Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hô hào... an toàn thực phẩm!

Nữ Quỳnh| 18/12/2010 06:30

(HNM) - Lần đầu tiên một hội nghị kéo dài hai ngày vừa được tổ chức nhằm thể hiện quyết tâm của cơ quan hữu trách về vấn đề kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Kỳ vọng rất nhiều. Nhưng thực tế ra sao?


Qua rất nhiều kỳ họp Quốc hội, vấn đề ATVSTP luôn là chuyện nóng, công luận cũng chưa bao giờ ngừng phản ánh các vấn đề liên quan. Đây không chỉ là bức xúc trước mắt, mà còn là sự quan tâm lâu dài của người dân trong đời sống hằng ngày. Trong lúc chúng ta có tới 5 bộ liên quan trách nhiệm về quản lý nhưng chất lượng ATVSTP vẫn luôn trong tình trạng báo động, mất kiểm soát. Khi xảy ra tình trạng mất ATVSTP thì không có cơ quan nhà nước nào đứng ra chịu trách nhiệm.

Có thể khẳng định, ATVSTP không chỉ là vấn nạn của Việt Nam, mà bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng đang phải đối phó. Tuy nhiên điểm khác là ở các nước phát triển đã thực hiện khá tốt, đồng bộ và chặt chẽ hệ thống kiểm soát, "phòng vệ từ xa". Thậm chí cả Trung Quốc, nơi mà nhiều sản phẩm xuất sang Việt Nam vẫn bị đặt dấu hỏi về chất lượng ATVSTP thì việc nhập hàng hóa vào họ đều có những quy định kiểm soát ngặt nghèo. Hay như tại Singapore, muốn mở quán ăn hoặc thực phẩm lưu động, bắt buộc người bán phải học qua lớp tìm hiểu các quy định về ATVSTP. Lớp này được tổ chức thường xuyên tại nhiều nơi, đến tận cấp phường. Sau khi có chứng chỉ và được kiểm tra ngặt nghèo quy trình sản xuất thức ăn, họ mới được cấp giấy phép.

Nói như vậy để thấy vấn đề mất ATVSTP là "tồn tại" của thế giới, nhưng không phải là không thể kiểm soát, có nhiều việc, nhiều kinh nghiệm nước ngoài mà ta có thể học tập được. Nhưng tiếc là chúng ta vẫn mới chỉ dừng ở hô hào nhiều hơn là hành động. Năm 2007, Chính phủ đã xác định Chương trình mục tiêu quốc gia ATVSTP giai đoạn 2006-2010 với nguồn vốn dự tính khoảng 1.300 tỷ đồng. Có rất nhiều mục tiêu đã được xác định, như: sẽ hoàn thành từ 80 đến 100% vào năm 2010, như: 90% người sản xuất, 80% người kinh doanh thực phẩm, 100% người quản lý lãnh đạo và 80% người tiêu dùng có hiểu biết đúng và thực hành đúng về ATVSTP; 100% cơ sở sản xuất thực phẩm nguy cơ cao quy mô công nghiệp áp dụng HACCP… Đến lúc này, các mục tiêu ấy đạt đến đâu, có lẽ chỉ các con số thực tế đã trả lời rõ: Từ đầu năm đến nay, toàn quốc đã xảy ra 128 vụ ngộ độc thực phẩm, với 4.660 người mắc, 3.266 người nhập viện và 40 trường hợp tử vong; rất nhiều vụ không xác định được nguyên nhân; nỗi lo thực phẩm "bẩn" luôn ám ảnh trong dư luận.

Đã có nhiều hội nghị chuyên ngành để mổ xẻ vấn đề này. Nhưng tiếc là sau những cuộc như thế, tình trạng quản lý ATVSTP vẫn thiếu, yếu, kém ở mức hệ thống: Thiếu các quy chuẩn, chế tài không khả thi, thiếu chủ động trong giám sát, yếu năng lực, hạn chế trong cảnh báo nguy cơ…

Tháng 7-2011, Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực. Rất nhiều kỳ vọng được đặt ra. Nhưng sẽ thật khó thành công một khi chúng ta không chuyển từ "nói" sang "hành động", hành động có biện pháp cụ thể, rõ ràng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hô hào... an toàn thực phẩm!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.