Theo dõi Báo Hànộimới trên

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: Người dân tương tác tích cực với nghệ thuật công cộng

Hà An| 22/05/2021 15:07

(HNMCT) - Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn - Giám tuyển nghệ thuật, giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam - là người nhiều năm theo đuổi các dự án nghệ thuật công cộng, đánh thức những không gian sống. Những chia sẻ dưới đây của họa sĩ Nguyễn Thế Sơn với độc giả Hànộimới Cuối tuần cũng nhằm làm rõ hơn chủ đề này.

- Nghệ thuật công cộng có phải là điều gì đó cao siêu, trừu tượng hay chính là sự thăng hoa từ nhu cầu đời sống của người dân, quay trở lại phục vụ chính đời sống tinh thần, cải thiện môi trường sống của họ, thưa nghệ sĩ?

- Nghệ thuật công cộng chắc chắn không phải là cái gì đó cao siêu, nó xuất hiện trong thời kỳ đầu tiên chính là từ đường phố với những nhu cầu giải tỏa bức xúc của tiếng nói ở dưới đáy, bên lề xã hội qua nghệ thuật graffity. Rồi đi cùng sự phát triển của nghệ thuật đương đại với những đặc tính ngẫu hứng tương tác với ngữ cảnh địa hình, dần dần nghệ thuật công cộng trở thành một đặc tính, thậm chí thành điểm nhấn của một thành phố.

Phải nói, trong một thời gian rất dài, nghệ thuật thường chỉ là khái niệm dành cho giới quý tộc và thượng lưu. Chỉ từ khi nghệ thuật hiện đại và nghệ thuật đương đại phát triển xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật cao cấp và nghệ thuật bình dân thì chính quyền và người dân các thành phố bắt đầu nhận ra sức mạnh và sức hút của nghệ thuật công cộng. Đó là, nghệ thuật công cộng phản ánh chính tâm hồn của cộng đồng cư dân thành phố đó, thêm sức hút với các nguồn lực du lịch, kinh tế, góp phần quan trọng vào ngành công nghiệp sáng tạo của một thành phố, tạo ra giá trị gia tăng cho cộng đồng.

- Gần gũi nhưng không dễ dãi, nghệ thuật phải đạt và mang giá trị thẩm mỹ, thưa nghệ sĩ?

- Nghệ thuật về cơ bản luôn xuất phát từ đời sống, nhưng nó chỉ lấy cảm hứng từ đời sống mà không phải là bê nguyên đời sống vào nghệ thuật. Nó giống như một thứ “ảo ảnh” từ cuộc sống được tạo ra bởi sự sáng tạo của nghệ sĩ. Và, cũng như mọi loại hình nghệ thuật khác, nó cũng có những thang bậc của mức độ sáng tạo tùy vào sự chuyên nghiệp của nghệ sĩ tham gia cũng như của tổ chức và người giám tuyển dự án, khả năng tác động xã hội của tác phẩm.

Chính vì vậy, để đảm bảo chất lượng cho các dự án nghệ thuật công cộng thì chính quyền thành phố thường mời những nghệ sĩ có danh tiếng và kinh nghiệm hoặc những giám tuyển có uy tín thực hiện. Nhiều thành phố có quy định khá rõ ràng về khu vực được tự do vẽ hay thể hiện thoải mái như ở những khu ngoại ô, bờ rào đường hầm, tường nhà máy bỏ hoang... Kể cả những khu vực của tư nhân thì cũng không được vẽ nếu chưa được sự đồng ý của chủ nhà. Thậm chí người vẽ sẽ bị phạt tiền và ngồi tù nếu bị coi là phá hoại không gian của tư nhân hay không gian công cộng nếu chưa được cho phép. Vì vậy, những tác phẩm nghệ thuật công cộng sẽ cần những nghệ sĩ có kinh nghiệm xử lý kỹ thuật để đảm bảo chất lượng cho tác phẩm ngoài trời, đặc biệt là có ý tưởng tốt để tương tác tối đa với ngữ cảnh, địa hình cũng như với cộng đồng sinh sống xung quanh.

- Vậy, trong môi trường giáo dục đại học, lĩnh vực này đã được đề cập như thế nào để đào tạo được những nghệ sĩ có khả năng “đọc” và “tạo nghĩa” thêm cho không gian sống của người dân bằng nghệ thuật?

- Khả năng “đọc” và “tạo nghĩa” thêm cho không gian thực chất là một kỹ năng quan trọng trong thực hành nghệ thuật đương đại, trong khi câu chuyện đào tạo theo hướng này ở môi trường giáo dục nghệ thuật bậc Đại học của Việt Nam còn là một khoảng trống. Phần lớn các trường mỹ thuật mới chỉ quan tâm tới những chuyên ngành mỹ thuật truyền thống. Ở một số trường kiến trúc thì có đề cập đến vấn đề này trong một số chuyên ngành về thiết kế cảnh quan hay quy hoạch đô thị, nhưng cũng không chuyên sâu về khả năng sáng tạo tác phẩm nghệ thuật công cộng...

