(HNM) - Khách tới thăm Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (số 21 phố Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng) những ngày này có thể cảm nhận không gian như tươi mát, sạch sẽ hơn, với rất nhiều cây, hoa được trồng trong khuôn viên trường.
Dù là ngôi trường chuyên biệt có tổ chức học hòa nhập, gồm cả học sinh sáng mắt và học sinh khiếm thị, nhưng các em đã làm lan tỏa nhiều phong trào bảo vệ môi trường có ý nghĩa.
Cô giáo Lương Thu Hòa, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ: Ý tưởng triển khai các phong trào bảo vệ môi trường đã được nhen nhóm cách đây 2 năm, tới tháng 10-2019, ý tưởng ấy mới có cơ hội thành hiện thực. Theo đó, vào ngày 18-10, nhà trường tổ chức cuộc thi trình diễn thời trang mang thông điệp bảo vệ môi trường “Vứt đi cẩn thận”. Toàn bộ trang phục đều được làm từ các sản phẩm tái chế, như giấy báo cũ, ni lông, đồ nhựa, cỏ, cây, hoa, lá... Điều đáng chú ý là cả “nhà thiết kế” và “người mẫu” đều là học sinh, trong đó có cả học sinh khiếm thị.
Nhận trọng trách là người dẫn chương trình, Vũ Thị Hải Anh, học sinh khiếm thị lớp 9A1 cho biết: “Đó là một vinh dự, nhưng cũng là một trọng trách lớn với em để làm sao lan tỏa, truyền được cảm hứng về việc bảo vệ môi trường cho 1.700 học sinh toàn trường, trong đó có gần 200 bạn khiếm thị. Những gì thể hiện ở chương trình chỉ là một phần nhỏ, trách nhiệm của chúng em trong thời gian tiếp theo là bản thân phải gương mẫu và trở thành những tuyên truyền viên bảo vệ môi trường tại trường, ở gia đình và cộng đồng bằng những việc cụ thể, như hạn chế sử dụng túi ni lông, chai nhựa; có ý thức thu gom và phân loại rác...”.
Sự kiện truyền thông đã khép lại, nhưng mở ra nhiều ý tưởng mới với cô và trò của ngôi trường đặc biệt này. Để khích lệ, động viên học sinh tích cực tham gia và duy trì ý thức bảo vệ môi trường, Ban Giám hiệu, các thầy, cô giáo của trường đã nảy ra sáng kiến dành tặng quà cho những học sinh tích cực. Toàn bộ giấy báo, đồ nhựa... mà học sinh thu gom sẽ được bán, lấy tiền mua phần quà là các mầm cây, giỏ hoa, bình nước thủy tinh, túi vải, ống hút làm bằng tre... Những học sinh tích cực trong việc thu gom rác thải, chăm chút cây xanh, giữ gìn vệ sinh trường, lớp học và các khu nội trú sẽ được Ban Giám hiệu nhà trường biểu dương, tặng quà vào cuối mỗi tuần.
Ngô Minh Anh, học sinh lớp 8A3 chia sẻ: "Em rất háo hức với phong trào này. Sau mỗi giờ học, em và nhiều bạn cùng lớp đều ở lại làm vệ sinh lớp, thu gom và phân loại rác để cuối tuần có thể được tặng thêm những giỏ cây. Việc này không chỉ giúp lớp học thêm sạch sẽ mà chúng em còn được nhận những phần quà ý nghĩa".
Ngay từ những ngày đầu nhập học, những học sinh khiếm thị ở nội trú không chỉ được hướng dẫn, hỗ trợ việc tự chăm sóc bản thân mà còn được nhắc nhở về ý thức vệ sinh nơi ở. Nhà trường đã phát động phong trào mỗi buổi sáng, mỗi học sinh dành một phút để nhặt rác, dọn vệ sinh. Việc sử dụng rác thải nhựa, bìa, giấy để tái chế thành đồ trang trí, vật dụng hằng ngày cũng đã trở thành thói quen của cô và trò nơi đây.
“Sự kiện truyền thông về bảo vệ môi trường với thông điệp “Vứt đi cẩn thận” do chính học sinh khiếm thị tham gia, chủ trì không chỉ là dịp để các em bày tỏ mong muốn về việc được sống trong một môi trường trong lành, mà còn khơi dậy, làm lan tỏa ý thức trách nhiệm của mỗi học sinh Thủ đô trong việc đóng góp thêm những ý tưởng tích cực để bảo vệ môi trường”, cô giáo Phạm Thị Kim Nga, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Còn em Phạm Tú Hoa, học sinh lớp 8A1 thể hiện quyết tâm: "Khi cùng bạn tìm hiểu về tác hại của ni lông, đồ nhựa dùng một lần đối với môi trường, em đã nhắc mẹ không dùng túi ni lông để đi chợ nữa mà thay bằng túi vải. Bản thân em cũng đã sử dụng chai thủy tinh để đựng nước, thay vì dùng chai nhựa như trước. Em mong muốn với sự chung tay của các bạn, sức mạnh của phong trào bảo vệ môi trường sẽ lan tỏa tới nhiều trường học trên địa bàn Thủ đô".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.