(HNM) - Tiếp sau vụ lãnh đạo cấp sở tại một tỉnh trung du mặc dù không biết tiếng Anh cũng được cấp bằng
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển như vũ bão của công nghệ thông tin thì những trang thông tin, quảng bá của các cơ sở giáo dục - đào tạo nước ngoài đua nhau xuất hiện trên internet, có thể nói là "như nấm mọc sau mưa". Thực tế rất khó có thể thống kê hết những trang web, những dòng quảng cáo của các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) và sau ĐH, các trường phổ thông trung học, thậm chí cả tiểu học và mầm non, của quốc tế và mang danh "quốc tế", đang hiện diện trên internet. Và tình trạng này đã ít nhiều thúc đẩy tâm lý "sính bằng cấp ngoại" trong một bộ phận người Việt Nam.
Không thể phủ nhận rằng, trong số những cơ sở giáo dục quốc tế có không ít trường thực sự có chất lượng cao, có uy tín, thương hiệu đã được các cơ quan thẩm định chất lượng giáo dục - đào tạo của quốc tế công nhận. Và đã có không ít cán bộ, công chức, viên chức, thậm chí nhân viên bình thường, của các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp… ở nước ta, sau khi được đào tạo tại các cơ sở giáo dục quốc tế đó, đã khẳng định được năng lực chuyên môn thực tế, trở thành người có ích cho cơ quan và cho xã hội. Tuy nhiên, trong những cơ sở giáo dục quốc tế quảng bá trên internet cũng có nhiều trường ĐH "dỏm". Phần lớn các trường này đều là trường "ĐH trực tuyến", được xem là "các lò sản xuất văn bằng", chỉ cần bỏ ra vài trăm "đô" cũng có thể mua được bằng tiến sỹ của một trường ĐH nào đấy ở Mỹ. Quả thật là mua bằng dễ như đi chợ mua rau! Đã nhiều lần Viện Nghiên cứu giáo dục quốc tế Hoa Kỳ (IIE) - tổ chức có uy tín trong việc hợp tác giáo dục giữa Việt Nam và Mỹ - lên tiếng cảnh báo về các cơ sở giáo dục "dỏm" này (đồng thời cảnh báo về tình trạng mua bán bằng cấp tại Việt Nam). Thế nhưng, không hiểu bằng con đường nào đó mà các cơ sở đào tạo "dỏm" nói trên vẫn "thò vòi" được vào Việt Nam để hợp tác, liên kết với các trường ĐH và các cơ sở giáo dục đào tạo ở nước ta…
Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống hiếu học. Lịch sử từ ngàn đời đã ghi nhận những tấm gương hiếu học. Bia tiến sỹ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là minh chứng rõ nhất cho truyền thống quý giá đó, đồng thời là minh chứng thuyết phục nhất về sự tôn vinh của cộng đồng, của đất nước và dân tộc với những tấm gương hiếu học. Tuy nhiên, như trên đã nói, do tâm lý sính ngoại, nhất là những kẽ hở trong quản lý, nên một số người đã phải "ngậm đắng nuốt cay", "tiền mất tật mang" bởi không ít trường ĐH "dỏm", hoặc tìm mọi giá để có bằng cấp ngoại nào đó mà chính mình không đủ năng lực để có nó một cách minh bạch. Đáng buồn hơn là một số vị cán bộ mong muốn có bằng cấp để thăng tiến nhưng lại không chịu học hành nghiêm chỉnh.
Một địa phương hay một cơ quan, đơn vị, nói rộng ra là cả một cộng đồng, một đất nước, muốn phát triển bền vững không thể dựa vào những người thiếu hụt năng lực và chất xám nhưng lại được che giấu bằng những bằng cấp "dỏm". Do vậy, các cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp quyết liệt chấm dứt tình trạng “bát nháo” trong việc liên kết đào tạo nói chung và tình trạng mua bán bằng cấp - đặc biệt là khi trong đội ngũ cán bộ, hiện vẫn còn có người thích tự khẳng định mình bằng thứ học vị giả với nhân cách giả.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.