Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả từ việc xử lý "mạnh tay" vi phạm nồng độ cồn

Chu Dũng| 16/02/2023 10:49

(HNMO) - Ngày 16-2, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) thống kê, qua xử lý vi phạm nồng độ cồn từ đầu năm 2023 đến nay, trung bình khi dừng hơn 400 phương tiện mới phát hiện và xử lý vài trường hợp vi phạm. Kết quả này cho thấy, hiệu quả của việc xử lý "mạnh tay" vi phạm nồng độ cồn mà thành phố đang thực hiện.

Cụ thể, từ ngày 14-12-2022 đến 6-2-2023, Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã kiểm tra, xử lý hơn 10.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền hơn 57 tỷ đồng; tạm giữ hơn 10.000 phương tiện các loại, trong đó có 1.578 ô tô. Số lượng người vi phạm ở mức vượt quá 0,4mg/L khí thở là 1.524 trường hợp (chiếm 15,1%).

Xử lý nồng độ cồn khép kín các tuyến phố.

Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông cho biết, kết quả này cho thấy, hiệu quả của việc xử lý "mạnh tay" vi phạm nồng độ cồn mà thành phố đang thực hiện. Từ việc xử lý "mạnh tay" vi phạm nồng độ cồn, góp phần từng bước thay đổi hành vi của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trên địa bàn Thủ đô.

Trên những diễn đàn về giao thông và ghi nhận từ thực tế đã nhận được nhiều phản hồi tích cực. Những hiện tượng cá biệt, say rượu nhưng chây ỳ không chấp hành đo nồng cồn, lăng mạ, chống đối… đều bị dư luận lên án.

Đặc biệt, cử tri đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông trong việc ra quân kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, góp phần làm giảm số vụ tai nạn giao thông so với các kỳ nghỉ Tết trước đó.

Cảnh sát giao thông được cung cấp trang thiết bị hiện đại khi làm nhiệm vụ.

Đáng phấn khởi hơn, khẩu hiệu “đã lái xe không sử dụng rượu bia” đã được nhiều người thực hiện. Anh Nguyễn Đức Tiến, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Hà Nội, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết, Câu lạc bộ xe bán tải địa hình (PVC- pikup Việt Nam) đang có hơn 19.000 thành viên và 5.000 hội viên trên cả nước đều chung sức đồng lòng thực hiện nghiêm khẩu hiệu “đã lái xe không sử dụng rượu bia”.

“Các thành viên câu lạc bộ chia sẻ những thông tin về việc cảnh sát giao thông xử lý các vi phạm như một bài học cho bản thân và cộng đồng tạo hiệu quả lan truyền rất tốt”, anh Nguyễn Đức Tiến nói.

Xử lý kết hợp phát tờ rơi tuyên truyền tác hại rượu bia.

Còn anh Bùi Hữu Việt, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ PVC chia sẻ, các thành viên là những thanh niên trẻ nhưng đều nhận thức rõ việc không sử dụng rượu bia khi ngồi sau vô lăng để lái xe an toàn chính là đem lại hạnh phúc cho mỗi gia đình. Không chỉ chia sẻ tác hại bia rượu, cập nhật những thông tin thường xuyên những chỉ đạo của thành phố về việc này mà tất cả thành viên câu lạc bộ đều thống nhất không sử dụng rượu bia chính là xây dựng văn hóa giao thông.

“Việc tuyên truyền Nghị định 100/2019/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được phổ biến trong toàn bộ Câu lạc bộ. Ai vi phạm, ngoài hình thức xử phạt của pháp luật thì Câu lạc bộ cũng sẽ có hình thức xử phạt nội bộ, tùy vào mức độ: phê bình đến xóa tư cách hội viên. Người đứng đầu Câu lạc bộ và trưởng, phó các nhóm vi phạm về nồng độ cồn đều bị cắt tư cách”, anh Bùi Hữu Việt nhấn mạnh.

Với hàng vạn lái xe sinh hoạt trong câu lạc bộ, mục tiêu của PVC năm 2023 được xác định rõ, hưởng ứng chỉ đạo của thành phố trong việc xây dựng văn hóa giao thông từ việc nói không với rượu bia khi lái xe.

Người dân Thủ đô đa số chấp hành nghiêm - không sử dụng rượu bia khi lái xe.

Ghi nhận thực tế cùng các tổ công tác xử lý nồng độ cồn từ đầu năm đến nay, việc xử lý luôn linh hoạt từ tuần tra kiểm soát đến cắm chốt xử lý tùy từng địa bàn nội thành và nông thôn sao cho “không có vùng cấm” khi phát hiện vi phạm.

Trung tá Đinh Ngọc Đạo, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông số 1, Phòng Cảnh sát giao thông cho biết, địa bàn quận Hoàn Kiếm có nhiều công sở, cơ quan thành phố nên thực hiện nghiêm chỉ đạo của thành phố cán bộ, công chức không can thiệp khi xử lý vi phạm giao thông, đặc biệt vi phạm nồng độ cồn quá trình làm việc, cảnh sát giao thông luôn ghi hình quy trình tác nghiệp để bảo đảm tính khách quan.

Hoàn Kiếm cũng là đơn vị tiên phong của thành phố thực hiện thông báo về nơi công tác đối với người can thiệp xử lý vi phạm giao thông liên quan đến nồng độ cồn.

Thượng tá Bùi Văn Đang, Phó Trưởng Công an quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh, ngoài việc xử lý ngiêm, để phòng ngừa tác hại rượu bia, tất cả các cơ sở kinh doanh, dịch vụ có sử dụng rượu bia cam kết không bán rượu bia cho người không đủ tuổi, gắn biển báo, pano “Đã uống rượu bia - không lái xe” tại các điểm dễ thấy. Bệnh viện, trường học, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn quận Hoàn Kiếm ký cam kết về việc không sử dụng bia rượu.

“Riêng các trường hợp can thiệp vi phạm giao thông, lực lượng làm nhiệm vụ thu thập đầy đủ thông tin, báo cáo đơn vị công tác để có hình thức xử lý”, Thượng tá Bùi Văn Đang nhấn mạnh.

Hiệu quả của tuyên truyền tác hại rượu bia nhìn từ mỗi việc làm thiết thực của người dân đang định hình lên một phong cách, một nét văn hóa giao thông Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ việc xử lý "mạnh tay" vi phạm nồng độ cồn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.