(HNMO) - Đến năm 2025, hình thành mạng lưới các Không gian hỗ trợ thanh niên Thủ đô khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trên địa bàn thành phố; kết nối với các không gian trong và ngoài nước trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia; trở thành địa chỉ uy tín về ươm tạo, hỗ trợ, kết nối cho các ý tưởng sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp của thanh niên… là những yêu cầu trong Quyết định số 3358/QĐ-UBND ngày 15-9-2022 về phê duyệt Đề án “Hình thành mạng lưới Không gian hỗ trợ thanh niên Thủ đô khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.
Đề án trên nhằm cụ thể hóa Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025”.
Theo Đề án, giai đoạn 2022-2025, mỗi năm, xây dựng, vận hành ít nhất 1 Không gian hỗ trợ thanh niên Thủ đô khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cấp thành phố; vận động hình thành và vận hành 20 Không gian cấp cơ sở. Mạng lưới thu hút 5.000-6.000 thành viên là thanh niên, sinh viên tham gia hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Toàn thành phố phấn đấu đến hết năm 2025, mạng lưới sẽ hỗ trợ phát triển khoảng 1.500 dự án khởi nghiệp lập nghiệp. Trong đó có 300 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được thương mại hóa sản phẩm; ít nhất 100 dự án gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 300 tỷ đồng.
Hằng năm, tổ chức ít nhất 7 khóa tư vấn hoặc đào tạo chuyên sâu dành cho các đối tượng tham gia Đề án về các nội dung: Quyền sở hữu trí tuệ; thương mại hóa công nghệ; ươm tạo công nghệ; sáng tạo và khởi nghiệp; khởi nghiệp tinh gọn... và 2 hội thảo chuyên đề về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, chuyển đổi số.
Hằng năm, Không gian hỗ trợ kết nối ký thỏa thuận hợp tác ghi nhớ với tối thiểu 10 tổ chức nước ngoài trong việc hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp tại Việt Nam. Phấn đấu hằng năm, đào tạo, nâng cao kỹ năng, cung cấp 50-100 nhân sự cho các Không gian tại cơ sở.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, UBND thành phố yêu cầu thực hiện thường xuyên, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm trong thực hiện Đề án. Giám đốc các sở, ban, ngành, các đơn vị thuộc thành phố; chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã; hiệu trưởng (giám đốc) các trường đại học, học viện, cao đẳng trên địa bàn thành phố, đặc biệt là Thành đoàn Hà Nội triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành tốt các nội dung của Đề án và tạo nền tảng, có tính kế thừa cho việc tiếp tục phát triển ở giai đoạn sau…
Bên cạnh đó, bám sát mục tiêu, chỉ tiêu, yêu cầu và các nhóm giải pháp trọng tâm của Đề án và thực tế của địa phương, đơn vị, xác định rõ nội dung, nhiệm vụ trọng tâm và lộ trình cụ thể để làm cơ sở cho các cấp tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.