Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoạt động kinh doanh game online tại Việt Nam: Lúng túng trong quản lý

Việt Nga| 14/04/2014 06:50

(HNM) - Trong tháng 3-2014, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) phối hợp với cơ quan công an thanh tra đột xuất trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã phát hiện việc một số DN trong nước

Quản lý kinh doanh game online vẫn là bài toán khó đối với cơ quan chức năng.


Cụ thể, Công ty TNHH Afoo (có trụ sở tại đường Cộng Hòa, phường 13, quận Tân Bình - TP Hồ Chí Minh) phát hành game trái phép cho một công ty Trung Quốc tại Việt Nam là Lemon Game. Ở thời điểm từ tháng 9-2012 đến tháng 5-2013 Công ty Afoo do một người Việt là Lê Ngọc Anh Tuệ làm giám đốc, còn hiện tại do Yang Zhuo quốc tịch Trung Quốc là giám đốc - cũng là người đại diện của Công ty Lemon Game. Công ty Afoo cũng có hợp đồng thuê máy chủ với Công ty Viễn thông FPT. Thông tin ban đầu được biết, Giám đốc Lê Ngọc Anh Tuệ cho rằng mình chỉ là "bù nhìn" vì các giấy tờ, con dấu của công ty do Yang Zhuo quản lý, trực tiếp điều hành và không thừa nhận mình trực tiếp ký hợp đồng thuê máy chủ mà khẳng định đó là chữ ký giả. Tại Hà Nội, cơ quan chức năng đã phát hiện Công ty Koramgame (Trung Quốc) thỏa thuận với Nguyễn Nam Tiến thành lập 3 DN (trong đó Tiến trực tiếp làm giám đốc 2 DN) gồm: Công ty CP Truyền thông và công nghệ 3G, trụ sở tại ngõ Gốc Đề, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng; Công ty CP Mạng xã hội di động Việt Nam (Vinamoney) địa chỉ tại phố Vương Thừa Vũ, quận Thanh Xuân) và Công ty CP 36 Asia để phát hành game online "lậu" cho Koramgame vào thị trường trong nước. Nguyễn Nam Tiến là người trực tiếp ký các hợp đồng thuê máy chủ VDC, FPT và thực hiện các giao dịch khác.

Như vậy có thể thấy, thông qua các công ty Việt Nam (đứng tên thuê máy chủ, thực hiện đối soát doanh thu), hai DN Trung Quốc Lemon Game và Koramgame đã cung cấp game online trái phép vào Việt Nam. Các công ty Trung Quốc trả lợi nhuận cho phía công ty của Việt Nam 20-22% doanh thu. Theo công bố của Thanh tra bộ, chỉ riêng Công ty CP Truyền thông và công nghệ 3G (do Nguyễn Nam Tiến làm giám đốc) từ tháng 5-2013 đến tháng 2-2014 đã thanh toán qua cổng thanh toán điện tử trực tuyến của một đơn vị thuộc VNPT với số tiền khoảng 3 tỷ đồng. Như vậy, được phía đối tác kinh doanh game "lậu" Trung Quốc trả lợi nhuận cao, nên một số người đã bất chấp để tiếp tay cho vi phạm pháp luật.

Trên đây chỉ là hai vụ việc được phát hiện và cơ quan chức năng cũng chưa thể thống kê có bao nhiêu game trái phép đang hoạt động "chui" của hai DN Trung Quốc, bao nhiêu game "lậu" khác tại Việt Nam trốn thuế, gây thất thu cho Nhà nước và thiệt hại cho các DN trong nước kinh doanh loại hình này.

Trở lại với hoạt động kinh doanh game online trong nước. Thời điểm năm 2010, trước sức ép từ dư luận xã hội về các vụ án nổi cộm, tệ nạn xã hội có nguyên nhân bắt nguồn từ người phạm tội chơi game online, Bộ TT-TT đã tạm thời dừng cấp phép kinh doanh với dịch vụ này. Mặt trái của quyết định này là làm cho các DN kinh doanh, phát hành game lớn trong nước (FPT, VDC, VTC, VNG-Vinagame) gặp khó khăn, thua lỗ, hoặc nếu vẫn phát hành game không phép thì vi phạm pháp luật; còn các DN phát hành "chui" cho game nước ngoài thì lại có điều kiện kiếm bộn tiền. Cũng tại hội thảo về game online do Bộ TT-TT tổ chức vào tháng 9-2013, các chuyên gia, nhà quản lý đã kiến nghị Bộ sớm cấp phép với dịch vụ này để tạo điều kiện cho DN kinh doanh game trong nước hoạt động thuận lợi. Một văn bản quan trọng là Nghị định 72 của Chính phủ về quản lý, cung cấp dịch vụ internet và thông tin trên mạng có hiệu lực từ ngày 1-9-2013 trong đó có phần quy định về game online được hy vọng sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng cho hoạt động của các DN kinh doanh, phát hành game online… Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 72 và như vậy trong thời gian này DN game trong nước vẫn chưa được "cởi trói" và kéo theo nhiều hệ lụy xung quanh nội dung game. Từ hai vụ vi phạm game ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh như kể trên cho thấy, đã đến lúc cần có yêu cầu DN cung cấp dịch vụ internet khi chấp nhận cho một đơn vị đặt máy chủ trên hệ thống thì phải biết máy chủ ấy có giấy phép hay không. Mặt khác, cơ quan quản lý cũng cần sớm có quy định về thanh toán điện tử để ngăn chặn việc kinh doanh game "lậu"… Chỉ khi thực hiện đồng bộ các giải pháp thì thanh tra mới không dừng lại ở việc "ném đá ao bèo". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động kinh doanh game online tại Việt Nam: Lúng túng trong quản lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.