(HNM) - Sau đợt phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 2, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số nghệ nhân được vinh danh.
Nghệ nhân múa rối Phạm Công Bằng (huyện Mỹ Đức). Ảnh: Bá Hoạt |
Tiếp lửa cho tình yêu di sản
Đã hơn một tuần kể từ sự kiện thành phố Hà Nội tổ chức lễ trao tặng danh hiệu vinh dự nhà nước Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (ngày 17-5), nghệ nhân hò cửa đình Lương Tất Tố ở huyện Phú Xuyên vẫn nguyên vẹn niềm hân hoan, xúc động. Ông chia sẻ: “Tôi rất cảm kích trước những ghi nhận của Nhà nước dành cho mình. Mừng hơn nữa là sau hơn 30 năm cống hiến cho nghệ thuật hò cửa đình ở địa phương, hiện giờ tôi vẫn còn sức khỏe, có thể tham gia các hoạt động quảng bá, trao truyền di sản tới đông đảo người dân. Đây vừa là trách nhiệm, vừa là nguyện vọng lớn nhất của tôi dành cho di sản văn hóa quê nhà”.
Là nghệ nhân trẻ nhất được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú của Hà Nội, nghệ nhân múa rối Phạm Công Bằng ở huyện Mỹ Đức có những cảm xúc đặc biệt về vinh dự to lớn vừa nhận được. Anh chia sẻ: “Tôi là con trai út của nghệ nhân Phạm Văn Bể, người đã dành cả đời mình gìn giữ, phát huy di sản múa rối nước Tế Tiêu. Chính vì vậy, danh hiệu Nhà nước vừa trao tặng không chỉ là động lực để tiếp tục hoạt động, cống hiến mà còn giúp tôi hoàn thành tâm nguyện mà cha tôi hằng mong mỏi khi còn sống”.
Nghệ nhân Lương Tất Tố và nghệ nhân Phạm Công Bằng là 2 trong số 44 cá nhân của Hà Nội được phong tặng các danh hiệu nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 2. Đợt phong tặng này cũng đưa tổng số nghệ nhân được vinh danh của Hà Nội lên 76 người, trong đó có 7 Nghệ nhân nhân dân và 69 Nghệ nhân ưu tú.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết: Hà Nội sở hữu nguồn tài nguyên di sản phong phú và đồ sộ nhất cả nước. Cùng với gần 6 nghìn di tích lịch sử, văn hóa, Hà Nội còn có gần 1,8 nghìn di sản văn hóa phi vật thể ở nhiều loại hình: Ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn, tập quán xã hội và tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian… Việc vinh danh các nghệ nhân không chỉ là dịp ghi nhận những cống hiến của lớp người hết lòng vì di sản mà còn là nguồn động viên, tiếp lửa để các thế hệ sau tiếp tục nỗ lực gìn giữ, trao truyền vốn văn hóa quý báu của cha ông.
Còn đó những nỗi lo
Việc vinh danh các nghệ nhân cũng tiếp tục khẳng định vị thế Thủ đô di sản của Hà Nội, đồng thời mở ra không ít thách thức ở lĩnh vực này khi những nghệ nhân được vinh danh, số đông đều đã ở tuổi xưa nay hiếm; chế độ dành cho lớp người này còn tồn tại những bất cập; kinh phí hoạt động, chính sách bảo đảm an sinh xã hội… còn bấp bênh. Nghệ nhân hò cửa đình Lương Tất Tố cho biết: “Tôi năm nay đã 77 tuổi nhưng vẫn được tính là trẻ so với lớp nghệ nhân vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân của Hà Nội, trong đó có tới gần nửa số nghệ nhân đã ngoài 90 tuổi. Không ít người, hiện đang đau yếu vẫn luôn đau đáu với nỗi lo thất truyền di sản. Mong rằng, cơ quan chức năng sớm có những hỗ trợ ghi chép, tư liệu hóa bài bản, cách thức trình diễn để lưu giữ, trao truyền về sau".
Bên cạnh nỗi lo lớp nghệ nhân tuổi cao, sức yếu, nghệ nhân Lương Tất Tố còn có những nỗi niềm về chế độ đãi ngộ dành cho các nghệ nhân. Ông cho biết: “Hiện nay, chỉ các nghệ nhân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn mới được hưởng trợ cấp theo Nghị định 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, số người được hưởng không nhiều. Với mức thu nhập gần 1,3 triệu đồng/tháng, tôi cũng không thuộc diện được hỗ trợ vì vượt ngưỡng quy định 60 nghìn đồng. Với số tiền ít ỏi này, tôi phải co kéo rất nhiều mới đủ sống. Mong rằng Nhà nước sẽ có những điều chỉnh để nghệ nhân bớt khó khăn, có thể toàn tâm, toàn ý với việc gìn giữ, trao truyền di sản”.
Cùng chung nguyện vọng với nghệ nhân hò cửa đình Lương Tất Tố, nghệ nhân hát dô Nguyễn Thị Lan, huyện Quốc Oai bày tỏ hy vọng Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ nghệ nhân duy trì các lớp bồi dưỡng, trao truyền di sản. Hiện nay, khoản hỗ trợ này đang trong tình trạng nơi có, nơi không, tùy thuộc vào sự quan tâm và điều kiện kinh tế của từng địa phương. Như vậy sẽ rất khó cho nghệ nhân trao truyền lại những tinh túy cho thế hệ mai sau, ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả quảng bá, tôn vinh giá trị di sản văn hóa.
Nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian Bùi Trọng Hiền, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng: Việc phong tặng danh hiệu mới mang lại hiệu quả ở mức động viên tinh thần. Cùng với Nghị định 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ hỗ trợ nghệ nhân có thu nhập thấp, nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn, Nhà nước còn cần có thêm nhiều chính sách đồng bộ, cụ thể khác, như: Chính sách bảo đảm an sinh cho nghệ nhân duy trì cuộc sống vật chất, sức khỏe, tinh thần; chính sách tri ân công lao, công sức nắm giữ, thực hành di sản của nghệ nhân, hỗ trợ nghệ nhân thực hành biểu diễn, sáng tạo văn hóa; chính sách phát huy trí tuệ giúp nghệ nhân sử dụng, phát huy hiệu quả các tri thức mình đang nắm giữ... Những hỗ trợ này sẽ góp phần lấp “lỗ hổng” chế độ đãi ngộ nghệ nhân, làm nhẹ gánh mưu sinh, tiếp sức nghệ nhân trên con đường gìn giữ, phát huy di sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.