có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực hơn.
Trao thêm những điều tốt đẹp
“Tặng quà không phải là mục đích cuối cùng bởi hội không muốn người vô gia cư quá phụ thuộc vào món quà của các nhà hảo tâm trao tặng để rồi quên đi việc bản thân phải tự nỗ lực giúp cuộc sống của mình tốt hơn.
Đối với chúng mình, món quà chỉ là cầu nối để mọi người có thể ngồi lại, giãi bày những chất chứa trong lòng không biết tâm sự cùng ai. Có đi mới biết, những người lang thang cơ nhỡ chưa hẳn đã thiếu thốn về vật chất mà quan trọng hơn, họ thiếu những sẻ chia về mặt tinh thần. Họ cũng có những mảnh đời riêng, những câu chuyện riêng cần được ai đó lắng nghe và đồng cảm”, Minh Quân chia sẻ.
Từ sự lắng nghe và thấu hiểu ấy, nhóm đã giúp đỡ, hỗ trợ một số người thuê phòng trọ giá rẻ, có công ăn việc làm. Trưởng “Hội từ thiện đêm” Trần Minh Quân kể, ông T. là người vô gia cư nhóm đã tiếp xúc trong thời gian dài. Trong năm 2021, khi ông tâm sự muốn xin việc làm để có thể tự lo cho bản thân, thoát cảnh “màn trời chiếu đất”, hội đã tìm giúp ông công việc bảo vệ tại một quán cà phê. Ông còn được tạo điều kiện ăn nghỉ lại quán vào buổi tối để tiết kiệm chi phí nhà trọ.
Tương tự, gần đây “Ấm” cũng đã giúp một người vô gia cư có việc làm ổn định. Được hỗ trợ cấp vốn đi bán hàng, người này đã có thu nhập từ 100.000 đến 200.000 đồng/ngày. Nhờ đó, nhóm không còn phải trợ cấp thường xuyên mà chuyển phần hỗ trợ sang người khác.
Dự án tìm phòng trọ có mức giá hợp lý cho người vô gia cư cũng là mối quan tâm của hai nhóm. Nhờ tích cực tìm kiếm và nhận được sự sẻ chia của nhiều chủ nhà trọ, những căn phòng ấm cúng có giá khoảng 1 triệu đồng/tháng đã đem lại niềm vui, hạnh phúc cho những người vốn đã quen với giá rét đường phố. Tiền thuê trọ được những người làm thiện nguyện hỗ trợ một phần.
Khi lượng người lang thang cơ nhỡ trong thành phố ngày một ít đi, những tổ chức, nhóm, hội hoạt động thiện nguyện dần bớt việc trong hạnh phúc. Họ chuyển hướng sang hoạt động khác với những hỗ trợ thiết thực, hiệu quả hơn. Nhưng ngày nào, nơi gầm cầu, dưới hiên nhà hay ngoài ghế đá mỗi góc phố khuất..., đêm về vẫn còn phận người co ro trong giá rét thì vẫn luôn có sự sẻ chia từ những trái tim ấm áp, hết lòng tương trợ nhau trong hoạn nạn, khó khăn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.