Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

Thu Hằng| 19/04/2022 06:20

(HNM) - Doanh nghiệp được xác định là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, là cầu nối quan trọng trong việc chuyển hóa các thành tựu khoa học và công nghệ vào cuộc sống. Vì vậy, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao, đổi mới công nghệ là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết và việc có những mô hình, chính sách mang tính đột phá để tạo ra những cơ hội mới cho các hoạt động chuyển giao công nghệ cần được quan tâm.

Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, chuyển giao và đổi mới công nghệ” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức, tháng 3-2022.

Còn nhiều bất cập

Theo Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Tạ Việt Dũng, hoạt động hỗ trợ tìm kiếm, chuyển giao, đổi mới công nghệ là cần thiết và quan trọng, giúp doanh nghiệp duy trì và nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, những người làm khoa học thường bị đánh giá một cách thiên lệch là “không làm ra nổi công nghệ doanh nghiệp cần” hoặc “chỉ làm cái mình thích, chứ không phải làm cái thiết thực, cái xã hội cần”. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam, phần lớn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, không có đủ nguồn lực đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) và “cũng không biết cách hợp tác với nhà khoa học để giải quyết vấn đề của mình”. Cũng theo ông Tạ Việt Dũng, những hỗ trợ của Nhà nước chưa đáp ứng kịp nhu cầu của doanh nghiệp.

Trong khi đó, Phó Vụ trưởng Vụ đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Nguyễn Sĩ Đăng cho rằng, Nghị định số 70/2018/NĐ-CP ngày 15-5-2018 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn Nhà nước, đã khiến công nghệ gần như không đến được với doanh nghiệp. Theo Nghị định này, kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được ngân sách hỗ trợ trên 30% thuộc quyền sở hữu của Nhà nước và người chủ trì thực hiện không được phép tự chuyển giao cho doanh nghiệp. Nếu muốn tuân thủ quy định của Nhà nước để “mua đứt” công nghệ cũng rất phức tạp, vì khó định giá được sản phẩm trí tuệ.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Sao Mai (Long An) Trương Vĩnh Thành chia sẻ, doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong đổi mới công nghệ, như: Thiếu thông tin về công nghệ, các chương trình hỗ trợ của Nhà nước; chưa có nhiều ưu đãi đối với sản phẩm tạo ra từ chuyển giao, đổi mới công nghệ…

Hoàn thiện cơ chế, chính sách

Để khoa học và công nghệ là trụ cột cho phát triển, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới công nghệ… Tập trung đầu tư các phòng thí nghiệm và nghiên cứu khoa học tại các trường, viện nghiên cứu trọng điểm, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp làm chủ công nghệ mới thông qua hợp tác, nhập khẩu và đổi mới công nghệ. Bên cạnh đó, cần xây dựng đồng bộ cơ sở dữ liệu về chuyên gia, công nghệ trong nước và nước ngoài để đáp ứng nhu cầu tiếp cận công nghệ mới của doanh nghiệp. Sớm hoàn thiện các quy định về quản lý để doanh nghiệp được tham gia các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng cấp thiết của nền kinh tế.

Trưởng ban Khoa học - Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) Vũ Văn Tích đề xuất, cho phép nhà khoa học thành lập doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ trong trường đại học. Chỉ khi được sở hữu, làm cho chính mình, nhà khoa học mới có động lực để theo đuổi các nghiên cứu, sáng chế; kêu gọi góp vốn và bỏ vốn để đầu tư cho công nghệ mà họ tin tưởng. Nhìn rộng ra, doanh nghiệp này còn là nơi thực tập của sinh viên, góp phần tạo ra cho xã hội những người có kỹ năng thực hành.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, đổi mới công nghệ, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Tạ Việt Dũng cho biết, Chương trình tìm kiếm và chuyển giao công nghệ nước ngoài đến năm 2030 (thuộc Đề án thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ), đặt mục tiêu hỗ trợ kết nối chuyển giao 100 công nghệ; 30 công nghệ tiên tiến được giải mã, làm chủ phục vụ tạo ra một số sản phẩm chủ lực, trọng điểm; xây dựng được mạng lưới 400 đối tác công nghệ trong nước và quốc tế, 8.000 hồ sơ công nghệ tiên tiến của nước ngoài phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp… Còn Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 đặt mục tiêu số doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ tăng trung bình 15-20%/năm; năng suất lao động của doanh nghiệp sau đổi mới công nghệ tăng ít nhất từ 1,5 đến 2 lần…

Để đạt được mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ; nâng cao năng lực tìm kiếm, chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ; xây dựng, duy trì, khai thác mạng lưới tìm kiếm và cơ sở dữ liệu công nghệ nước ngoài. Cùng với đó hỗ trợ các dự án chuyển giao, làm chủ, phát triển, đổi mới công nghệ…, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.