Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Quỳnh Anh| 16/02/2016 07:08

(HNM) - Mỗi năm Hà Nội dành 2-3 tỷ đồng trong Chương trình mục tiêu quốc gia dạy nghề và giải quyết việc làm để dạy nghề miễn phí cho 300-500 người khuyết tật (NKT) có nhu cầu và có khả năng học nghề.

Dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật đang rất cần sự phối hợp của nhiều cấp, ngành, đoàn thể và toàn xã hội.


Nhiều NKT đã có nghề phù hợp khả năng và tìm được việc làm với mức thu nhập ổn định để nuôi sống bản thân, tự tin hòa nhập đời sống xã hội.

Có việc làm, thêm lạc quan

Năm 12 tuổi, anh Hà Văn Thắng (huyện Thanh Oai, Hà Nội) bị sốt cao gây biến chứng liệt hai chân. Từ đó, cuộc sống của anh Thắng gắn liền với chiếc xe lăn. Không muốn trở thành gánh nặng của gia đình, anh đã xin vào học nghề may ở cơ sở gần nhà. Sau khi tốt nghiệp, anh Thắng nộp đơn xin việc ở một số doanh nghiệp. Thế nhưng thấy anh bị khuyết tật, nhiều doanh nghiệp đã từ chối khéo với đủ lý do. Những lần thất bại ấy khiến anh chán nản, thất vọng và ngày càng sống khép mình. Sau nhờ có sự giới thiệu, giúp đỡ, anh được vào làm ở xưởng may của một cựu chiến binh. "Ở đây, tuy mức lương không cao nhưng tôi rất vui vì có việc làm, tự nuôi sống được bản thân" - Anh Thắng cho biết.

Cũng giống hoàn cảnh anh Thắng, chị Lê Hoài Thu (quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị câm điếc bẩm sinh. Mặc dù có tay nghề thêu tranh nhưng chật vật mãi chị vẫn chưa tìm được việc làm ổn định. Sau nhiều lần bị từ chối, chị đành mở quán trà đá ở đầu ngõ kiếm sống qua ngày. Tuy nhiên, từ lúc có con, cuộc sống của chị thêm túng quẫn. Giữa lúc chị và đứa con nhỏ không biết bấu víu vào đâu thì được Trung tâm Dạy nghề từ thiện Quỳnh Hoa nhận vào làm việc. Thu nhập từ nghề thêu tranh ở trung tâm không nhiều nhưng giúp cuộc sống của hai mẹ con bớt phần thiếu thốn. Quan trọng hơn, công việc giúp chị thêm lạc quan, nỗ lực vươn lên trước nghịch cảnh.

Nhiều chính sách "tiếp sức"

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho thấy, toàn thành phố có 97.392 NKT, trong đó: 20.273NKT còn khả năng lao động; 11.717 NKT chưa có việc làm; 5.065 NKT có nhu cầu học nghề; 7.700 NKT có nhu cầu tìm việc làm.

Bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội NKT TP Hà Nội cho biết, NKT luôn muốn có nghề, có việc làm để tự nuôi sống bản thân. Tuy nhiên, họ gặp rất nhiều khó khăn trong "hành trình" học nghề, tìm việc. Không ít NKT sau nhiều lần đi xin việc thất bại đành ở nhà sống dựa vào gia đình hoặc "tự lo thân" bằng cách bán bánh mì, vé số, sửa xe… Chính vì vậy, thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều chính sách hỗ trợ NKT học nghề và tìm kiếm việc làm. Đơn cử, thành phố đã ban hành Quyết định 4101/QĐ-UBND phê duyệt mức chi phí dạy nghề trình độ sơ cấp nghề cho NKT.

Theo đó, NKT khi tham gia học nghề may công nghiệp, kỹ thuật chế biến món ăn, điêu khắc gỗ, sơn mài, khảm trai, mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng, mây tre đan, tin học văn phòng sẽ được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại (tiền ăn mức 15.000 đồng/ngày thực học/người; tiền đi lại mức 200.000đồng/người/khóa học). Năm 2015, thành phố tiếp tục ban hành Quyết định 5137/QĐ-UBND hỗ trợ người khiếm thị học nghề trình độ sơ cấp, trong đó quy định người khiếm thị học nghề tẩm quất được hỗ trợ 3.898.000đồng/người/khóa. Đặc biệt, nhằm hỗ trợ NKT phát huy khả năng của mình, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 161/KH-UBND thực hiện Đề án trợ giúp NKT thành phố giai đoạn 2013-2020. Sau 3 năm triển khai (2013-2015), đề án đã có gần 1.200 NKT được dạy nghề với tổng kinh phí khoảng 5 tỷ đồng.

Hội Bảo trợ người tàn tật và Trẻ mồ côi TP Hà Nội, Hội NKT Hà Nội, Trung tâm Vì ngày mai, Hội NKT các quận, huyện, thị xã đã tổ chức dạy nghề cho gần 900 NKT. Trong đó, rất nhiều học viên sau khóa học đã tìm được việc làm với mức thu nhập ổn định. Theo bà Dương Thị Vân, thông qua các lớp dạy nghề, NKT có kiến thức, kỹ năng làm việc, được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, có việc làm, có thu nhập và góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT vẫn còn nhiều khó khăn do thành phố phải tự cân đối nguồn kinh phí dạy nghề, trong khi đó nguồn huy động từ các nhà hảo tâm, tổ chức xã hội lại chưa đáp ứng được nhu cầu. Mặt khác, trên địa bàn thành phố chưa có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dành riêng cho NKT. Đồng thời, NKT chủ yếu học các nghề truyền thống, ít có cơ hội học các nghề mang tính khoa học, kỹ thuật, nếu học cũng khó tìm được việc làm… Thực tế cho thấy, vấn đề dạy nghề, tạo việc làm cho NKT đang rất cần sự chung tay của nhiều cấp, ngành, đoàn thể và toàn xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.