Là một bộ phận không thể thiếu trong đời sống đô thị hiện đại, không gian nghệ thuật công cộng đã góp phần quan trọng trong việc tạo dựng phong cách, gia tăng sức hấp dẫn cho đô thị.
Trong thực tế, tuy là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, nhưng Hà Nội đang sở hữu số lượng không gian nghệ thuật công cộng khá khiêm tốn, điều đó đặt ra yêu cầu rất lớn về việc tìm ra giải pháp để khai thác hiệu quả các không gian nghệ thuật, đưa những nơi này thành điểm hội tụ văn hóa, góp phần định hình bản sắc đô thị.
Góp cho Hà Nội một diện mạo mới
Không gian nghệ thuật công cộng không phải là điều gì xa lạ. Đặc biệt, so với các địa phương khác, người Hà Nội xưa nay luôn có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tiếp cận cũng như thụ hưởng giá trị mà nghệ thuật công cộng đem lại. Đó có thể là phố bích họa, con đường gốm sứ, lễ hội đường phố, các hoạt động âm nhạc ngoài trời hay những tượng đài, công trình mỹ thuật, phù điêu tại các vườn hoa, công viên…
Gần đây, có thể thấy những tín hiệu đáng mừng về sự chuyển biến liên quan tới không gian nghệ thuật công cộng khi mô hình này có sự phát triển cả về loại hình, quy mô và không gian. Năm 2020, khi không gian nghệ thuật công cộng Phúc Tân (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) hoàn thành, mừng nhất có lẽ là người dân nơi đây. Từ một bãi dài khoảng 500m cạnh bờ vở sông Hồng luôn ngập trong đồ phế thải, nhờ nghệ thuật, nơi đây đã trở thành một không gian sinh hoạt cộng đồng đa chức năng, sạch sẽ.
Tương tự, từ những vòm cầu nham nhở phủ rêu mốc, phố bích họa Phùng Hưng đã được hình thành, đem lại bầu sinh khí mới cho khu vực này. Dưới bàn tay sáng tạo của các nhà thiết kế, các bức bích họa về không gian kiến trúc Hà Nội xưa như Bách hóa Tổng hợp, hình ảnh những người phụ nữ gánh hàng hoa, tàu điện, món quà ngày Tết... đã được tái hiện sinh động, làm nổi bật nét xưa Hà Nội và làm thay đổi diện mạo của một khu phố...
Nhiều tác phẩm nghệ thuật không chỉ làm đẹp thêm không gian công cộng, mà còn góp phần thổi vào đó sức sống mới, được Thành phố và người dân ghi nhận. Có thể kể đến: Con đường gốm sứ ven sông Hồng, dự án nghệ thuật công cộng trên cầu đi bộ Trần Nhật Duật, các dự án sân chơi trong thành phố của Think Playgrounds, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, phố đi bộ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), phố đi bộ Trịnh Công Sơn...
Không ít nghệ sĩ từng chia sẻ, những dự án làm đẹp cảnh quan và góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa cộng đồng đã làm cho các không gian vốn chật hẹp, ngột ngạt ở khu vực trung tâm thành phố có được sức sống mới.
Chưa đáp ứng đủ nhu cầu
Cùng với sự mở rộng về diện tích đô thị, phát triển các khu đô thị mới và sự gia tăng nhanh chóng về dân số, Hà Nội ngày càng cần có thêm không gian nghệ thuật công cộng xứng tầm. Tuy nhiên, mô hình này chưa có được sự phát triển như mong muốn. Theo họa sĩ Lê Đăng Ninh, thành viên dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân, chúng ta chưa có được quy hoạch đồng bộ nên trong thực tế, sự phát triển còn mang tính tự phát, có nơi tập trung nhiều không gian nghệ thuật công cộng trong khi ở nơi khác, cả một vùng rộng lớn thiếu sự hiện diện của mô hình này. Mặt khác, cần lưu ý rằng tại khu vực trung tâm thành phố, do các công trình kiến trúc đã định hình, rất khó để mở rộng hoặc điều chỉnh, thiết kế hình thái không gian mới thực sự phù hợp với yêu cầu của một không gian sinh hoạt cộng đồng đúng nghĩa…
Bên cạnh đó, hiện nay, thiết kế không gian nghệ thuật công cộng còn đơn điệu, chưa rõ bản sắc. Những không gian lớn, như không gian đi bộ quanh hồ Gươm, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục... may mắn kế thừa sản phẩm quy hoạch cũ từ thời Pháp thuộc, chưa rõ sự sáng tạo trong giai đoạn sau này. Hơn nữa, tại Hà Nội, theo TS mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế, các thiết kế không gian công cộng như công viên, vườn hoa... hiện cho cảm giác về việc những không gian này cùng khoác “đồng phục”. Nhẽ ra, các thiết kế liên quan tới khu phố cổ, khu trung tâm văn hóa... cần rõ nét riêng, độc đáo.
