Đô thị

Khai thác hiệu quả các không gian nghệ thuật công cộng: KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Cần những tiêu chí cụ thể, chuẩn mực

Khánh Linh (thực hiện) 09/01/2025 - 06:19

Không chỉ giữ vai trò tạo điểm nhấn, không gian nghệ thuật công cộng còn là cầu nối giữa nghệ thuật và đời sống, giúp Hà Nội trở thành một thành phố giàu bản sắc và đầy cảm hứng.

Trước số lượng không gian nghệ thuật công cộng hiện được cho là ít ỏi, Hà Nội cần có giải pháp gì để những không gian này ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, góp phần tạo lập bản sắc đô thị? Hànộimới Cuối tuần có cuộc trao đổi với KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, về vấn đề này.

638710671537485937-kts-pham-thanh-tung-1733625813.jpg
Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam.

- Thưa KTS Phạm Thanh Tùng, ông đánh giá như thế nào về vai trò của nghệ thuật công cộng trong không gian đô thị hiện nay?

- Không gian nghệ thuật công cộng có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển công nghiệp văn hóa, đặc biệt là khi Hà Nội đã trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Không gian nghệ thuật công cộng, bản thân nó đã thể hiện được tính chất của thành phố sáng tạo. Mặt khác, không gian nghệ thuật công cộng còn là yếu tố cốt lõi trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo dựng bản sắc văn hóa và thúc đẩy sự kết nối trong cộng đồng. Không gian nghệ thuật công cộng còn có khả năng trở thành điểm đến thu hút du khách, góp phần phát triển kinh tế thông qua việc thúc đẩy du lịch và các dịch vụ liên quan... Đặc biệt, không gian nghệ thuật công cộng còn đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi diện mạo đô thị, hình thành nên không gian thẩm mỹ với những đặc điểm riêng.

- Vậy theo ông, số lượng và mô hình hoạt động của không gian nghệ thuật công cộng hiện nay tại Hà Nội đã tương xứng với vai trò của nó hay chưa?

- Theo tôi, với một thành phố có gần 10 triệu dân như Hà Nội, số lượng không gian nghệ thuật công cộng như hiện tại quả thực còn khiêm tốn. Mặt khác, những không gian nghệ thuật công cộng hiện tại chủ yếu đang gắn với mục đích trang trí đô thị, phục vụ cho các sự kiện của thành phố thay vì là không gian để thử nghiệm sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa hằng ngày của người dân. Các triển lãm ngoài trời, các lễ hội sáng tạo được tổ chức trong những năm gần đây là ý tưởng rất hay, nhưng tiếc là những không gian ấy chỉ mang tính kỳ cuộc chứ không tồn tại lâu.

Bên cạnh đó, nhiều không gian nghệ thuật công cộng đang tập trung vào các chủ đề quen thuộc liên quan tới văn hóa truyền thống, di sản, hoặc lịch sử. Những mảng miếng này tuy giàu ý nghĩa nhưng dễ lặp lại. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến các không gian nghệ thuật công cộng tại Hà Nội hiện nay chưa thể hiện được nét riêng.

- Không gian nghệ thuật công cộng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, theo ông, điều này có nguyên nhân từ đâu?

- Tôi cho rằng vai trò của chính quyền là rất quan trọng. Hiện tại, quy hoạch đô thị thường ưu tiên cơ sở hạ tầng giao thông, nhà ở và dịch vụ công cộng hơn là phát triển các không gian nghệ thuật. Nghệ thuật công cộng chưa được coi là ưu tiên trong phân bổ ngân sách địa phương. Các doanh nghiệp thường ngại đầu tư vào nghệ thuật công cộng, vì lợi ích kinh tế chưa rõ ràng và cũng vì chúng ta còn thiếu cơ chế khuyến khích xứng đáng đối với họ, như giảm thuế…

Đặc biệt, cần lưu ý rằng tạo ra không gian nghệ thuật công cộng đã khó nhưng công việc “nuôi dưỡng” còn khó hơn. Với đặc thù là không gian chung, các không gian nghệ thuật công cộng chịu tác động của thời tiết, môi trường, con người... Thực tế cho thấy, nhiều không gian nghệ thuật công cộng hiện chỉ "sống" được 3 - 4 năm, sau đó chịu xuống cấp ở những mức độ khác nhau. Xuất hiện những điều đáng tiếc đó là bởi chúng ta còn thiếu quy chế về thực hành nghệ thuật công cộng, đi kèm với đó là cơ chế quản lý, bảo vệ vẫn chưa có.

