Xã hội

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Lấp dần những khoảng trống an sinh

Vũ Minh 21/08/2023 - 06:20

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Với nhiều điểm mới, dự án luật này được kỳ vọng sẽ tạo khung chính sách linh hoạt, khả thi để lấp dần những khoảng trống, tạo thuận lợi tối đa cho người dân có điểm tựa an sinh.

bao-hiem-1.jpg
Với nhiều điểm mới phù hợp thực tế, dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo chính sách thông thoáng để nhiều người có cơ hội hưởng lương hưu. Trong ảnh: Chi trả lương hưu cho người thụ hưởng tại phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm) vào ngày 14-8-2023.

Những khoảng trống hiện hữu

Trong cuộc sống, bất cứ ai cũng trải qua những giai đoạn cần có điểm tựa an sinh, nhất là ở độ tuổi trẻ em và tuổi già. Với lứa tuổi nhỏ, do còn nhỏ, các em chưa thể tự trang bị lưới an sinh cho bản thân mà phụ thuộc vào người lớn cùng hệ thống chính sách dành cho trẻ em. Còn người già có thể chủ động tạo điểm tựa an sinh cho chính mình bằng nhiều cách. Trong đó, cách phổ biến, dễ thực hiện là tham gia bảo hiểm xã hội ở độ tuổi lao động để về già hưởng lương hưu cùng nhiều chế độ khác.

Tiếc rằng, ở nước ta hiện nay, tốc độ già hóa dân số diễn ra khá nhanh, trong khi số người có tên trên hệ thống bảo hiểm xã hội chưa nhiều, tỷ lệ gia tăng cũng chưa như kỳ vọng. Theo Phó Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Trịnh Thu Nga, giai đoạn già hóa dân số của Việt Nam bắt đầu từ năm 2011 với chỉ số già hóa 31,5%. Đến năm 2022, chỉ số này tăng lên 35,88%. Tốc độ già hóa dân số nhanh, trong khi số người tham gia bảo hiểm xã hội còn ít (đến hết tháng 7-2023, cả nước có khoảng 17,5 triệu người tham gia, bằng khoảng 38% lực lượng lao động trong độ tuổi), dẫn đến thực trạng đáng lo ngại là nhiều người cao tuổi thiếu điểm tựa an sinh vững chắc. Đây là khoảng trống lớn, hiện hữu nhiều năm qua.

Đồng quan điểm, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hiệp quốc (UNFPA) tại Việt Nam Pauline Tamesis phản ánh, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội tại Việt Nam hiện còn thấp so với mục tiêu muốn đạt được vào năm 2030 là 60%. Do đó, Việt Nam cần có khung chính sách linh hoạt, hấp dẫn hơn để thu hút nhiều người tham gia bảo hiểm xã hội.

Đáng lưu ý, trong khi số người mới tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội chưa tăng như mong muốn, thì số người rời hệ thống sau khi hưởng bảo hiểm xã hội một lần lại tăng nhanh. Nguyên nhân một phần là do chính sách quá thông thoáng, hầu như không có quốc gia nào cho phép điều này. Dưới góc nhìn khách quan, chuyên gia của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam Carlos Andre da Silva Gama Nogueira cho rằng, để người lao động “lưu trú” trên hệ thống bảo hiểm xã hội, trước hết cần giảm nhu cầu nhận chế độ một lần bằng cách giảm dần số tiền cho phép rút một lần, tăng các chế độ trợ cấp ngắn hạn cho họ khi gặp khó khăn…

Khoảng trống khác dễ nhận thấy là chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc chưa bao phủ đến một số nhóm đối tượng đủ điều kiện tham gia. Cộng hưởng nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, hiện nước ta có hơn 14 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu nhưng mới có khoảng 5,1 triệu người được hưởng lương hưu, trợ cấp hằng tháng. Số đông còn lại thiếu điểm tựa an sinh vững chắc, trong khi không phải ai cũng có khoản tích lũy cho tuổi già hoặc được con, cháu chăm sóc, phụng dưỡng chu toàn về mọi mặt.

Thiết kế những chính sách phù hợp

Để lấp dần những khoảng trống về an sinh xã hội, tại dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), các cơ quan chức năng thiết kế nhiều chính sách được đánh giá là linh hoạt, khả thi.

bao-hiem-2.jpg
Các quy định mới trong Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ tạo điểm tựa an sinh vững chắc cho người cao tuổi.

Nổi bật là chính sách bảo hiểm xã hội bắt buộc xây dựng theo hướng mở rộng đối tượng tham gia. Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Nguyễn Duy Cường cho biết, bảo hiểm xã hội bắt buộc dự kiến bao phủ thêm nhóm đối tượng là chủ hộ kinh doanh; người quản lý doanh nghiệp; người lao động làm việc không trọn thời gian; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố… Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến đồng tình. Nếu được thông qua, cả nước có thêm hàng triệu người ghi tên vào hệ thống bảo hiểm xã hội.

