(HNM) - Đã hơn 4 tháng kể từ khi Mỹ khởi động đại kế hoạch hòa bình Trung Đông, hay còn gọi là “Thỏa thuận thế kỷ”, tình hình tại khu vực này vẫn vô cùng phức tạp. Mối quan hệ bế tắc giữa Israel và Palestine không những chưa thể tìm ra lối thoát mà còn có nguy cơ mâu thuẫn nghiêm trọng hơn. Điều này càng trở nên rõ ràng khi mới đây Tel Aviv thông qua kế hoạch xây dựng hơn 2.000 ngôi nhà mới ở những khu định cư tại Bờ Tây, nâng tổng số nhà định cư được xây dựng trong năm nay tại đây lên 8.300 căn, tăng 50% so với năm 2018.
Theo tổ chức chuyên giám sát hoạt động xây dựng các khu định cư của Israel, 59% số nhà mới sẽ được dựng lên ở những nơi mà người Israel có thể sẽ phải rời đi theo một thỏa thuận hòa bình trong tương lai với người Palestine. Trong số này có 182 ngôi nhà sẽ được xây ở Mevoot Yericho vừa được Chính phủ Israel hợp pháp hóa thành một khu định cư chính thức trước khi diễn ra cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 9 vừa qua.
Đứng trước khả năng căng thẳng sẽ tiếp tục diễn biến theo hướng tiêu cực, ngày 4-11, Liên minh châu Âu (EU) đã chỉ trích động thái của Israel. Trong nội dung thông báo đưa ra, EU nhắc lại lập trường lâu nay rằng mọi hoạt động định cư trên vùng đất Israel chiếm đóng của Palestine là bất hợp pháp và làm suy yếu giải pháp hai nhà nước cũng như triển vọng về một nền hòa bình lâu dài tại khu vực. Trước đó, cộng đồng quốc tế cũng lên án kế hoạch định cư của người Do Thái tại những khu vực này là trái với luật pháp quốc tế và cản trở tiến trình đàm phán nhằm giải quyết cuộc xung đột kéo dài hơn nửa thế kỷ qua giữa Israel và Palestine.
Từ trước tới nay, các khu định cư luôn là một vấn đề nhức nhối khi Israel cho rằng người Palestine đang tận dụng sự kiện này như cái cớ để tránh các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp. Tuy nhiên, phía Palestine bác bỏ và khẳng định sự hiện diện của các khu định cư của người Do Thái trong lãnh thổ của họ là nhằm cản trở kế hoạch xây dựng một quốc gia Palestine độc lập trong tương lai. Vì thế, việc Tel Aviv mở rộng các khu nhà ở cho người Do Thái luôn vấp phải sự phản đối dữ dội từ phía Palestine, đồng thời cũng là một nguyên nhân thổi bùng các cuộc biểu tình và bạo động trong nhiều thập kỷ qua. Tình hình ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền và quyết định chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv về Jerusalem. Động thái bị quốc tế phản đối mạnh mẽ này đã “mở đường” cho Israel đẩy mạnh các hoạt động xây dựng tại vùng lãnh thổ chiếm đóng. Theo thống kê, hiện có khoảng 700.000 người Israel đang sinh sống tại những vùng đất bất hợp pháp.
Trong khi đó, các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc và Sáng kiến hòa bình Arab năm 2002 đều hướng tới giải pháp thành lập hai nhà nước và đưa đường biên giới giữa Israel và Palestine về đúng thực trạng trước năm 1967. Cách đây ít ngày, tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, các quốc gia Arab đã ra tuyên bố khẳng định một nền hòa bình toàn diện và lâu dài tại khu vực không thể đạt được nếu không giải quyết vấn đề Palestine và không trao cho người Palestine các quyền dân tộc cơ bản như các dân tộc khác và thành lập một nhà nước độc lập theo đường biên giới trước năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô. Tuy nhiên, quan điểm này lại không được Mỹ ủng hộ. Kế hoạch hòa bình mới mà chính quyền Tổng thống D.Trump vừa đưa ra cho phép Israel giữ lại tất cả các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây. Đây được cho là sự hậu thuẫn lớn thúc đẩy Tel Aviv tiếp tục theo đuổi tham vọng mở rộng vùng chiếm đóng.
Theo các nhà phân tích, một bản kế hoạch không dựa trên sự cân bằng về lợi ích cho các bên mà chỉ nhằm phục vụ toan tính của Mỹ và Israel đương nhiên không thể tạo ra đột phá mà chỉ tiếp tục đẩy Trung Đông vốn đã rối ren càng lún sâu thêm vào khủng hoảng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.