- Không gian nghệ thuật công cộng đang có sự lặp lại, phải chăng chúng ta chưa có một tiêu chí chuẩn, thưa ông?

- Đúng là chúng ta chưa có một tiêu chí cụ thể dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong thiết kế, triển khai và quản lý các không gian này. Tôi cho rằng trong thời gian tới, chúng ta cần đưa ra những tiêu chí cụ thể, chuẩn mực để các không gian nghệ thuật công cộng vừa đảm bảo tính nghệ thuật, đa dạng về phong cách nhưng vẫn phù hợp với không gian đô thị. Đặc biệt, những không gian này phải phù hợp với văn hóa Việt, tham gia và kể câu chuyện của lịch sử phát triển của thành phố này. Bởi đã là không gian nghệ thuật trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội thì phải hướng vào mục tiêu truyền tải bản sắc văn hóa của đất kinh kỳ, điều này cũng khiến diện mạo đô thị có được bản sắc. Việc quy hoạch, thiết kế đô thị, trong đó có không gian nghệ thuật công cộng cần có sự tham gia của các nhà chuyên môn về kiến trúc, mỹ thuật; sự kết hợp đó phải có ngay từ khâu hoạch định kế hoạch, từ khi hình thành ý tưởng ban đầu cho đến nghiên cứu cụ thể từng khu vực.

- Theo ông trong thời gian tới, Hà Nội cần có những giải pháp gì để phát huy hơn nữa vai trò của các không gian nghệ thuật công cộng?

- Vì là không gian công cộng nên vai trò tham gia của chính quyền cần phải được coi trọng. Khi có sự tham gia của chính quyền, các không gian này sẽ được quy hoạch, định hướng phát triển, tạo cơ chế chính sách hỗ trợ, thúc đẩy quá trình giáo dục và quảng bá nghệ thuật... Có được điều này thì các không gian nghệ thuật công cộng sẽ góp phần thiết thực làm giàu đời sống văn hóa tinh thần của người dân, xây dựng hình ảnh Thủ đô hiện đại, năng động nhưng vẫn đậm đà bản sắc truyền thống.

Tôi nhận thấy rằng, tại Hà Nội còn nhiều không gian bị để hoang đã nhiều năm; không gian dưới các cây cầu lớn, những khu đất trống lâu dần trở thành bãi tập kết rác... Đó là chưa kể nhiều khu vực quanh các hồ lớn có không gian thoáng đãng, thu hút đông đảo người dân và khách du lịch, rất phù hợp để xây dựng các tác phẩm nghệ thuật công cộng, hình thành khu vực trình diễn nghệ thuật... Tôi cũng từng đặt câu hỏi, là tại sao công viên không trở thành không gian nghệ thuật công cộng trong khi với diện tích rộng lớn như thế, những công viên này có thể trở thành không gian nghệ thuật công cộng quy mô lớn, nơi tổ chức các triển lãm ngoài trời, khu vực đi bộ với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, giải trí thú vị...

Tôi cũng đánh giá cao công tác tuyên truyền để thu hút sự quan tâm và tham gia của cộng đồng. Điều này không chỉ giúp nâng cao nhận thức của người dân, mà còn góp phần lan tỏa giá trị văn hóa và nghệ thuật. Chúng ta có thể tích hợp nhiệm vụ giáo dục và tuyên truyền, đưa nội dung về nghệ thuật công cộng vào chương trình học ở các nhà trường nhằm giáo dục thế hệ trẻ về giá trị của không gian văn hóa, nghệ thuật công cộng; tổ chức các buổi tham quan, học ngoại khóa tại các không gian nghệ thuật công cộng để khuyến khích học sinh, sinh viên tiếp cận với nghệ thuật.

Đặc biệt, những không gian nghệ thuật công cộng này phải khiến những người dân sống trong không gian đó trở thành một phần của nó. Để làm được điều đó, khi bắt đầu ý tưởng sáng tạo một không gian nghệ thuật công cộng, nghệ sĩ và nhà sáng tạo cần biết rõ rằng họ đang sáng tác cho ai. Nếu sáng tác cho cộng đồng dân cư thì phải đối thoại với họ để nắm rõ mong muốn, tâm tư, để những tác phẩm trong không gian ấy trở nên gần gũi, dễ tương tác với công chúng. Công chúng rất công bằng, khi yêu thích, họ sẽ có ý thức gắn kết, bảo vệ và tham gia phát triển không gian nghệ thuật đó.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai thác hiệu quả các không gian nghệ thuật công cộng: KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam: Cần những tiêu chí cụ thể, chuẩn mực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.