Tư duy thực hành mỹ thuật đương đại hướng tới sự phá bỏ về những khuôn mẫu về chất liệu cũng như phương hướng tạo hình, đồng thời đề cao khả năng nghiên cứu, điều tra, phát hiện và ứng biến với ngữ cảnh, không gian đặt tác phẩm. Chính vì vậy, chỉ khi việc đẩy mạnh chương trình giáo dục mỹ thuật đương đại trong trường mỹ thuật thì chúng ta mới có khả năng cởi bỏ tư duy trang trí minh họa đơn thuần trong các “làng bích họa” mọc lên như nấm gần đây. Cùng với đó là chính thức hóa việc đào tạo chương trình giám tuyển; chú trọng nâng cao trình độ thẩm mỹ cho mọi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ thông qua các chương trình giảng dạy kiến thức phổ cập về nghệ thuật đương đại, nghệ thuật công cộng ở các cấp học. Khi đó, những dự án nghệ thuật công cộng ở Việt Nam mới bớt tính tự phát và dễ dãi.

- Qua hoạt động sáng tạo thực tế, ông nhận định thế nào về khả năng cộng hưởng của người nghệ sĩ và tác phẩm của họ với cộng đồng ở Hà Nội trong thời gian gần đây?

- Sau 2 dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng và Phúc Tân được thực hiện trong mấy năm qua, theo tôi, chưa có dự án nghệ thuật công cộng nào khác có quy mô được diễn ra. Ngoại trừ nhóm Think Play ground (nghĩ về sân chơi cho trẻ nhỏ) có kết hợp với nhóm nghệ sĩ tiếp tục câu chuyện tạo sân chơi mới cho trẻ em ở những khu vực thiếu không gian sinh hoạt ý nghĩa này.

Một dự án sân chơi ngay tại khu vực Phúc Tân cũng vừa được hoàn thành với một bức tường “hoa quả” tương tác với công việc buôn bán hoa quả ở chợ đầu mối Long Biên, một sân chơi cho trẻ nhỏ ít nhiều mang đến sức sống tươi mới cho khu vực này. Dự án trên cũng thực sự nối dài sự thành công của mô hình nghệ thuật công cộng Phúc Tân. Ngoài ra, ngay sau Tết vừa rồi, chúng tôi đã cố gắng tổ chức một buổi trình diễn thời trang Chula của nhà thiết kế thời trang Diego tại Phúc Tân. Buổi trình diễn với sự tham gia của chính người dân Phúc Tân cùng những người mẫu chuyên nghiệp đã mang lại những cảm xúc đáng nhớ cho bà con trong xóm cũng như cho du khách quốc tế. Tiếp đó, nhóm Think play ground cũng hợp tác với nghệ sĩ Ưu Đàm xây dựng sân chơi “Nỏ thần” tại Đông Anh, mang đến cho trẻ em và người lớn cảm hứng về lịch sử của vùng đất này.

- Và sự thay đổi của người dân đã diễn ra cụ thể như thế nào sau mỗi dự án, đặc biệt là với những người ít có điều kiện thụ hưởng nghệ thuật?

- Người dân mọi lứa tuổi ở những khu vực có những dự án nghệ thuật công cộng diễn ra đều có những tương tác hết sức tích cực. Các dự án khiến cho cuộc sống của họ có thêm màu sắc. Thói quen vệ sinh môi trường, trồng cây, trồng hoa cũng dần được hình thành, tạo nên sự thay đổi lớn về cảnh quan và chất lượng sống. Cùng với các tác phẩm, đèn chiếu sáng ở những khu vực này cũng được thắp hằng đêm, tạo nếp sinh hoạt mới cho người dân. Trẻ em vui chơi, người già đi dạo, thanh niên chơi thể thao dưới ánh sáng của những tác phẩm nghệ thuật, đó là hình ảnh hoàn toàn mới từ sau khi những dự án như Phùng Hưng, Phúc Tân hay sân chơi “Nỏ thần” được thực hiện. Những hình ảnh thực sự xúc động với nghệ sĩ chúng tôi!

- Hẳn là ông và các cộng sự, học trò của mình sẽ có những dự án mới trong lĩnh vực này?

- Tôi và các cộng sự, học trò của mình đã, đang xây dựng một số dự án nghệ thuật công cộng ở quận Ba Đình, quận Tây Hồ và huyện Đông Anh. Tuy nhiên, các dự án đều mới đang trên bản vẽ do thiếu yếu tố quan trọng nhất, đó là kinh phí tối thiểu cho vật liệu và nhân công. Các nghệ sĩ đều tham gia trên tinh thần tự nguyện đóng góp công sức, tuy nhiên, cơ chế chính sách cũng như khả năng huy động kinh phí tối thiểu từ các đơn vị tài trợ của địa phương còn gặp khó khăn.

Câu chuyện về cơ chế chính sách liên quan tới những dự án nghệ thuật công cộng là vấn đề lớn, cần sớm được giải quyết thì mới mong khơi thông nguồn lực cho những dự án nghệ thuật làm đẹp cho cộng đồng. Hiện tại, tôi và nhóm nghệ sĩ đang trưng bày các tác phẩm nghệ thuật công cộng trong không gian tư nhân của một trung tâm khoa học quốc tế tại Quy Nhơn (ICISE), mở cửa miễn phí cho người xem trong suốt 4 tháng. Đây cũng là một dự án nghệ thuật nhằm đánh thức và kết nối nghệ thuật với khoa học cũng như thiên nhiên và con người. Thời gian sắp tới, nếu thuận lợi chúng tôi sẽ tiếp tục làm dự án nghệ thuật công cộng tại thành phố Hội An.

- Chân thành cảm ơn những chia sẻ của ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: Người dân tương tác tích cực với nghệ thuật công cộng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.