Nông nghiệp - Nông thôn

Hỗ trợ 13 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số miền núi phát triển kinh tế - xã hội

Thúy Nga 19/12/2023 - 19:20

UBND thành phố Hà Nội vừa có Kế hoạch số 304/KH-UBND về triển khai thực hiện Phụ lục 07 Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ngày 4-7-2023 HĐND thành phố quy định nội dung, mức chi đối với dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của vùng để phát triển sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I, từ năm 2021 đến năm 2025.

ba-vi.jpg
Cơ sở vật chất khang trang của Trường Tiểu học Minh Quang A (xã Minh Quang, huyện Ba Vì). Ảnh: Hồng Đạt

Kế hoạch nhằm nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn 4 huyện, 13 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số miền núi trong việc phát triển kinh tế - xã hội, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô toàn diện, bền vững; phát huy được tiềm năng, lợi thế của vùng, tinh thần tự lực của đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi so với vùng nông thôn Hà Nội; xác định nhiệm vụ nâng cao đời sống đồng bào vùng dân tộc thiểu số là nhiệm vụ chính trị quan trọng, gắn liền với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Về đối tượng hỗ trợ gồm: Hộ nghèo, hộ cận nghèo người dân tộc thiểu số tại các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện đang sản xuất nông nghiệp, có nhu cầu được hỗ trợ; doanh nghiệp (sản xuất, chế biến, kinh doanh), hợp tác xã tham gia vào chuỗi giá trị có từ 70% tổng số lao động trở lên là người dân tộc thiểu số.

Có 2 hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị; hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ.

Trong đó, mức chi hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gồm: Chi hỗ trợ tư vấn xây dựng liên kết, cụ thể chủ trì liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, chi phí khảo sát đánh giá tiềm năng phát triển chuỗi giá trị; tư vấn xây dựng hợp đồng liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, quy trình kỹ thuật, phương án phát triển thị trường tối đa không quá 300 triệu đồng.

Đối với hỗ trợ tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, quản trị chuỗi giá trị, năng lực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ: Nội dung và mức chi thực hiện theo Điểm a Khoản 1 Điều 4 Thông tư 15/2022/TT-BTC ngày 4-3-2022 của Bộ Tài chính (thay thế bằng Điểm a Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 55/2023/TT- BTC ngày 15-8-2023 của Bộ Tài chính).

Hỗ trợ tối đa không quá 70% kinh phí mua nguyên liệu, giống cây, con, vật tư kỹ thuật (phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật) theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tối đa 3 chu kỳ sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo là người dân tộc thiểu số.

Về nội dung, mức chi hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ thực hiện theo quy định tại Phụ lục 05 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐND ngày 7-7-2020 của HĐND thành phố quy định một số nội dung, mức chi đối với hoạt động khuyến nông địa bàn thành phố Hà Nội; kinh phí thực hiện 1 dự án tối đa không quá 3 tỷ đồng; khuyến khích bên nhận đặt hàng, các hộ gia đình, cộng đồng tham gia dự án có đóng góp đối ứng (bằng tiền, ngày công, hoặc hiện vật).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hỗ trợ 13 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số miền núi phát triển kinh tế - xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.