Chính sách khác nhận được đa số ý kiến ủng hộ, mong muốn sớm được phê duyệt, thực thi là giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm; giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống còn 75 tuổi. Theo tính toán, nếu giảm độ tuổi hưởng trợ cấp, trong tương lai gần, cả nước có thêm gần một triệu người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng. Với những người đóng bảo hiểm xã hội dưới 15 năm, họ sẽ nhận trợ cấp từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, cho đến khi đủ 75 tuổi thì chuyển sang nhận trợ cấp hưu trí xã hội.

Về việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, hiện có 2 phương án, nhưng đều được cho là chưa tối ưu. Đại diện cho người lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh kiến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu phương án sao cho hài hòa, cân bằng lợi ích giữa các bên. Đây cũng là quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hiện dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với nhiều đề xuất mới tiếp tục được nghiên cứu để hoàn thiện. Nhìn một cách tổng thể có thể thấy, theo dự thảo luật, hệ thống an sinh sẽ hình thành ba tầng. Tầng dưới cùng là bảo hiểm xã hội cơ bản, dành cho lao động từ khi đi làm, gia nhập hệ thống an sinh, đến trước khi đủ tuổi về hưu. Tầng tiếp theo là lao động đủ tuổi về hưu đến dưới 75 tuổi. Tầng an sinh còn lại dành cho người già trên 75 tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Nếu được thực thi, những quy định mới được kỳ vọng sẽ lấp dần những khoảng trống, tạo điểm tựa an sinh vững chắc cho người dân, nhất là với người cao tuổi.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi:
Bảo hiểm xã hội là khoản tích lũy an sinh

Trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), tôi đặc biệt quan tâm đến quy định về hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Với hai phương án đưa ra, tôi cho rằng, phương án một ít khả thi. Dễ nhận thấy đó là sự thiếu công bằng giữa những người tham gia chính sách, khi quy định người tham tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực có thể rút, còn người tham gia sau thời điểm này lại không được nhận. Với phương án 2, tôi cho rằng có nhiều ưu điểm khi quy định người lao động, có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ Hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.

Để có cái nhìn khoa học, khách quan, tôi kiến nghị các cơ quan chức năng tiến ngành tổng kết Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22-6-2015 của Quốc hội về thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động. Cùng với đó, cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu bảo hiểm xã hội là khoản tích lũy an sinh ý nghĩa khi về già.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội Phan Văn Mến:
Rộng mở cơ hội có lương hưu

Giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm, xuống còn 15 năm là một trong những đề xuất mới đáng chú ý, nổi bật tại dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đề xuất này phù hợp với thực tiễn đời sống, cũng như mong muốn, nguyện vọng của nhiều người lao động, tạo cơ hội cho những người sau 45 tuổi vẫn có thể tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí. Đối tượng khác có cơ hội tiếp cận, thụ hưởng chế độ hưu trí là những người có quá trình tham gia bảo hiểm xã hội gián đoạn do dịch chuyển các cơ quan, đơn vị, nghề nghiệp, cộng dồn lại họ vẫn có thể đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu.

Tuy nhiên, nguyên tắc cơ bản của bảo hiểm xã hội là đóng đi liền với hưởng, nên việc giảm thời gian đóng xuống còn 15 năm, đồng nghĩa mức lương hưu nhận được sẽ ít hơn. Dù vậy, chính sách bảo hiểm xã hội ở nước ta đặc biệt đề cao tính nhân văn và chia sẻ, được quan tâm điều chỉnh tăng thường xuyên. Hiện, những người hưởng lương hưu thấp nhất cũng cao hơn mức chuẩn nghèo, nên người lao động có thể yên tâm.

Bà Nguyễn Thị Tú, Khu đô thị Nam La Khê (quận Hà Đông):
Sẽ có thêm nhiều người cao tuổi nhận tiền trợ cấp

Khi còn tuổi lao động, tôi tham gia bảo hiểm xã hội nhiều năm, về già có lương hưu, cuộc sống khá thoải mái. Tuy nhiên, nhiều người cao tuổi mà tôi biết, họ không có lương hưu, nên cuộc sống có phần khó khăn. Cũng nhờ có nhiều thời gian, tôi hay đọc báo, xem ti vi, qua đó nắm bắt kịp thời nhiều thông tin thời sự. Những ngày gần đây, tôi theo dõi sát thông tin về các chế độ dành cho người sau độ tuổi nghỉ hưu tại dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Tôi đặc biệt phấn khởi trước đề xuất, người từ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác, thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách bảo đảm.

Theo tôi hiểu, chế độ trợ cấp hưu trí xã hội có phần giống với trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi hiện nay (áp dụng với người từ 80 tuổi trở lên), nhưng mức trợ cấp cao hơn (hiện nay là 360.000 đồng/người/tháng), đối tượng hưởng mở rộng hơn, trong khi độ tuổi thụ hưởng giảm xuống. Nếu đề xuất này được thông qua, nghĩa là sẽ có thêm nhiều người cao tuổi được nhận tiền trợ cấp hằng tháng, qua đó giúp họ có điểm tựa an sinh vững chắc hơn.

Hà Hiền ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Lấp dần những khoảng trống an sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.