(HNM) - Trong 3 tháng cuối năm 2019, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã cấp 75 giấy phép cho các đơn vị thi công lát lại vỉa hè, dải phân cách, lắp đặt đường dây cáp đi nổi, hạ ngầm cáp viễn thông trên các tuyến phố. Tuy nhiên, việc thi công kéo dài, vật liệu phế thải không thu dọn kịp đã gây ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông... Trước tình hình đó, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội vừa yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn trả mặt đường trước ngày 14-1. Còn người dân thì từng ngày trông ngóng...
Đến hẹn, lại... đào đường
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới từ ngày 2-1 đến 4-1, trên hàng loạt tuyến đường, phố: Trần Khánh Dư, Nguyễn Thái Học, Ngô Thì Nhậm, Kim Mã, Thái Hà..., vỉa hè, lòng đường bị cày xới. Ngã tư Thái Hà - Tây Sơn - Chùa Bộc - Nguyễn Lương Bằng; đoạn số nhà 15-25 Trần Khánh Dư; số 85-115 Nguyễn Thái Học... chật ních xe cộ qua lại, ai nấy đều đưa tay bịt mũi, nhăn mặt vượt qua đoạn đường gồ ghề, bụi mù mịt.
Tại phố Trần Xuân Soạn, nhiều cửa hàng phải đóng cửa dù đang vào vụ kinh doanh Tết. Chị Nguyễn Thu Hoan, bán hàng ở phố Trần Xuân Soạn cho biết, 10 ngày nay, toàn bộ gạch lát cũ được bóc gỡ, thay thế bằng loại đá xanh, bụi bay mù mịt, việc thi công lại rất chậm chạp nên chị và nhiều hộ kinh doanh buộc phải nghỉ bán hàng. Tại phố Nguyễn Thái Học, đoạn từ ngã ba giáp phố Văn Miếu đến ngã ba Nguyễn Thái Học - Hoàng Diệu, mặt đường cũng bị cày xới nham nhở để thảm lại; đoạn đầu ngõ Thanh Miến (giáp phố Văn Miếu) bị xới tung để khơi thông hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, việc hoàn trả mặt đường, vỉa hè làm qua loa khiến đoạn đường và góc vỉa hè như "tấm áo vá".
Đã nửa tháng nay, dọc số nhà từ 71 đến 201 phố Thái Hà dài khoảng 2km bị lật tung, ngổn ngang đất, cát, máy trộn bê tông cỡ nhỏ. Trước cửa hàng thời trang số 73 phố Thái Hà, một nhóm công nhân đang miệt mài xẻ đá giữa "làn sương bụi". Dưới lòng đường, một tổ công nhân đang đổ vật liệu xây dựng thi công rãnh thoát nước. Ông Nguyễn Đình Tùng, nhân viên bảo vệ cửa hàng bày tỏ: "Việc lát đá lại khiến vỉa hè khang trang hơn, nhưng lẽ ra đơn vị thi công nên làm gọn gàng từng đoạn đường chứ không nên "bày" dọc cả tuyến phố như thế này".
Ông Nguyễn Đức Giang, Phó Giám đốc Ban Quản lý duy tu các công trình hạ tầng giao thông (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) cho biết, vào dịp cuối năm, đơn vị ưu tiên duy tu những tuyến đường, dự án trọng điểm. Thời gian thi công bắt đầu từ 22h tối đến 5h sáng hôm sau. Song, thời điểm 22-23h tối nhiều tuyến phố vẫn đông người qua lại, và 4-5h sáng đã xuất hiện nhiều phương tiện giao thông khiến tiến độ làm việc của công nhân bị chậm lại. Hơn nữa, trạm cấp vật liệu thảm đường ở xa trung tâm (cách 20-30km), mà thời gian lưu hành hạn chế (từ 21h đến 6h sáng) cũng ảnh hưởng đến việc tập kết nguyên vật liệu. Các đơn vị thiếu máy cào bóc mặt đường; nhiều hố ga, cống thoát nước lại cao hoặc thấp hơn mặt đường nên công nhân phải sửa chữa rồi mới tiến hành duy tu làm tiến độ thi công chậm chạp, chưa kể có khi công nhân đang trải thảm thì trời mưa nên buộc phải dừng.
Cần biện pháp mạnh
Theo ông Nguyễn Đức Giang, dù có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng việc duy tu các tuyến đường phải hoàn thành theo đúng tiến độ quy định. Do đó, đơn vị đã yêu cầu các nhà thầu huy động 200% nhân lực và tăng cường thiết bị, máy móc để rút ngắn thời gian duy tu, sửa chữa hè, đường trên địa bàn thành phố.
Bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Công trình giao thông Hà Nội cho biết, công ty tăng cường tuần tra giao thông nhằm phát hiện sớm các sự cố, sửa chữa kịp thời hư hỏng của các tuyến đường, phối hợp với Thanh tra giao thông, xử lý nghiêm việc chậm hoàn trả. UBND các quận, huyện cũng chỉ đạo các đơn vị giám sát tiến độ thi công. Đơn cử như quận Ba Đình, theo ông Bùi Thanh Bình, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận, UBND quận yêu cầu UBND 14 phường trên địa bàn phải phối hợp kiểm tra chất lượng hoàn trả hè, đường, kịp thời xử lý khi xảy ra sự cố.
Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn thông tin thêm, Sở đã có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị đôn đốc chủ đầu tư tập trung đẩy nhanh tiến độ, khẩn trương hoàn trả mặt đường đúng kế hoạch, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đồng thời, kết hợp với Sở Xây dựng, các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm như: Đình chỉ thi công, thu hồi giấy phép các trường hợp sai phạm, vi phạm. Trong năm 2019, Thanh tra giao thông đã xử lý hành chính 252 trường hợp vi phạm, phạt tiền 1,5 tỷ đồng.
"Sở vừa có công văn yêu cầu các đơn vị thi công công trình đào đường, lát lại vỉa hè khẩn trương hoàn trả mặt đường trước ngày 14-1-2020, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Sở cũng sẽ xem xét việc cấp phép thi công công trình tiếp theo trên cơ sở chất lượng công trình đã thi công trước cùng với việc tuân thủ quy định về việc xin ý kiến các cơ quan liên quan ở bước lập, phê duyệt dự án", ông Ngô Mạnh Tuấn cho biết.
Có thể xem đây là một biện pháp mạnh nhằm xử lý những đơn vị thi công thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm. Một giải pháp khác đang được Sở Giao thông - Vận tải tính tới là yêu cầu nhà thầu thi công đào hè, đường phải nộp bảo lãnh bảo hành của hạng mục hoàn trả hè, đường trong hồ sơ xin cấp phép và chỉ được rút tiền bảo lãnh khi có xác nhận hết bảo hành của các đơn vị chức năng.
Tuy nhiên, về lâu dài, các cơ quan chức năng cần có phương án xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Đặc biệt, các đơn vị cấp, thoát nước, điện lực, cáp quang... cần phối hợp chặt chẽ để có kế hoạch trung và dài hạn để cải tạo, nâng cấp, đầu tư mới... một cách đồng bộ, tránh việc đào đường, vỉa hè nhiều lần gây lãng phí, dồn việc vào cuối năm làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.