(HNM) - Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội tại không ít đơn vị, doanh nghiệp còn một số nội dung chưa đúng hoặc chưa kịp thời. Để khắc phục tình trạng này, cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội tăng cường thanh tra, kiểm tra, đồng thời tổ chức tọa đàm, đối thoại, trao đổi, giúp các bên hiểu rõ để thực hiện đúng.
Từ thực tế quản lý, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội tại nhiều đơn vị, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội nhận thấy một số vấn đề còn tồn tại. Nổi lên là tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội.
Tại những đơn vị, doanh nghiệp cơ bản thực hiện đầy đủ các chính sách, pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội cũng vẫn có những nội dung triển khai chưa đồng bộ, nhất quán hoặc thực hiện chưa kịp thời. Chẳng hạn, nhiều lao động nam bày tỏ, họ chưa biết có chế độ thai sản dành cho lao động nam và chưa được hưởng chính sách này.
Ngoài ra, có tình trạng đơn vị sử dụng lao động không biết phải đóng bảo hiểm xã hội cho lao động thời vụ, lao động thử việc ra sao; giải quyết vụ việc người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không có đơn xin phép như thế nào…
Nhằm đưa chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội lan tỏa sâu vào đời sống, đại diện cho tổ chức của người lao động, Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội) Tạ Văn Dưỡng cho biết, năm 2023, các tổ chức công đoàn ngành, công đoàn cơ sở tiến hành nhiều cuộc tọa đàm, trao đổi, đối thoại về các chính sách theo chủ đề, phù hợp với từng nhóm đối tượng lao động. Giải pháp này giúp người lao động tăng hiểu biết và chủ động lên tiếng phản ánh nếu đơn vị, doanh nghiệp nơi họ làm việc thực hiện chưa đúng các quy định về bảo hiểm xã hội.
Dưới góc độ thực hiện chính sách, Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội phân công cán bộ, nhân viên giỏi chuyên môn trực tiếp trả lời những câu hỏi của người lao động, người sử dụng lao động liên quan đến việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội trên nhiều diễn đàn, kênh thông tin.
Đối với những nội dung mà nhiều doanh nghiệp còn lúng túng khi thực thi, như với chế độ thai sản, Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Dương Thị Minh Châu cho biết, chế độ này hiện được áp dụng đối với cả lao động nam và nữ. Tuy nhiên, thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nam chỉ tính trong 30 ngày đầu kể từ ngày vợ của họ sinh con, sau thời gian này sẽ không được giải quyết nghỉ bù. Về nội dung đóng bảo hiểm xã hội cho lao động thời vụ, lao động thử việc, các quy định của pháp luật hiện hành không có khái niệm “lao động thời vụ”, vì vậy, khi đã sử dụng người lao động thì doanh nghiệp cần ký hợp đồng đối với họ.
Tương tự, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành không có quy định về “thử việc đóng bảo hiểm xã hội”, nhưng thực tế xuất hiện nhiều loại hợp đồng lao động, nên doanh nghiệp cần căn cứ vào nội dung ký kết để thực hiện. Ví dụ, khi người lao động có thời gian thử việc một tháng nằm trong thời gian hợp đồng 12 tháng, thì những hợp đồng lao động từ một tháng trở lên bắt buộc phải tham gia bảo hiểm xã hội; còn hợp đồng thử việc tách rời hợp đồng chính, hai bên không có trách nhiệm tham gia bảo hiểm xã hội trong thời gian thử việc.
Đối với những trường hợp có từ 2 sổ bảo hiểm xã hội trở lên, các cơ quan chức năng sẽ thống nhất sổ và khớp nối quá trình đóng, hưởng cho người lao động, mã số tham gia bảo hiểm xã hội là mã số của sổ đầu tiên. Cần quan tâm, khi người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không có đơn xin phép, họ không vi phạm các quy định của pháp luật. Bởi theo quy định, người lao động chỉ có trách nhiệm báo trước cho người sử dụng lao động, không nhất thiết phải làm đơn…
Với trách nhiệm quản lý nhà nước về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, hiện nay, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng đang tiến hành thanh tra một số đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội.
“Trong quá trình thanh tra, chúng tôi yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp khắc phục ngay, triệt để những vấn đề tồn tại, nhất là việc hoàn thành số tiền chậm đóng. Đây là giải pháp quan trọng để đơn vị, doanh nghiệp thực hiện đúng, đủ, kịp thời các chính sách, qua đó thiết thực bảo đảm quyền lợi cho các bên”, Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Võ Thị Ngọc Yến nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.