(HNM) - Năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) đặt mục tiêu phấn đấu có 800-1.000 lượt cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, làng nghề được hỗ trợ từ công tác khuyến công...
Trong năm 2016, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp đã tổ chức 110 lớp truyền nghề cho 3.850 lao động, trong đó có 32 làng thuần nông được đào tạo các nghề như mây, tre, giang đan; may công nghiệp; mộc dân dụng; thêu ren; gốm sứ; sơn mài; cơ khí; dát vàng quỳ; sản xuất giày dép… Kết thúc các khóa truyền nghề, cấy nghề, 100% các làng thuần nông được cấy nghề đã duy trì được nghề với số lượng lao động đạt hơn 70% số lao động được cấy nghề. Các lớp truyền nghề trung bình có hơn 80% lao động được bố trí việc làm tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn sau khi đào tạo.
Cũng từ chương trình này, đã có hàng chục doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất ngành thủ công mỹ nghệ được hỗ trợ thuê tư vấn thiết kế mẫu sản phẩm mới, góp phần làm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Không dừng ở đó, các sản phẩm được đánh giá cao về chất lượng, mẫu mã còn được Trung tâm hỗ trợ tham gia các hội chợ trong và ngoài nước về xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm như: Hội chợ quà tặng hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2016, Hội chợ quốc tế Thủ công mỹ nghệ và trang trí nội thất tại Singapore, Hội chợ quốc tế thủ công mỹ nghệ Megashow part I tại Trung Quốc, Hội chợ quốc tế Foire D’Automne năm 2016 tại thủ đô Paris (Pháp)… Tham gia hội chợ, các DN không chỉ có cơ hội quảng bá sản phẩm, tìm hiểu nhu cầu của thị trường để nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; mà nhiều DN còn ký kết được các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác và hợp đồng xuất khẩu trực tiếp, với tổng giá trị gần 1 tỷ USD.
Hướng dẫn nghề cho lao động trẻ tại làng nghề sơn mài Hạ Thái, xã Duyên Thái, huyện Thường Tín. Ảnh: Bá Hoạt |
Đáng chú ý, việc hỗ trợ trực tiếp vào đổi mới, nâng cấp máy móc từ chương trình khuyến công của thành phố đã tạo động lực cho các cơ sở công nghiệp nông thôn mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc thiết bị, từ đó góp phần giảm giá thành sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế, lợi ích cho đơn vị sản xuất và người lao động. Điển hình như các dự án: Đầu tư dây chuyền máy định hình, chiết rót, dán nắp cho cốc sữa chua tại Công ty cổ phần Sữa Ba Vì (huyện Ba Vì); đầu tư máy móc điêu khắc tượng gỗ tự động 4 và 8 đầu đục tại Hợp tác xã Tiểu thủ công nghiệp thương mại tổng hợp dịch vụ làng nghề Vân Hà (Đông Anh); đầu tư dây chuyền sản xuất viên nén năng lượng từ phế thải các làng nghề thủ công mỹ nghệ, dự án đầu tư máy xe chỉ tốc độ cao…
Ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thành phố cho biết, các đề án hỗ trợ cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn đầu tư máy móc đã giải phóng sức lao động, giúp người lao động vận hành an toàn hơn, tạo ra sản phẩm có mẫu mã đẹp, độ chính xác cao, từ đó nâng cao hiệu suất, tăng thu nhập và góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương, bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số ngành nghề công nghiệp nông thôn phát triển chưa bền vững, ô nhiễm môi trường ở nhiều địa phương ở mức nghiêm trọng. Nguồn kinh phí khuyến công còn hạn chế, nên số lượng các DN, cơ sở sản xuất được hỗ trợ chưa nhiều. Chất lượng lao động cũng như đào tạo lao động khu vực nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của DN. Thêm vào đó, công tác triển khai các hoạt động khuyến công còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn truyền nghề phần lớn là các làng thuần nông, người dân chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc cấy nghề…
Năm 2017, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp thành phố đặt mục tiêu có 800-1.000 lượt cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn, làng nghề được hỗ trợ từ công tác khuyến công, tạo việc làm cho khoảng 10.000 lao động nông thôn, tạo ra khoảng 300 sản phẩm có thiết kế mới trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ Hà Nội tăng 8-10% so với năm 2016. TP Hà Nội cũng đặt mục tiêu giai đoạn 2016-2020 có hơn 7.000 lượt DN, cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn được hỗ trợ từ chương trình khuyến công, tạo việc làm cho 60.000-75.000 lao động nông thôn. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủ công mỹ nghệ tăng bình quân 12-15%/năm, năm 2020 đạt kim ngạch hơn 400 triệu USD. Tạo ra hơn 2.500 mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ có thiết kế mới phục vụ xuất khẩu.
Để đạt kết quả cao hơn, Sở Công Thương Hà Nội kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định số 45/2012/CP ngày 20-5-2012 về khuyến công cho phù hợp với giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Sở cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan trình Chính phủ nâng mức kinh phí hỗ trợ truyền nghề, nhân cấy nghề cho lao động nông thôn, phối hợp hỗ trợ vốn đầu tư cho phát triển các làng nghề truyền thống kết hợp với du lịch, khắc phục ô nhiễm môi trường làng nghề; xây dựng chương trình quảng bá sản phẩm, hỗ trợ kinh phí cho làng nghề đăng ký tham gia hội chợ triển lãm, tổ chức các tuyến du lịch làng nghề; cung cấp thông tin giúp các DN làng nghề tiếp cận thị trường xuất khẩu sản phẩm, nhập khẩu nguyên liệu cho làng nghề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.