Có một nguyên nhân nữa khiến không gian nghệ thuật chưa thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, đó là việc chúng ta chưa tận dụng thật tốt một số không gian tiềm năng. Ai cũng biết Hà Nội có nhiều công viên, quảng trường đẹp, không gian rộng rãi và gắn với câu chuyện lịch sử hoặc văn hóa. Đó là những nơi phù hợp để hình thành không gian nghệ thuật công cộng. Theo họa sĩ Lê Đăng Ninh, với một số quảng trường, chúng ta chưa khai thác thật tốt công năng của chúng. Việc coi quảng trường chỉ như một sân trống, hoặc nếu có quan tâm thiết kế thì cũng chỉ thêm vào đó tượng đài, vườn hoa... là một thiếu sót về ý đồ tạo dựng sự đa dạng cho không gian nghệ thuật công cộng.
Tạo dựng bản sắc đô thị
TS.KTS Lê Phước Anh (Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội) từng ví dụ một cách hình ảnh: “Nếu coi đô thị là một ngôi nhà thì không gian công cộng chính là phòng khách của ngôi nhà đó. Bởi thế, nó phải được coi là bộ mặt chủ đạo của đô thị”.
Nhắc lại sự so sánh nói trên để thấy rõ hơn về vai trò, tầm quan trọng của không gian nghệ thuật công cộng trong việc truyền tải giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, tạo dựng bản sắc đô thị. Và để diện mạo đô thị có được phong cách riêng, quá trình kiến tạo không gian nghệ thuật công cộng không thể xa rời đặc điểm nơi chốn, không thể bỏ qua sự chung tay tham góp của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, các nhà thiết kế và cả cộng đồng.
Bên cạnh đó, theo họa sĩ Lê Đăng Ninh, hiện tại, nhiều không gian nghệ thuật ở Hà Nội hình thành nhờ sáng kiến cá nhân, tâm huyết của những nhóm nhỏ. Những nỗ lực cá nhân hoặc một nhóm nhỏ không đủ để tạo thành không gian "ra tấm ra món", khiến một số không gian sáng tạo ở Hà Nội chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn. Để truyền cảm hứng cho giới sáng tạo, giúp các không gian sáng tạo phát triển, Thành phố cần có cơ chế tạo nguồn hỗ trợ việc nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình mới. Bên cạnh đó, việc hình thành một quỹ hỗ trợ sáng tạo cũng có thể giúp các nhà đầu tư tư nhân, các quỹ đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp chung sức cùng chính quyền Thủ đô phát triển các không gian nghệ thuật công cộng.
Không gian nghệ thuật công cộng lấy con người làm trung tâm. TS.KTS Lê Phước Anh khẳng định, dù là không gian nào thì cũng phải đảm bảo được khả năng tiếp cận tự do của tất cả mọi người.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn thì cho rằng, không gian nghệ thuật công cộng chỉ hình thành và hoàn thành tốt sứ mệnh của chúng khi có sự đồng thuận của người dân. Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân có được thành công là nhờ sự tham gia của người dân ngay từ khi nhà sáng tạo chia sẻ ý tưởng, thực hiện dự án cho tới khi cộng đồng thực sự trở thành đối tượng thụ hưởng thành quả”.
Còn với KTS Chu Kim Đức, đồng sáng lập “Think Playgrounds”, một không gian nghệ thuật công cộng chỉ được coi là hiệu quả khi người dân tại đó trở thành một phần của không gian ấy. Chị chia sẻ: “Chúng tôi không thể quên hình ảnh người dân kê ghế ra ngoài cửa ngồi xem, cổ vũ chúng tôi. Dần dà, họ hiểu được giá trị mà không gian nghệ thuật công cộng đem lại cho mình, từ đó chủ động tham gia giúp đỡ, gìn giữ không gian đó”.
Hà Nội đang cần thêm nhiều không gian nghệ thuật công cộng để tạo điểm nhấn, tô điểm bản sắc, tăng sức hấp dẫn cho Thủ đô. Chúng ta có lực lượng KTS, nghệ sĩ, cộng đồng sáng tạo đông đảo; đã và sẽ tổ chức nhiều cuộc thi, dự án, nghiên cứu khoa học cải tạo không gian nghệ thuật. Đó là cơ sở để hy vọng rằng mô hình không gian nghệ thuật công cộng tại Hà Nội sẽ có sự khởi sắc trong tương lai. Và chắc chắn mục tiêu sẽ đạt được nếu tất cả cùng có cái nhìn đúng về vai trò, tầm quan trọng của các không gian nghệ thuật công cộng trong sự phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch và đời sống tinh thần của cộng đồng, cũng như tương lai phát triển của Thủ đô nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.