Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ hàng Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

Thanh Hiền| 16/10/2022 07:13

(HNM) - Với doanh thu thương mại điện tử B2C (kinh doanh trực tiếp đến người tiêu dùng) toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2.883 tỷ USD, thương mại điện tử xuyên biên giới được khẳng định là kênh kinh doanh hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường. Đây còn là “cánh cửa” mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu nếu biết nắm bắt cơ hội.

Hội nghị “Nâng cao năng lực xuất khẩu và quảng bá sản phẩm thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới” đã chỉ ra khó khăn và định hướng phát triển của doanh nghiệp trên môi trường số. Ảnh: HPA

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới nhanh nhất thế giới. Với doanh thu thương mại điện tử B2C toàn cầu năm 2023 dự kiến đạt 2.883 tỷ USD, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ là kênh vô cùng hiệu quả cho doanh nghiệp mở rộng thị trường.

Giám đốc khu vực phía Bắc của Amazon Global Selling Việt Nam Trịnh Khắc Toàn cho biết, thương mại điện tử xuyên biên giới mang lại nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp tăng kim ngạch xuất khẩu. Phương thức kinh doanh này cắt bỏ hầu hết khâu trung gian của xuất khẩu truyền thống, dễ dàng tiếp cận trực tiếp với khách hàng trên toàn cầu. Nhờ đó tiết kiệm được chi phí và tăng lợi nhuận bán hàng; đồng thời kiểm soát tốt hơn thị trường và vòng đời sản phẩm nhờ sự phản hồi nhanh chóng từ khách hàng. “Hiện có hơn 7,2 triệu sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đang được bán tại nền tảng này trên khắp toàn cầu” - ông Trịnh Khắc Toàn thông tin.

Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam Nguyễn Ngọc Dũng cho biết, những con số triển vọng trên đã chứng minh, doanh nghiệp Việt ngày càng ý thức hơn về việc sử dụng thương mại điện tử để bán được sản phẩm ra nước ngoài. Đồng thời, giảm phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch, tiết giảm thời gian, chi phí so với giai đoạn trước.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh cho biết, trong thời gian đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tăng trưởng doanh thu từ 40% đến 50% thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Trong đó ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc ở các sản phẩm thủ công mỹ nghệ...

Tuy nhiên, để doanh nghiệp tăng số lượng đơn hàng, doanh thu trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới không phải là dễ dàng, mà còn gặp không ít những khó khăn. Đó là làm thế nào để phát triển thương hiệu, nâng cao nhận diện với người mua nước ngoài, đồng thời giảm chi phí giao hàng vì sản phẩm bán trực tuyến thường có giá trị không lớn. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn phải đối mặt với những bất cập như: Thiếu thông tin, chi phí, năng lực…

Chia sẻ kinh nghiệm, ông Trần Đức Chung, Giám đốc Công ty TNHH Vinescraft (quận Bắc Từ Liêm) cho rằng, để có thể xuất khẩu được sản phẩm qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới cần có sự thích nghi với sự thay đổi về nhu cầu của khách hàng, chính sách của sàn. Có như vậy, doanh nghiệp mới có thể thành công. Ngoài ra, doanh nghiệp khi tham gia sàn thương mại điện tử cần tìm hiểu các quy định, cách thức để có thể xuất khẩu đúng tiêu chuẩn, cách thức vận chuyển, thủ tục mở gian hàng, thời gian giao nhận hàng... Tất cả những yếu tố này đều tác động lên giá thành của sản phẩm.

Để khắc phục những khó khăn này, tại hội nghị “Nâng cao năng lực xuất khẩu và quảng bá sản phẩm thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới” do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội vừa tổ chức, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh khuyến nghị, để tham gia vào thương mại điện tử xuyên biên giới, các doanh nghiệp cần phải nắm chắc các quy định, quy luật, hợp tác quốc tế, logistics, thanh toán quốc tế.

Theo bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, để hàng hóa Việt Nam kết nối hiệu quả với thị trường toàn cầu, ngoài những giải pháp từ cơ quan quản lý thì mấu chốt là các doanh nghiệp phải thực sự vào cuộc. Trong đó, thích ứng với xu hướng, ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi mô hình kinh doanh của mình lên môi trường trực tuyến để kết nối trực tiếp với người tiêu dùng. Khách hàng có nhiều lựa chọn nên đòi hỏi doanh nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đóng gói, bao bì, dịch vụ đáp ứng các tiêu chuẩn mà thị trường, người dùng thế giới cần.

Tận dụng hiệu quả phương thức xuất khẩu trực tuyến không chỉ cần chính sách, mà cần hỗ trợ nền tảng của các sàn thương mại điện tử lớn có phạm vi hoạt động trên thế giới, từ đó cho doanh nghiệp biết rõ cơ hội, thách thức đang chờ đợi họ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ hàng Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.